Thành phố cam kết hỗ trợ chung cư cho học viên đề án, nhưng thực tế có người nộp đơn 3 năm vẫn chưa được xét duyệt.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi đối thoại kéo dài 3 giờ với hơn 200 học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) sáng 2/6. Trước sự cởi mở của người đứng đầu chính quyền, những người được gọi là nhân tài đã không còn rụt rè nói về tâm tư, nguyện vọng.
Anh Lê Hữu Thành (công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng) nhận định Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao của thành phố là một dự án có tầm nhìn và sẽ tạo ra hiệu quả hơn nữa. Những học viên tham gia đề án về thành phố làm việc đã thể hiện tinh thần cống hiến, chứ không đơn thuần là làm theo hợp đồng.
Theo anh, học viên đã có những cơ hội khác khi nhiều doanh nghiệp mời chào và hoàn toàn có thể bồi hoàn kinh phí cho thành phố. Nhưng nhiều người đã chọn gắn bó với Đà Nẵng. "
Thành phố đã bỏ ra số tiền rất lớn giữa lúc kinh tế khó khăn, đó là cái ơn của thành phố. Chúng tôi về nước để đáp lại tình cảm ấy", anh Thành nói.
Học viên Đề án 922 nêu ý kiến với lãnh đạo thành phố. Ảnh: Nguyễn Đông |
Tuy nhiên theo học viên này, việc bố trí nhân lực không hợp lý kịp thời, đãi ngộ chưa xứng đáng đã khiến một số người tài không hài lòng. Vất vả ở nước ngoài để có được tấm bằng từ khá trở lên, về nước các học viên không có quyền lựa chọn vị trí, công việc mình muốn làm.
"Học viên sau khi được đào tạo có khả năng ngoại ngữ rất cao, vậy tại sao thành phố lại giao cho họ những việc mà chỉ cần một lao động tốt nghiệp tại địa phương. Như vậy là lãng phí khả năng của học viên", anh Thành nói. "Lương bổng với chúng tôi không quan trọng bằng giao công việc gì, bản thân mình làm được gì".
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị học viên này cung cấp thêm thông tin về việc bố trí công việc không hợp lý. "Đừng nói với ai cả, cứ cung cấp cho tôi để coi thực tế như thế nào. Tôi khuyến khích điều này", ông Thơ nói.
Nêu ý kiến với Chủ tịch thành phố, chị Minh Dung (công tác tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng) cho biết Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa thực sự sâu sát với các học viên. Khi bố trí công việc thì cần lắng nghe những phản hồi xem công việc đó có phù hợp với người tài hay không.
Thành phố cũng vi phạm hợp đồng
Theo kế hoạch đãi ngộ của thành phố Đà Nẵng, các học viên được đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú khi về nhận công tác sẽ được thuê chung cư của thành phố. Những học viên có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu về nhà ở sẽ được xem xét cho thuê chung cư hoặc vay vốn ưu đãi từ 10 đến 15 năm.
Tuy nhiên nhiều học viên cho biết chưa được vay vốn. "Tiền lương thấp, các bác sĩ phải thuê nhà. Như trường hợp của tôi nộp hồ sơ thuê chung cư 3 năm vẫn chưa được", học viên tên Phương nói và mong lãnh đạo thành phố quan tâm, chia sẻ đời sống hơn.
Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết việc chậm cấp nhà chung cư cho người tài là thành phố đã vi phạm hợp đồng trước. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Cùng nỗi niềm, chị Huỳnh Thị Liên (công tác tại bệnh viện Đà Nẵng) cho biết theo yêu cầu của Sở Xây dựng, muốn thuê chung cư phải là người đã lập gia đình, có hộ nghèo... Chính điều này tạo ra bất cập trong chính sách đãi ngộ, tinh thần của bác sĩ bị ảnh hưởng.
Thừa nhận thực trạng này, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, cho biết đã nhiều lần ý kiến với Sở Xây dựng tạo điều kiện cho các học viên được thuê chung cư nhưng chưa được giải quyết chỉ vì áp dụng quy định phải là người có gia đình, con nhỏ, hoặc hộ nghèo.
"Thậm chí nhiều học viên ra khỏi đề án, nhất là các bác sĩ, đáng ra không phải bồi hoàn tiền vì thành phố vi phạm hợp đồng trước. Nhưng họ đã chấp nhận bồi hoàn cho thành phố, dù thành phố không bố trí chung cư như cam kết ban đầu", ông Chiến nói.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết thực trạng này có nhiều nguyên nhân trong đó có việc quỹ chung cư hạn chế, nhưng thời gian tới thành phố sẽ ưu tiên xem xét với những học viên thực sự có nhu cầu và học viên đến từ tỉnh thành khác.
