Một trong những phương án được Tỉnh ủy Bình Thuận đề xuất là dùng vật chất nạo vét để san lấp mặt bằng làm các công trình lấn biển.
Ngày 24/7, ông Nguyễn Minh, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận xác nhận thông tin, Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có văn bản gửi Thường trực Ban Bí thư, Ban Kinh tế TƯ và Văn phòng TƯ Đảng về dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ở biển Vĩnh Tân.
Trong văn bản này, Tỉnh ủy Bình Thuận đã đề xuất nhiều phương án khác nhau xử lý vật chất sau nạo vét. Trong số đó, có phương án sử dụng vật chất sau nạo vét để san lấp mặt bằng làm các công trình lấn biển.
Về vị trí sử dụng vật chất sau nạo vét để lấn biển, tỉnh Bình Thuận sẽ khảo sát, chọn và đề xuất các bộ, ngành chức năng.
![]() |
Có nhiều phương án xử lý vật chất nạo vét, không nhất thiết phải nhận chìm ở biển |
Đánh giá về phương án này, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Hải dương học liên chính phủ của Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng đây là một phương án hay.
Trước đó, bản thân ông trong nhiều lần phát biểu đã chỉ rõ, vật chất sau nạo vét cũng là một dạng tài nguyên, do đó phải tìm cách khai thác. Chẳng hạn, có thể sử dụng làm đảo nhân tạo, xử lý xói lở, làm nền đường... Việc này sẽ tạo ra một lợi thế mới cho phát triển du lịch.
"Tôi cho rằng ý kiến này rất hay, nhất là về mặt xã hội, nhưng cần có sự nghiên cứu, tính toán thật kỹ. Khi biết Bình Thuận định làm ở đâu, bằng phương pháp nào thì mới biết đắt, rẻ ra sao. Tuy nhiên, chắc chắn nó không tốn kém đến mức các doanh nghiệp không chịu được", PGS.TSKH Nguyễn Tác An nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho biết thêm, Nhật Bản xử lý rất tốt vật chất sau nạo vét. Theo đó, sau khi đổ vật chất nạo vét lên một vị trí nhất định, người Nhật trồng những loại thực vật thích hợp để bảo vệ. Những cây này vẫn sinh trưởng bình thường và vài năm sau, khu vực này tự nhiên trở thành đất nền.
"Có rất nhiều phương án để xử lý vật chất sau nạo vét, không nhất thiết cứ phải nhận chìm ở biển.
Tôi không hiểu tại sao các ngành công nghiệp gây hại cho môi trường cứ tập trung vào khu vực Bình Thuận? Tôi cho rằng nó phải có một ẩn giấu gì đó và cái này phải được nhìn nhận nghiêm túc, mang tính vĩ mô, chiến lược.
Đối với vật chất sau nạo vét, quan trọng là phải sử dụng nó như thế nào cho thích hợp. Phải tính toán kỹ, đôi khi phải làm thử, thậm chí sang Nhật xem họ làm thế nào, lấy giống cây về trồng", PGS.TSKH Nguyễn Tác An nói.
Về phần Bộ TN-MT, theo vị chuyên gia, Bộ cần tập hợp một nhóm chuyên gia hoặc cơ quan nào đó đứng ra nghiên cứu phương án xử lý vật chất nạo vét dựa trên quan điểm nhất quán là bùn cát nạo vét cũng là một loại tài nguyên, phải sử dụng sao cho có lợi nhất về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. “Trong xã hội có rất nhiều người năng nổ giải quyết vấn đề môi trường của đất nước, quan trọng là có cho họ tham gia hay không", ông lưu ý.
Ở một diễn biến khác, trả lời về việc lãnh đạo Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 trả lời báo chí rằng “trước đây có mời ông tham gia dự án nhận chìm bùn, cát nạo vét nhưng sau đó ông không thể tham gia vì lý do sức khỏe”, PGS.TSKH Nguyễn Tác An đã bác bỏ.
"Tôi không tham gia vào bất cứ khâu nào của dự án. Nếu tham gia, dứt khoát tôi không đồng ý cho làm như vậy và sẽ đề xuất sử dụng vật chất sau nạo vét làm đảo nhân tạo hoặc làm kè lấn biển, nền đường...", ông An nói.
Cũng trong ngày 24/7, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, Viện đã hoàn thành việc khảo sát, lấy mẫu ở vị trí được cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải theo yêu cầu của Bộ TN-MT để phân tích, đối chứng.
Các cán bộ chuyên môn của Viện đang phân tích số liệu và ngày 25/7 sẽ gửi cho ông.
Hiện PGS.TS Võ Sĩ Tuấn đã có mặt tại Hà Nội và ngay khi nhận được số liệu, ông sẽ báo cáo với Bộ TN-MT.