Nhiều bệnh nhân đột quỵ ở tuổi vị thành niên

Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM từng cấp cứu cho nhiều người đột quỵ mới 12-13 tuổi, bệnh nhân 20-30 tuổi thì ngày nào cũng có.
 

Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Trưởng khoa Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, 80% bệnh nhân không có triệu chứng cảnh báo trước đột quỵ. Hầu hết nhập viện vì đột ngột liệt hoặc yếu nửa người, tê yếu mặt hoặc tay chân. Ngoài ra, có thể méo miệng, nói khó, rối loạn ngôn ngữ, chóng mặt, nhức đầu, mất thị lực…

Những dấu hiệu trên báo trước cơn đột quỵ sắp xảy ra trong vài giờ hoặc vài ngày tiếp theo. Chỉ khoảng 20% bệnh nhân thấy dấu hiệu cảnh báo trước. Nếu bệnh nhân đến gặp bác sĩ và uống thuốc phòng ngừa ngay, sẽ giảm được 80% nguy cơ đột quỵ.

Đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng

"Rất tiếc phần lớn bệnh nhân không tận dụng được cơ hội quý báu này. Khi cơn thiếu máu não thoáng qua, họ tưởng lầm là trúng gió. Sau vài giờ đột ngột liệt nửa người, nói khó, méo miệng…, các triệu chứng này tự khỏi. Người bệnh thường chủ quan, không đến gặp bác sĩ ngay lập tức", bác sĩ Thắng nói.

Bác sĩ Thắng từng cấp cứu cho nhiều người đột quỵ mới 12-13 tuổi, bệnh nhân 20-30 tuổi thì ngày nào cũng có. Tỷ lệ người đột quỵ trẻ có xu hướng tăng, khoảng 2% mỗi năm, nam gấp 4 lần nữ.

Mỗi năm, Việt Nam có hơn 200.000 người đột quỵ, 30% tử vong và 70% sống chung với di chứng tàn phế. Đột quỵ thường xảy ra ở người tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch do rung nhĩ… Người trẻ sử dụng các loại chất gây nghiện, thuốc lá, rượu bia, thừa cân béo phì… cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao.

Rung nhĩ chiếm 10% nguyên nhân gây ra đột quỵ. Châu Á ước tính sẽ có 72 triệu bệnh nhân rung nhĩ vào năm 2050. Trong đó, có 2,9 triệu người đột quỵ do rung nhĩ. Đối với người từng đột quỵ do rung nhĩ, sử dụng thuốc kháng đông có thể giảm được 70% nguy cơ tái phát.

Theo bác sĩ Thắng, rung nhĩ không được điều trị sẽ khiến nguy cơ đột quỵ tăng gấp 5 lần. Gần đây ghi nhận các thuốc kháng đông đường uống mới, hiệu quả tương tự thuốc kháng vitamin K truyền thống, song có ưu điểm: liều cố định, tiện sử dụng, ít tương tác thuốc và thức ăn, không cần xét nghiệm máu hoặc theo dõi chỉ số đông máu INR.

Nghiên cứu lâm sàng XANTUS trên 11.000 bệnh nhân tại 47 nước, trong đó có Việt Nam, còn cho thấy tỷ lệ đột quỵ và xuất huyết nghiêm trọng thấp ở bệnh nhân rung nhĩ dùng thuốc kháng đông đường uống mới liều ngày một lần.

Bác sĩ Thắng khuyên cáo, người bệnh muốn phòng đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ; tránh xa thuốc lá, rượu bia; nên tập thể dục; sống điều độ; giảm căng thẳng; ăn uống lành mạnh… Khi phát hiện bệnh mãn tính như tăng huyết áp, rung nhĩ, tiểu đường thì phải tuân thủ điều trị, chấp nhận thực tế uống thuốc suốt đời, không tự ý ngưng thuốc.

Khi thấy người thân đột quỵ, nên đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay trong 3 giờ đầu, càng sớm càng tốt. Không nặn chanh vào miệng, chích máu đầu ngón tay, tự ý sử dụng thuốc… gây hại bệnh nhân và bỏ lỡ 3 giờ vàng cấp cứu. Bác sĩ sẽ sử dụng các kỹ thuật điều trị đột quỵ tiến bộ hiện nay như thuốc làm tan huyết khối, can thiệp nội mạch…

Đột quỵ - căn bệnh không giết chết người cũng gây tàn phế
Calcium trong động mạch dự báo đau tim
Ngoại hình cân đối ở tuổi trung niên giúp giảm 1/2 nguy cơ đột quỵ

https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/nhieu-benh-nhan-dot-quy-o-tuoi-vi-thanh-nien-3664306.html

/ Theo An San/Vnexpress