Nhà trường vẫn đón trẻ mầm non, học sinh tiểu học trong ngày rét đậm

Ghi nhận trong ngày đầu tiên (23-1), học sinh thành phố nghỉ học do trời rét đậm, các trường học vẫn tiếp nhận học sinh theo nguyện vọng của gia đình, không có hiện tượng học sinh phải quay về nhà do trường học đóng cửa. Các nhà trường linh hoạt phương án dạy học trong những ngày trời rét.

mn-tu-lap-ml.jpg
Cô và trò Trường Mầm non Tự Lập (huyện Mê Linh) trong giờ học buổi chiều 23-1.

Trước băn khoăn, lo lắng của nhiều phụ huynh học sinh về việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định trời rét dưới 10 độ C thì trẻ mầm non, học sinh nghỉ học khiến một số gia đình khó khăn do không có người quản lý, chăm sóc con, thông tin từ các trường đều khẳng định vẫn tổ chức đón học sinh bình thường, nếu cha mẹ có nguyện vọng.

Theo thông tin Báo Hànộimới đã đưa vào ngày 21-1, trước thông tin dự báo thời tiết có thể chuyển rét đậm, rét hại trong tuần từ ngày 22 đến 27-1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã nhắc nhở 30 phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường căn cứ thông tin dự báo thời tiết vào lúc 6h sáng hằng ngày trong chương trình “Chào buổi sáng” kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, hoặc chương trình “Hà Nội buổi sáng” kênh H1, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, để điều chỉnh giờ học hoặc cho học sinh nghỉ học. Sở quy định, học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C; học sinh trung học cơ sở nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7 độ C.

th-ba-trai.png
Lớp học ấm áp của học sinh Trường Tiểu học Ba Trại (huyện Ba Vì).
th-kim-hoa-b-me-linh.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Kim Hoa B (huyện Mê Linh) vẫn đến trường bình thường.

Sáng 23-1, căn cứ bản tin thời tiết là 9,9 độ C và quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố đồng loạt chuyển trạng thái, linh hoạt triển khai phương án dạy học khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại. Các gia đình không có điều kiện quản lý, chăm sóc con vẫn có thể đưa con đến trường, nhà trường vẫn bố trí giáo viên và triển khai các hoạt động bình thường. Phương án này đã được nhiều trường thông báo từ ngày chủ nhật (21-1).

Đơn cử, Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) thông báo, thời tiết dưới 10 độ C thì học sinh được nghỉ. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của trường bảo đảm ấm áp nên nhà trường vẫn mở cửa đón học sinh, phụ huynh muốn gửi con đến trường có thể yên tâm. Theo thông báo của Trường Tiểu học Thực nghiệm Victory (quận Hà Đông), nhà trường vẫn đón học sinh đến trường nếu phụ huynh có nhu cầu. Trong những ngày nhiệt độ dưới 10 độ C, nhà trường không dạy kiến thức mới và tổ chức ôn tập kiến thức đã học cho học sinh...

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trong ngày 23-1, những học sinh đã đến trường đều được tiếp nhận và chăm sóc, quản lý, không có hiện tượng học sinh phải quay trở về nhà do nhà trường đóng cửa, không đón học sinh. Các trường hợp học sinh đến muộn cũng được tạo điều kiện vào lớp ngay.

Ở khối mầm non, tỷ lệ trẻ đi học ở các quận, huyện, thị xã khá cao. Đơn cử, các trường mầm non quận Tây Hồ có tỷ lệ đón trẻ đạt trên 80%; tại quận Hà Đông là 59%; quận Nam Từ Liêm đạt trên 52%; quận Thanh Xuân đạt 46%. Tỷ lệ này tính chung của cả khối công lập và tư thục.

th-van-thang.png
Giờ học chiều 23-1 của học sinh Trường Tiểu học Vạn Thắng (huyện Ba Vì).

Tỷ lệ trẻ đi học ở khối các nhóm lớp mầm non độc lập tư thục ở nhiều địa bàn cũng khá cao. Cụ thể, các nhóm lớp mầm non độc lập tư thục ở quận Tây Hồ có tỷ lệ đón trẻ đạt 80,2%; quận Hoàn Kiếm đạt 75%; các quận Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai… đều đạt trên 70%.

Trong khi đó, khối các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các nhà trường đều linh hoạt điều chỉnh lùi giờ vào học buổi sáng so với quy định hiện hành từ 30 đến 60 phút. Các hoạt động ngoài trời của học sinh được thay thế bằng các giờ vận động tại chỗ.

Tính đến 16h30, theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tỷ lệ trẻ mầm non, học sinh đi học trong ngày 23-1 có sự chênh lệch đáng kể giữa các địa bàn, trong đó có những nơi cao đến 80%, song cũng có nơi đạt 30%. Các trường mầm non, tiểu học đều có phương án quản lý, chăm sóc học sinh trong trường hợp gia đình có nguyện vọng gửi con đến trường. Các trường tiểu học cũng chủ động phương án dạy học linh hoạt, tập trung ôn tập kiến thức, rèn kỹ năng cho những học sinh đến trường, đồng thời, giao nhiệm vụ cho học sinh ở nhà bằng nhiều hình thức.

thcs-nguyen-trai-a-thuong-tin.jpg
Giờ học của học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi A (huyện Thường Tín).

Ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, về cơ bản, học sinh đến trường bình thường, tỷ lệ chuyên cần cao, chỉ có một số học sinh xin phép nghỉ học do ốm.

Ngày mai (24-1), thông tin dự báo thời tiết tiếp tục rét đậm, rét hại và có thể vẫn ở mức dưới 10 độ C, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường tăng cường rà soát, kiểm tra tình hình tổ chức dạy học, chăm sóc học sinh trong những ngày này; không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục; không tổ chức các hoạt động ngoài trời...

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, trong những ngày trời rét đậm, rét hại, học sinh nghỉ học, nhưng cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường vẫn đi làm bình thường. Các nhà trường căn cứ điều kiện thực tế, nguyện vọng của phụ huynh để tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục học sinh phù hợp, đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý học sinh; phối hợp với đơn vị cung ứng thực phẩm bảo đảm tổ chức cho học sinh ăn bán trú đầy đủ, chất lượng, an toàn.

https://hanoimoi.vn/nha-truong-van-don-tre-mam-non-hoc-sinh-tieu-hoc-trong-ngay-ret-dam-656633.html

Thống Nhất / HNM.com.vn