Nhật Bản chiều 24/8 bắt đầu xả nước thải đã xử lý phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, động thái khiến Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm toàn diện ngay lập tức đối với tất cả hải sản nhập khẩu từ nước này.
Được chính phủ Nhật Bản phê duyệt hai năm trước và được cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc phê duyệt vào tháng trước, việc xả nước thải đã xử lý phóng xạ ra biển là một bước quan trọng trong quá trình ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, 12 năm sau thảm họa động đất và sóng thần.
Đơn vị vận hành nhà máy là Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết việc xả thải bắt đầu lúc 1h03 phút chiều 24/8 (giờ địa phương) và chưa xác định được bất cứ bất thường nào xảy ra. Theo TEPCo, 7.800 tấn nước sẽ được thải ra biển trong 17 ngày tới, liên tục 24h mỗi ngày.
Tuy nhiên, cùng ngày, Trung Quốc đã nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ của họ đối với kế hoạch này và cho biết chính phủ Nhật Bản đã không chứng minh được tính hợp pháp của việc xả nước thải.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ trong một tuyên bố: “Phía Nhật Bản không nên gây tổn hại thứ cấp cho người dân địa phương và thậm chí cả người dân trên thế giới vì lợi ích ích kỷ của chính mình”.
Reuters trích lời một quan chức hải quan Trung Quốc cho biết thêm rằng nước này "rất quan ngại về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ do... thực phẩm và nông sản của Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc".
Ngược lại, phía Tokyo chỉ trích Bắc Kinh vì đã truyền bá “những tuyên bố vô căn cứ về mặt khoa học”. Cơ quan này khẳng định việc xả nước là an toàn, đồng thời lưu ý rằng IAEA cũng đã kết luận rằng tác động của nó đối với con người và môi trường là "không đáng kể".
Nhật Bản xuất khẩu khoảng 600 triệu USD thủy sản sang Trung Quốc vào năm 2022, biến nước này trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản.
Trước đó, hôm 22/8, chính phủ Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại quốc gia này để bày tỏ mối quan ngại trước chương trình xả nước thải hạt nhân với môi trường biển.