Khó vào biên chế
Báo cáo của Sở Nội vụ tại buổi đối thoại cho thấy hiện Đà Nẵng đã bố trí công tác cho 460 học viên đề án 922 trong đó chỉ 207 học viên được tuyển dụng công chức, viên chức. Trong năm 2018, Sở này đã tham mưu thành phố bổ sung 105 chỉ tiêu biên chế dành riêng cho học viên đề án.
Học viên Nguyễn Ngọc Tiến (công tác tại Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng), cho biết đơn vị mình đang công tác không có chỉ tiêu biên chế. Người trẻ muốn vào biên chế phải dựa vào số cán bộ về hưu và thậm chí phải chờ thêm 15 năm mới có vị trí.
"Chính vì thế mà bọn em sẽ phải luân chuyển về các đơn vị sự nghiệp của thành phố. Nếu luân chuyển thì không còn phù hợp với tính chất được cử đi đào tạo đồng thời gây ra khó khăn trong quá trình phấn đấu", anh Tiến tâm sự.
Học viên Nguyễn Ngọc Thùy Dung (Phòng Thương binh Xã hội quận Hải Châu), cho biết nhận công tác từ 2015 nhưng đây là lần đầu tiên trong vòng 3 năm mới nhận được giấy mời đi gặp mặt lãnh đạo thành phố. Theo chị, tâm tư hiện nay của nhiều học viên là vị trí biên chế.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tại buổi đối thoại. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Theo quy định của nhà nước, cuối 2018 thành phố sẽ phải chấm dứt nhân viên diện hợp đồng trong khu vực hành chính công. "Số lượng nhân viên hợp đồng hiện nay rất nhiều, không chỉ riêng học viên đề án mà cả diện thu hút và các nguồn khác, "tỷ lệ chọi" sẽ rất lớn gây áp lực cho học viên khi thi tuyển", chị Dung nói.
Học viên này cho biết, hướng mở của thành phố sẽ chuyển các học viên đang làm việc hợp đồng sang đơn vị sự nghiệp. Nhưng như chuyên ngành chị học là chính sách xã hội và xã hội học, nếu chuyển về đơn vị sự nghiệp ở quận thì chỉ có trung tâm văn hóa và đội quy tắc đô thị, như thế sẽ trái ngành.
Theo nhiều học viên, ngoài cơ hội vào biên chế, thì lương bổng cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người tài dứt áo ra đi. "Nếu không thể phá rào chính sách tiền lương, tôi đề xuất thành phố củng cố các điều khoản mềm như bố trí chung cư, chăm lo đời sống học viên thì sẽ hạn chế được phần nào nhân tài bỏ việc", chị Bùi Thu Linh (công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông) nói.
Ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết thành phố có 1.965 biên chế được duyệt, phân bổ cho các sở, ngành, quận, huyện thì số lượng biên chế của Đà Nẵng rất ít. Tới đây có 80 suất biên chế, thành phố sẽ ưu tiên cho học viên đề án thi tuyển.
Ông Đồng nói, khi chuyển các học viên đề án về đơn vị sự nghiệp, thành phố sẽ đặc cách không qua thi tuyển. Sau 5 năm công tác sẽ tiếp tục được đặc cách vào biên chế công chức.
Chủ tịch Đà Nẵng cho rằng, về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp sẽ là cơ hội để học viên vào công chức, đồng thời có thời gian để người tài trau dồi thêm kinh nghiệm, kỹ năng. Tuy nhiên ông chỉ đạo Sở Nội vụ phải bố trí đúng người, đúng việc, tránh tình trạng "đưa thợ nề đi làm cơ khí".
Ông Thơ cũng đề nghị sau 15 ngày kể từ buổi đối thoại này, tất cả các đơn vị sử dụng học viên đề án 922 phải làm giải trình, báo cáo cho Chủ tịch thành phố về số lượng học viên đã tiếp nhận, bố trí công việc ra sao, nguyện vọng được bố trí việc làm trong thời gian tới như thế nào để lãnh đạo thành phố xem xét.
Nhiều lãnh đạo sở ngành Đà Nẵng vắng mặt trong đối thoại với nhân tài
Vào đầu cuộc gặp với 200 nhân tài, Chủ tịch Đà Nẵng đã phê bình lãnh đạo các sở ngành vắng mặt. |