Nhật Bản tìm cách “giữ chân” lao động nhập cư

Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch loại bỏ chương trình thực tập sinh nước ngoài, xây dựng một dự luật sử dụng lao động nhập cư mới, được cho là thực sự hướng tới việc đào tạo kỹ năng và bảo vệ quyền lợi người lao động.

Những quy định sau cải cách được kỳ vọng có thể "giữ chân" lao động nhập cư, khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân công ngày càng trầm trọng mà nước này đang đối mặt.

nhat-ban.jpg
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đang bị đe dọa vì tình trạng thiếu lao động.

Kế hoạch mới của Tokyo chính thức loại bỏ chương trình thực tập sinh nước ngoài hiện tại, vốn thường xuyên bị chỉ trích là vỏ bọc cho việc nhập khẩu lao động giá rẻ. Dự luật sử dụng lao động nhập cư mới được đánh giá là đã thực sự hướng tới việc phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo kỹ năng và bảo vệ quyền lợi của nhân công.

Chính phủ Nhật Bản tới đây sẽ trình dự thảo trước Quốc hội để thúc đẩy sửa đổi các luật liên quan. Dự luật mới dự kiến sẽ có hiệu lực sớm nhất vào năm 2027.

Dự luật sửa đổi cho phép thực tập sinh thay đổi chỗ làm trong cùng một lĩnh vực, sau khoảng thời gian tùy theo từng ngành, tối đa là 2 năm làm việc. Các tổ chức chịu trách nhiệm tiếp nhận lao động nước ngoài và giám sát người sử dụng lao động theo chương trình thực tập hiện tại sẽ được chuyển đổi thành các tổ chức giám sát và hỗ trợ.

Về đào tạo, dự luật đào tạo các kỹ năng được chỉ định theo chương trình hiện có nhằm cấp tư cách cư trú trung và dài hạn cho những người có kỹ năng. Thời gian đào tạo theo dự luật mới là 3 năm.

Bộ trưởng Tư pháp Ryuji Koizumi cho hay: “Chúng tôi muốn người lao động nước ngoài ở lại Nhật Bản lâu hơn và sử dụng kỹ năng tay nghề cao để đóng góp cho đất nước”.

Cụ thể, khung quy định mới cho phép những người vượt qua bài kiểm tra kỹ năng và bài kiểm tra trình độ tiếng Nhật có thể đạt tư cách lưu trú loại 1 theo chương trình kỹ năng được chỉ định.

Điều này cho phép họ có thị thực làm việc tại Nhật Bản trong tối đa 5 năm. Những người lao động nước ngoài có tay nghề cao, đạt tư cách lưu trú loại 2, sẽ được phép sống ở Nhật Bản vĩnh viễn và đón gia đình sang đoàn tụ. Những người nước ngoài đã và đang theo chương trình thực tập sinh hiện tại vẫn được ở lại Nhật Bản cho đến khi hoàn thành chương trình thực tập 3 năm, ngay cả sau khi hệ thống mới được triển khai.

Ngoài ra, để bảo vệ người lao động nước ngoài, dự luật mới còn yêu cầu tăng cường hình phạt đối với tội khuyến khích người nước ngoài làm việc bất hợp pháp.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Nhật Bản gấp rút tung ra chiến lược mới để bảo đảm nguồn lực lao động là hết sức cần thiết, trong bối cảnh nước này đang đối mặt tương lai không mấy sáng sủa về khía cạnh này.

Sau khi đạt đỉnh 128 triệu người vào năm 2008, dân số đất nước Mặt trời mọc liên tục suy giảm, và được dự báo có thể chỉ còn 63 triệu người vào năm 2100, tức bằng 1/2 so với con số của năm 2022. Đây là hậu quả trực tiếp của việc tỷ lệ sinh ở Nhật Bản giảm từ 9,5 ca sinh/1.000 phụ nữ vào năm 2000 xuống chỉ còn 6,8 vào năm 2020.

Để ứng phó với tình trạng này, Nhật Bản những năm qua đã đều đặn “nhập khẩu” lao động từ nước ngoài. Theo số liệu mới nhất do Bộ Lao động Nhật Bản công bố, số lượng lao động nước ngoài ở nước này tính tới tháng 10-2023 là gần 2,05 triệu người, tăng 12,4% so với cùng thời điểm năm trước đó. Trong đó, lao động đến từ Việt Nam là nhóm đông nhất, chiếm hơn 25% (tương đương 518.364 người). Tổng số người nước ngoài sở hữu thị thực diện cư trú cùng gia đình vào tháng 6-2023 là khoảng 245.000, gấp đôi so với một thập kỷ trước đó.

Tuy nhiên, bất chấp nhiều nỗ lực, tình trạng thiếu lao động đã và tiếp tục ảnh hưởng ngày càng sâu sắc đến nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau tại Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải đóng cửa vì thiếu hụt nhân công. Các ngành nghề cung cấp dịch vụ xã hội và công cộng như giáo viên, bác sĩ và người chăm sóc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động cấp tính. Nhiều lĩnh vực công nghệ cao đang thiếu hụt lao động đủ trình độ. Các tác động kinh tế tiêu cực của sự suy giảm dân số cũng đang được cảm nhận sâu sắc ở khu vực nông thôn...

Trong bối cảnh đó, có thể thấy các biện pháp cải cách lần này của Chính phủ Nhật Bản là hoàn toàn hợp lý, và cần được triển khai sớm nhất, nhằm bổ sung nguồn lực lao động, bảo đảm quỹ đạo tăng trưởng bền vững và dài lâu cho nền kinh tế lớn thứ hai châu Á.

https://hanoimoi.vn/nhat-ban-tim-cach-giu-chan-lao-dong-nhap-cu-661037.html

Hoàng Linh / HNM.com.vn