Để có được thành công của phim truyền hình hôm nay, VTV phải trải qua những giai đoạn loay hoay tìm lối thoát, không ít dự án lớn từng thất bại thê thảm.
Với nguồn thu trăm tỷ từ mỗi phim gây bão, sóng giờ vàng phim truyền hình của VTV khoảng 2 năm trở lại đây đã thực sự kiếm được “vàng”. Doanh thu “khủng” cũng giúp nhà đài có cơ sở để tái đầu tư những dự án phim tiếp theo.
Sau những thành công liên tiếp của Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Quỳnh búp bê, Cả một đời ân oán, Mê cung, Về nhà đi con… có lẽ đã đến lúc, khán giả có thể tin tưởng và chờ đợi vào thương hiệu phim Việt trên sóng giờ vàng.
Nhưng để có thành quả của hôm nay, VTV cũng từng trượt dài trên chính sóng giờ vàng của mình, loay hoay tìm hướng đi. Không ít dự án đã thất bại, không ít hướng đi bị cho là sai lầm. Và một thời gian dài, công chúng từng quay lưng với phim truyền hình Việt.
Sitcom và những nỗ lực không thành "vàng"
Phim tương tác và sitcom (phim tình huống) từng là một hướng đi của VTV trong cuộc chiến giành lại khán giả trước cơn bão của phim Trung Quốc, phim chưởng Hong Kong và sau đó là phim Hàn Quốc.
Nhật ký Vàng Anh từng được nhiều khán giả yêu thích trước khi scandal của Hoàng Thùy Linh xảy ra. |
Nhật ký Vàng Anh là một trong những tiếng vang đầu tiên. Đây là một trong những dự án phim sitcom với tính tương tác cao đầu tiên được đưa vào sản xuất. Kịch bản được Việt hoá từ chương trình Nhật ký Sofia (Diário de Sofia) của Bồ Đào Nha.
Phim xoay quanh cuộc sống thường ngày của các cô cậu học trò mà nhân vật chính là Vàng Anh. Ở độ tuổi mới lớn, Vàng Anh cũng như bạn bè cùng trang lứa bắt đầu làm quen với những mối quan hệ trong xã hội và dĩ nhiên họ cũng gặp phải những băn khoăn, thắc mắc, khó xử. Sự gần gũi và tính tương tác của phim sau mỗi tập phát sóng đã nhận được tình cảm của khán giả.
Tuy nhiên, sau scandal của nữ chính Hoàng Thùy Linh, đóng Vàng Anh trong phần 2, ngày 14/10/2017, VTV tuyên bố ngừng phát sóng loạt phim Nhật ký Vàng Anh, mặc dù đã ghi hình để phát trong 7 tuần tiếp theo. Sau khi phim dừng lại, VTV không thể có tác phẩm cùng thể loại và tạo được sức hút tương tự.
Ngay sau đó, VTV chuyển hướng sang phim sitcom, dạng phim truyền hình hài tình huống. Thời lượng của phim tương đương Nhật ký Vàng Anh, nhưng không có tính tương tác. Phim phát vào giờ vàng buổi tối trên sóng truyền hình quốc gia.
Mở màn cho sitcom là Những người độc thân vui vẻ. Chuyển từ phim sitcom ăn khách Chung cư vui vẻ của Trung Quốc, Những người độc thân vui vẻ dự kiến kéo dài 2 năm với 500 tập.
Tuy nhiên, khi được 1/3 chặng đường, Những người độc thân vui vẻ đã phải dừng lại. Phim nhận nhiều phản hồi chê bai từ khán giả. Chính các diễn viên của phim cũng nhận xét kịch bản dở, thiếu tính thực tế. Ngoài ra, phim cũng thất bại trong khâu Việt hóa.
Những người độc thân vui vẻ dừng lại vì không được khán giả đón nhận. |
Tất nhiên, sitcom trên sóng truyền hình cũng có phim được chú ý như Cô gái xấu xí. Phim được cho là thành công về doanh thu quảng cáo. Dù cũng mua từ kịch bản nước ngoài, khâu Việt hóa của phim được đánh giá là thành công.
Nhưng Cô gái xấu xí là một thành công hiếm hoi. Sitcom trên sóng VTV sau đó trượt dài vì bị chê “dài, dai, dở”, và đã không thể trở thành một cú lột xác của thương hiệu phim Việt.
Thất bại của phim xã hội hóa và “bình hoa di động”
Sau thời gian phim nước ngoài chiếm sóng, sitcom cũng không thể thành công, phim truyền hình tiếp tục loay hoay tìm hướng đi mới.
Giữa bối cảnh đó, một trong những dấu mốc của phim Việt trên sóng VTV là quy định mới của Luật Điện ảnh sửa đổi tháng 7/2010. Theo đó, tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình phải đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim. Thời gian chiếu phim là vào khung giờ vàng, tức khoảng 2 tiếng, từ 20-22h trong ngày.
Do vậy, để chủ động nguồn phim, ngoài việc tự sản xuất, các đài truyền hình trong đó VTV đã mở cửa xã hội hóa. Các đơn vị phim tư nhân, các công ty truyền thông đã tích cực tham gia vào việc sản xuất phim để đáp ứng chủ trương này.
"Trăm hoa đua nở", "nhà nhà làm phim", thế nhưng, số lượng lại không đi kèm với chất lượng. Những phim nhận được khen ngợi của công chúng chỉ đếm trên đầu ngón tay như Bỗng dưng muốn khóc, Ma làng...
Bỗng dưng muốn khóc là phim xã hội hóa hiếm hoi thành công trên sóng VTV. |
Cũng trong giai đoạn bùng nổ phim truyền hình với chủ trương xã hội hóa, dàn người mẫu - ca sĩ đã "đổ bộ" ào ạt vào màn ảnh. Một số nhà sản xuất nghĩ rằng việc mời những người nổi tiếng như ca sĩ, MC, người mẫu vào các dự án của mình sẽ lôi kéo người xem, tăng rating, bán được quảng cáo. Nhưng không ngờ lại nhận "quả đắng".
Những gương mặt hời hợt, nhạt nhẽo, vừa yếu về diễn xuất, vừa tệ về đài từ, chẳng những không làm phim truyền hình khởi sắc, thậm chí còn khiến nó rẻ rúng, dễ dãi hơn bao giờ hết.
Nhận thấy tác hại của những bộ phim "mì ăn liền", vừa khiến khán giả quay lưng, vừa lãng phí giờ vàng và không mang lại lợi nhuận, VTV đã quyết định bẻ lái bằng việc đầu tư cho phim truyền hình, từ kịch bản, diễn viên đến thu tiếng đồng bộ và đổi mới công nghệ.
Và chuỗi dự án thành công thời gian qua chính là thành quả của "cú bẻ lái" đó, sau nhiều năm nỗ lực đầu tư và chuẩn bị.