Nhà xưởng Trung Quốc bị bỏ không vì chiến tranh thương mại

Thuế nhập khẩu của Mỹ buộc nhiều thương hiệu lớn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, khiến nhiều nhà máy tại đây lao đao. 

Trên Bloomberg, Ding Shui Po - Chủ tịch hãng trang phục thể thao Xtep International Holdings cho biết cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến nhiều thương hiệu lớn rời bỏ nhà máy tại nước này. Hậu quả là một phần tư cơ sở sản xuất hàng thể thao tại đây bị bỏ không.

Nhiều nhà máy đã phải giảm giá 10% cho các công ty trong nước như Xtep để tận dụng dây chuyền bỏ không. "Các nhà máy đang chịu sức ép khổng lồ", Ding nói.

Trung Quốc từ lâu đã là công xưởng của thế giới. Việc nhà máy bị bỏ hoang càng khiến các hãng sản xuất tại Trung Quốc lao đao, do họ vốn đã chật vật trong bối cảnh Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất 3 thập kỷ. Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu đã được định hình suốt hàng thập kỷ qua tại đây đang thay đổi rất mạnh.

Dụng cụ bị bỏ bên ngoài một nhà máy giày đã đóng cửa ở Ôn Châu (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg

Hàng loạt công ty, từ Microsoft đến Giant Manufacturing, đã rời Trung Quốc. Số lượng ngày càng tăng khi chiến tranh thương mại leo thang. Cuối tuần trước trên trang cá nhân, ông Trump còn yêu cầu các công ty Mỹ tìm điểm sản xuất thay thế Trung Quốc, trong đó có "trở về Mỹ".

Nhà cung cấp hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới - Li & Fung tuần trước cũng cho biết đang tích cực giúp khách hàng, trong đó có các hãng bán lẻ lớn nhất thế giới, tìm nguồn cung khác ngoài Trung Quốc. Họ đã giúp một hãng bán lẻ của Mỹ giảm phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc, từ 70% xuống 20%, chỉ trong 2 năm.

Ngành công nghiệp xuất khẩu trang phục thể thao của Trung Quốc có quy mô 4,7 tỷ USD. Ding cho biết thị trường nội địa đang lên có thể bù đắp phần nào nhu cầu bên ngoài đi xuống. "Nhờ chuyển hướng sang sản xuất và bán tại Trung Quốc, các nhà máy rút ngắn được chu kỳ sản xuất. Điều này có thể có lợi cho họ", ông nói.

Ding cho biết các hãng sản xuất trang phục thể thao trong nước, như Xstep vẫn hoạt động ổn định. Đầu năm nay, họ mua một công ty của Mỹ, bổ sung thêm vài thương hiệu giày thể thao. Họ cũng đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất các thương hiệu quốc tế này tại Trung Quốc, để tận dụng chi phí thấp hiện tại. "Chúng tôi có thể sản xuất trong các nhà máy ở Trung Quốc. Đó là một lợi thế", ông nói.

Dù vậy, nhu cầu hàng thể thao tại Trung Quốc chỉ vào khoảng 40 tỷ USD năm ngoái, chưa bằng một nửa của Mỹ (117 tỷ USD), theo số liệu của Euromonitor International. Phần lớn người tiêu dùng Trung Quốc lại thích phong cách của các thương hiệu quốc tế như Nike, Adidas và Under Armour.

Ding cho rằng việc này có thể thay đổi theo thời gian. "Khoảng cách giữa các thương hiệu trong nước và quốc tế sẽ dần thu hẹp", ông nói. Thị phần của Xtep hiện là 4,6%. Họ đang tìm cách tăng gấp 5 doanh thu bán lẻ, lên 50 tỷ NDT (7,1 tỷ USD) trong thập kỷ tới.

Ding kỳ vọng người tiêu dùng trẻ Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ 9X, chuộng thương hiệu trong nước hơn. "Họ tự tin vào sức mạnh của Trung Quốc và đồng cảm với các thương hiệu nội địa", ông nói.

Hà Thu (theo Bloomberg)

 

Triều Tiên có thành mặt trận mới để Mỹ và Trung Quốc “so găng”?
Nhân dân tệ mất giá chưa từng có, Trung Quốc "thử" độ lỳ Donald Trump
Mỹ - Trung ngày càng xa nhau
Tổng thống Trump lạc quan về một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc
Chiến tranh thương mại
/ vnexpress.net