Nhiều công ty Trung Quốc nối gót đối tác nước ngoài tháo chạy khỏi đất nước, di dời dây chuyền sản xuất để giảm thiểu tác động của thương chiến với Mỹ.
Cũng như các nhà sản xuất nước ngoài, các đợt đánh thuế liên miên của Tổng thống Trump cùng chi phí nhân công cao đang thúc đẩy các công ty Trung Quốc rời khỏi quê nhà.
Kể từ tháng 6/2018, 33 công ty thông báo cho 2 sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc về kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng sản xuất ra nước ngoài.
Gần 70% trong số 33 công ty này coi Việt Nam là điểm đến yêu thích, số còn lại chọn Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia và Thái Lan.
Một tàu hàng neo đậu tại cảng Cát Lái, Việt Nam. (Ảnh: NAR) |
Jinhua Chunguang, công ty chuyên sản xuất sản phẩm cao su có trụ sở tại Thượng Hải hôm 19/7 công bố kế hoạch đầu tư 4,35 triệu USD xây dựng một cơ sở sản xuất ở Việt Nam. Đây là cơ sở thứ 2 của công ty này ở Đông Nam Á sau chi nhánh tại Malaysia. Jinhua nói rằng bước đi này là để thích ứng với những thay đổi trong môi trường quốc tế cũng như một phần của kế hoạch mở rộng toàn cầu.
Dòng sản phẩm máy hút bụi mà Jinhua đang sản xuất là một trong các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nằm trong danh sách bị đánh thuế vào 6 tháng cuối năm 2018 theo quyết định của Tổng thống Trump.
Zhejiang Henglin, công ty chuyên sản xuất ghế có trụ sở ở Chiết Giang cũng đang tìm tới Việt Nam để mở rộng sản xuất. .
"Chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất vào nửa cuối năm nay", một giám đốc điều hành của công ty nói với Nikkei tại nhà máy của công ty ở huyện An Cát (Chiết Giang). Henglin là đối tác của tập đoàn Ikea của Thụy Điển và hương hiệu nội thất Nitori nổi tiếng của Nhật Bản.
Theo số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế, mức lương của lao động Trung Quốc đã tăng tới 44%, chạm mốc 6.193 NDT (hơn 20 triệu đồng)/tháng trong 5 năm qua. Con số này cách biệt khá lớn với mức tăng 30% của Việt Nam, 28% của Malaysia và 11% của Mexico trong cùng thời kỳ.
Các nhà phân tích nhận định chi phi gia tăng là nguyên nhân khiến các công ty Trung Quốc rời bỏ quê hương ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại diễn ra. Bản thân chính quyền Trung Quốc từ năm 2001 cũng khuyến khích chính sách "ra đi" nhưng nhiều công ty khi đó cảm thấy không cần thiết khi có thể khai thác thị trường khổng lồ trong nước.
"Những gì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm là đẩy nhanh xu hướng này trong ngắn hạn, có khả năng mang lại lợi ích cho các nước như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam", Darren Tay, nhà phân tích rủi ro tới từ Fitch Solutions - công ty con của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch cho hay.
Ngoài mức lương cạnh tranh, hàng loạt các tiêu chí như lao động lành nghề, được đào tạo bài bản, cơ hở hạ tầng tốt và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đa dạng là lý do các công ty Trung Quốc muốn "đổi gió" sang nước ngoài.
Tuy nhiên, việc nhiều công ty tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang săn tìm các địa điểm để tránh mức thuế quan khắc nghiệt từ Mỹ cũng đặt ra thách thức với các nước sở tại trong vấn đề quản lý giả mạo, đội lốt thương hiệu.
“Chính phủ phải đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn các sản phẩm Trung Quốc được dán nhãn hàng Việt Nam sản xuất sang Mỹ", ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ.
Mạng Trung Quốc phát nhầm tin bão "xóa sổ" tỉnh Sơn Đông |
Mỹ bất ngờ tuyên bố hoãn tăng thuế hàng hóa Trung Quốc |
Trung Quốc không cho phép chiến hạm Mỹ thăm Hong Kong |