Nhiều mặt hàng chờ đón cơ hội khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại

Trước thông tin Trung Quốc mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch COVID-19, doanh nghiệp xuất khẩu đang chờ đợi sự "bùng nổ" đơn hàng trở lại tại thị trường này.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD. Hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang và nhập khẩu từ Trung Quốc về là hàng hóa dùng cho sản xuất hoặc hàng hóa trung gian khác liên quan đến sản xuất hàng điện tử và hàng may mặc. Những hàng hóa này chiếm đến hai phần ba tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước. Do vậy, trước thông tin nối lại hoạt động thông quan hàng hóa và vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới và gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng, chống COVID-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu (bao gồm cả hàng hóa đông lạnh) từ ngày 8/1/2023 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc được các doanh nghiệp, ngành hàng kỳ vọng.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect đã chỉ ra 8 nhóm ngành được hưởng lợi khi Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý 2/2023. Đứng đầu là các doanh nghiệp ngành hàng không, thuỷ sản, xi măng, cao su, thép, gạo. VNDirect cho rằng việc Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành này vào năm 2023. Riêng về thuỷ sản, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông dẫn đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam, chiếm gần 30%, đạt 638 triệu USD trong 10 tháng năm 2022, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 12/2022, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 785 triệu USD, tiếp tục mức giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng liên tục trong 10 tháng đầu năm nên cả năm 2022, ngành Thủy sản xuất khẩu đã cán đích 11 tỷ USD, tăng gần 24% so với năm 2021. Tháng 12, mặc dù xuất khẩu sang hầu hết các thị trường và khối thị trường đều sụt giảm nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông vẫn tăng 17%, mở ra tín hiệu lạc quan về thị trường này trong thời gian tới. Cả năm 2022, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông đã mang về trên 1,8 tỷ USD cho ngành Thủy sản Việt Nam, tăng 59% so với năm 2021. Do đó, khi mở cửa thì sẽ tạo thuận lợi cho thủy sản, trong đó, các mặt hàng này dự kiến sẽ tăng mạnh.

2.jpg -0
Trung Quốc là điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2023.

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP cho biết, Trung Quốc là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2023. Khi Trung Quốc mở cửa, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ bùng nổ trong khi nguồn nguyên liệu nội địa của nước này khó đáp ứng kịp vì chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Trong các mặt hàng xuất khẩu, cá tra sẽ có lợi hơn tôm do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc, cá tra Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống cá thịt trắng từ Nga trong bối cảnh xung đột chính trị vẫn chưa đến hồi kết. Mặt khác, thời gian gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tiêu thụ cá tra và các loại cá nước ngọt khác nhiều hơn cá rô phi, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.

 Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, trong đó có rau quả, đặc biệt quả sầu riêng có nhiều kỳ vọng khi Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện Việt Nam có 4 mặt hàng có nghị định thư với Trung Quốc là sầu riêng, chuối, khoai lang, chanh dây (thí điểm). Năm 2023 dự kiến sẽ đàm phán thêm 8 mặt hàng (thanh long, dưa hấu, xoài…) từ xuất tiểu ngạch sang xuất chính ngạch theo nghị định thư đi Trung Quốc. Đây là những yếu tố tích cực trong năm 2023.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rất quan trọng của ngành rau quả Việt Nam. Đây là thị trường có tới 1,5 tỷ dân, nhập khẩu 15 tỷ USD rau quả mỗi năm. Việt Nam hiện mới xuất khẩu 2 tỷ USD, chiếm thị phần rất nhỏ tại thị trường này. Do vậy, thông tin vào ngày 8/1/2023, thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn, chấm dứt chính sách Zezo COVID là một tin vui bởi đã mở ra triển vọng lớn cho ngành rau quả Việt Nam. Theo đó, thủ tục, thời gian thông quan qua biên giới sẽ giảm, chi phí vận chuyển giảm, hàng hoá được giao nhận nhanh hơn, không ảnh hưởng tới phẩm chất hàng hoá. Điều này cũng góp phần kích cầu tiêu dùng ở thị trường sở tại. Cùng với đó, việc thông thương qua lại giữa doanh nhân 2 nước dễ dàng giúp ký kết hợp đồng thuận lợi hơn. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt gần 3,4 tỷ USD. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, năm 2023 dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 20-30%, đạt khoảng 4 tỷ USD. Về mặt hàng, tăng cao nhất là sầu riêng, có khả năng đạt 1 tỷ USD. Trước đó Việt Nam có xuất khẩu sầu riêng nhưng chỉ đạt 170-180 triệu USD mỗi năm, năm 2023 có thể đứng vào nhóm mặt hàng tỷ USD. Cộng với thanh long có tiềm năng lớn, kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả sẽ tăng mạnh.

Bên cạnh đó, với ngành dệt may, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sợi chính của Việt Nam (chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu sợi của Việt Nam). Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa sẽ là yếu tố kích thích nhu cầu của ngành Dệt may tại Việt Nam. Tương tự, ngành bán lẻ cũng được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Ngoài ra, ngành Du lịch cũng có nhiều cơ hội để được hưởng lợi.

Các chuyên gia cho rằng, khi kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại thì động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất lớn, không chỉ tác động nhiều đến năng lực sản xuất kinh doanh mà còn cải thiện khả năng thực hiện của các doanh nghiệp sản xuất. Theo đó, để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị kỹ từ nhân sự, nguồn lực, đối tác. Trong đó, doanh nghiệp cần đầu tư cho sản xuất, nuôi trồng để chiếm lĩnh thị phần, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, với công tác xúc tiến thương mại, với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần hướng tới việc tìm kiếm đối tác sâu trong nội địa.

Trao đổi với PV Báo CAND chiều 31/12, ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn vẫn đang chờ thông tin chính thức từ phía Trung Quốc. Hiện, Lạng Sơn nói chung và Hải quan Lạng Sơn nói riêng đã sẵn sàng các kế hoạch để hoạt động giao thương trở lại bình thường trong năm 2023. Đồng thời, kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, sẽ thuận lợi hơn trong năm 2023.

Thông tin Trung Quốc tháo dỡ các biện pháp chống dịch sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cả hai nước, nhất là cắt giảm được chi phí kiểm dịch, thuê tài xế chuyên trách ở khu vực cách ly để chở hàng; xe hàng xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Cùng với đó, sự nối lại hoạt động thông quan không chỉ xuất nhập khẩu hàng hóa mà hoạt động xuất nhập cảnh cũng sẽ nhộn nhịp trở lại.

https://cand.com.vn/Kinh-te/nhieu-mat-hang-cho-don-co-hoi-khi-thi-truong-trung-quoc-mo-cua-tro-lai-i679740/

Lưu Hiệp / Công an nhân dân