Nhiều nạn nhân mua bán người có trình độ cao, biết đa ngôn ngữ

Theo lãnh đạo Cục Lãnh sự Việt Nam, nạn nhân của các vụ mua bán người chủ yếu là 18-35 tuổi. Đặc biệt, nhiều người không phải không có trình độ, thậm chí họ còn có hiểu biết về công nghệ, biết đa ngôn ngữ.

Sự dịch chuyển bất thường 

Thời gian gần đây, những dòng tít giải cứu hàng chục thậm chí hàng trăm công dân Việt Nam khỏi sòng bạc trái phép liên tiếp xuất hiện trên báo chí.

Ngay trong tháng 10 và tháng 11, Bộ Ngoại giao liên tiếp thông tin giải cứu một đợt 61 người, một đợt khác là 166 người là công dân Việt Nam khỏi các tụ điểm sòng bạc lừa đảo ở Myanmar.

Trong khi các cơ quan miệt mài nỗ lực giải cứu, song song với đó cũng có rất nhiều công dân Việt Nam tiếp tục tin theo lời quảng bá việc nhẹ lương cao và rơi vào cạm bẫy. Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn. 

Nhiều nạn nhân mua bán người có trình độ cao, biết đa ngôn ngữ - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng Philippines đột kích cơ sở đánh bạc ở tỉnh Pampanga, gần Thủ đô Manila (Ảnh: Philippine National Police Anti-Cybercrime Group).

Mới đây, khoảng trung tuần tháng 11 vừa qua, Công an tỉnh Tuyên Quang đã bắt tạm giam bị can đối với Trần Bình Giang (SN 1999) vì tội "tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài".

Trần Bình Giang đã sử dụng tài khoản Zalo "A A Phong Ca", "Bi Phong" tự xưng tên là Trần Đạo Phong trú tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đăng bài viết tuyển dụng người Việt Nam đến Thái Lan làm việc.

Công việc tuyển dụng là làm văn phòng nhẹ nhàng, được hưởng lương cao, nhập cảnh hợp pháp bằng hộ chiếu, được miễn phí visa cư trú.

Người lao động chỉ cần chụp ảnh hộ chiếu, Trần Bình Giang sẽ mua cho vé máy bay đi đến Thái Lan, đón đến nơi làm việc.

Tuy nhiên, khi các bị hại đi đến Bangkok, Thái Lan, Trần Bình Giang bố trí đón, đưa đến một khu tự trị có vũ trang tại Myanmar lao động bất hợp pháp.

Giang yêu cầu các bị hại tìm kiếm, kết bạn, làm quen với những người Việt Nam sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu không làm theo yêu cầu sẽ bị đánh đập, dí dùi cui điện.

Những người muốn trở về Việt Nam phải nộp số tiền chuộc lên tới hàng trăm triệu đồng, nên nhiều bị hại đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc, bơi qua sông đến Thái Lan, trong đó có một công dân tại tỉnh Tuyên Quang khi bỏ trốn đến Thái Lan thì bị bắn chết.

Trước thực trạng này, Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Phan Thị Minh Giang nhận định: "Nếu như trước đây, Đông Nam Á được coi là địa bàn của những nạn nhân bị mua bán người nhưng thời gian gần đây, nơi đây đã chuyển dịch trở thành nơi hoạt động của các tội phạm mua bán người, nổi lên là tình trạng mua bán người trên không gian mạng". 

Nhiều nạn nhân mua bán người có trình độ cao, biết đa ngôn ngữ - Ảnh 2.

Công dân Việt Nam bị lừa sang Campuchia làm việc bất hợp pháp được giải cứu và được đưa về nước qua cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang tháng 9/2022. (Ảnh: TTXVN).

Thông tin về tình trạng mua bán người tại các nước Đông Nam Á, tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị ngoại vụ lần thứ 21, bà Giang cho biết, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) nhận định đây là hoạt động mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức, thực hiện hành vi phạm tội.

Báo cáo nghiên cứu của UNODC cho thấy hoạt động của tội phạm mua bán người tại Đông Nam Á chủ yếu tại các đặc khu kinh tế, có liên quan đến các tụ điểm giải trí bất hợp pháp, sòng bạc, khách sạn ở Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và gần đây là Malaysia, trong những tòa nhà tổ hợp nơi mà nạn nhân bị giam giữ và bị ép thực hiện hành vi phạm tội. Thái Lan được xem là địa bàn trung chuyển.

