Nội các Nhật Bản vừa chấp thuận ngân sách kỷ lục cho tài khóa tới, nhằm đối phó đại dịch và vực dậy kinh tế.
Thông báo hôm nay của Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết tổng chi ngân sách sẽ tăng khoảng 3,8% lên 106.600 tỷ yen (1.000 tỷ USD) cho năm tài chính tới. Chi cho an sinh xã hội sẽ chiếm khoảng 54%. Nước này cũng sẽ dành ra một khoản để trả nợ và hỗ trợ các chính quyền địa phương.
Đầu tháng này, chính quyền Thủ tướng Yoshihide Suga cũng công bố gói kích thích hơn 700 tỷ USD. Một phần tài chính cho gói này sẽ được lấy từ ngân sách năm tới. Gói kích thích này nhằm kiềm chế đại dịch và hỗ trợ nền kinh tế chuyển dịch sang giai đoạn hậu Covid.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga trong một cuộc họp báo tại Tokyo hôm 4/12. Ảnh: Reuters |
Mục tiêu đầu tiên hiện rất cấp thiết, do số ca nhiễm mới tại Nhật Bản đã vượt kỷ lục 3.000 ca mỗi ngày. Riêng Tokyo ghi nhận thêm hơn 700 trường hợp vào thứ 7 tuần trước. Thủ tướng Suga buộc phải tuyên bố ngừng chương trình hỗ trợ du lịch mà ông từng thúc đẩy. Việc này khiến ông mất một công cụ hữu hiệu để kích thích nền kinh tế đang bị cảnh báo quay lại thời kỳ suy thoái.
Để đối phó đại dịch, Nhật Bản đang ngày càng đẩy cao núi nợ vốn đã ở mức lớn nhất trong nhóm nước phát triển. Dù các chi phí cho y tế và lương hưu từ lâu vẫn tăng đều do dân số già đi, Covid-19 đã buộc chính phủ này tăng tốc phát hành nợ mới lên mức kỷ lục năm nay.
Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thông báo vẫn tiếp tục duy trì lập trường chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, đồng thời gia hạn chương trình đối phó đại dịch thêm 6 tháng. Cơ quan này cũng khiến thị trường ngạc nhiên khi cam kết xem xét lại nhưng sẽ không cải tổ hoàn toàn các chính sách. Điều này khiến các nhà kinh tế học và nhà đầu tư phải tiếp tục đồn đoán về các thay đổi có khả năng xảy ra.
Về nguồn thu ngân sách năm tới, Nhật Bản lên kế hoạch tiếp tục phát thành trái phiếu. Chính phủ Nhật Bản cũng không dự báo ngân sách sẽ cân bằng trong thập kỷ này.
Hà Thu (theo Bloomberg)