Phương thức, thủ đoạn là tuyển dụng trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội.

"Quá trình tuyển dụng thoạt nhìn có vẻ hợp pháp với những vỏ bọc việc nhẹ lương cao khiến công dân các nước sập bẫy", Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Phan Thị Minh Giang cho biết.

Nhiều nạn nhân mua bán người có trình độ cao, biết đa ngôn ngữ - Ảnh 3.

Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Phan Thị Minh Giang (người cầm mic) trao đổi tại hội nghị (Ảnh: Anh Sơn/Báo quốc tế).

Đáng chú ý, nạn nhân chủ yếu là 18-35 tuổi, nhiều trường hợp dưới 18 tuổi với trình độ phổ biến từ trung học phổ thông trở lên. Đặc biệt, nhiều người trong số đó không phải không có trình độ, thậm chí họ còn có hiểu biết về công nghệ, biết đa ngôn ngữ (đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Trung).

"Điều này cho thấy bức tranh có sự dịch chuyển phương thức rất lớn, tính chất mức độ phạm tội ngày càng tăng", bà Giang nhận định. Khi phát hiện giải cứu, các nạn nhân là công dân Việt Nam chiếm số lượng rất lớn.

Bà Giang cho biết: "Khi kết thúc chiến dịch giải cứu, hằng ngày chúng tôi vẫn nhận được nhiều đơn của các sở ngoại vụ các địa phương cũng như công an tỉnh, địa phương, cơ quan cảnh sát hình sự Bộ Công an để Cục Lãnh sự phối hợp với các cơ quan đại diện thực hiện".

Khó khăn khi xác định nạn nhân 

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình bảo hộ công dân, đảm bảo quyền lợi cho các nạn nhân, Phó cục trưởng Cục Lãnh sự cho biết, nếu như trong năm 2022, riêng tại Campuchia có khoảng 1.400 trường hợp được đưa về là nạn nhân của lao động cưỡng bức, mua bán người thì trên thực tế để xác định nạn nhân theo quy định pháp luật lại chỉ có 73 trường hợp.

Theo cơ quan công an, thực tế có rất nhiều người là nạn nhân của mua bán người nhưng do thiếu bằng chứng để chứng minh nên chưa thể xác định được, bà Giang cho hay. 

Nhằm giải quyết hiệu quả tình trạng mua bán người, lừa đảo công dân sang lao động tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, Phó cục trưởng Phan Thị Minh Giang đã đưa ra ba đề xuất.

Trước hết cần tăng cường quản lý cư trú, xuất cảnh của công dân, đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu, tạo việc làm cho thanh niên ở các địa phương, tuyên truyền hơn nữa về những cạm bẫy của việc nhẹ lương cao nhưng thực chất là bóc lột lao động.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể tại cơ sở, nhất là đoàn thanh niên, hội phụ nữ trong việc tuyên truyền, định hướng, nâng cao nhận thức cho thanh niên về việc làm an toàn, di cư an toàn, phòng ngừa nguy cơ mua bán người.

Tiếp đó, số người đã về nước từ các tổ hợp lừa đảo trong khu vực cần được rà soát, quản lý để tiến hành phỏng vấn, xác định các trường hợp có dấu hiệu bị mua bán để chuyển tuyến đến các cơ quan liên quan hỗ trợ theo quy định và góp phần vào điều tra, truy tố các đường dây đưa người, mua bán người.

Cuối cùng là đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực và các bên có liên quan trong phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người ở các cấp độ khác nhau.

Theo bà Giang, tới đây, nên thúc đẩy ASEAN giải quyết vấn đề này trong cơ chế SOMTC và thông qua hợp tác với các bên có liên quan theo tinh thần Đối thoại cấp cao diễn ra vào ngày 28/6/2023.

https://www.baogiaothong.vn/nhieu-nan-nhan-mua-ban-nguoi-co-trinh-do-cao-biet-da-ngon-ngu-192231219195110021.htm

Trang Trần / Giao thông