MC Lê Anh nói về việc xây nhà nghỉ trên đỉnh Mã Pì Lèng, du lịch ồ ạt đã đem đến rất nhiều hệ luỵ cho thế giới, đặc biệt là về tài nguyên môi trường. Cho nên, chúng ta phải có cân nhắc và lựa chọn trong việc khai thác du lịch.
Xung quanh những luồng dư luận về việc khách sạn Panorama được xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) – một danh thắng nổi tiếng với dân du lịch bụi, MC-TS. Trịnh Lê Anh – giảng viên khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội – đã chia sẻ quan điểm của mình với báo VietNamNet.
MC Lê Anh thường xuyên tham gia các sự kiện nghệ thuật, các buổi biểu diễn, các lễ hội văn hóa lớn trong và ngoài nước vì sở thích và chuyên môn về ngành văn hoá - du lịch. |
Một công trình phô trương, không hài hoà với thiên nhiên
Về thực trạng, TS. Trịnh Lê Anh cho rằng, công trình này phô trương và phá vỡ cảnh quan chung của khu vực.
Mã Pì Lèng Panorama nằm ở vị trí quan sát tốt nhất hẻm núi Tu Sản, bên dưới là đập thủy điện và con sông Nho Quế. Ở điểm quan sát này, cũng có một số công trình mang tính chất là quán - điểm dừng nghỉ thư giãn, ngắm cảnh, đơn sơ hơn so với công trình to lớn và có vẻ chắc chắn này.
Một cách tự nhiên, cảnh quan đẹp thì du khách sẽ dừng ngắm, và phát sinh nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn tại chỗ. Đó là lý đo tồn tại một loại hình chuyên biệt gắn với du lịch và những chuyến đi đường xa: trạm dừng nghỉ (stop over) tích hợp với trạm/ đài quan sát (observation station/ deck).
Phân tích dưới góc độ phát triển du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên, việc xây dựng một công trình tích hợp nêu trên là chính đáng. Nhưng hãy nhìn ra hầu hết các con đèo, khúc quanh đường núi đẹp của Đông - Tây Bắc, đâu đâu cũng hình thành những khu/ trạm/ nhà nghỉ tạm rất tạm bợ và phản khoa học, thiếu an toàn. Tuy nhiên, hầu hết đều ở dạng đơn sơ nên có lẽ nó vẫn tồn tại ở dạng 'có thể bỏ đi bất cứ lúc nào!'.
TS. Lê Anh khẳng định phải rất cân nhắc việc có xây dựng hay không và nếu xây dựng thì xây dựng cái gì, kiến trúc nào và xem xét hàng loạt các yêu cầu, điều kiện liên quan vì đây là hành vi can thiệp vào danh thắng trực tiếp và rất nhạy cảm.
Rõ ràng công trình Panorama đã không đáp ứng các yêu cầu chuyên môn đó, thiếu hài hoà với thiên nhiên, phản cảm về mặt hình ảnh!
Khu vực Mã Pì Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Ảnh: Ngọc Thành |
‘Còn nếu nói nó nằm ngoài vùng bảo vệ 1, bảo vệ 2 gì đó, không nằm trong vùng cần phải bảo tồn nghiêm ngặt, thì tôi cho rằng đó chỉ là cách nói ngụy biện. Không phải vì công trình đó, vị trí đó mới chỉ bước một bước ra khỏi khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt thì có nghĩa là ta muốn xây gì trên đó thì xây’.
Tôi không nhìn thấy lợi ích kinh tế cho số đông người dân
TS. Lê Anh khẳng định, để tất cả các vấn đề liên quan đến pháp lý của dự án này sang một bên thì việc xây dựng một công trình như Panorama cũng không 'làm lợi cho kinh tế địa phương' như một số ý kiến lý giải!
BTV - MC Cafe sáng với VTV3 cho rằng, mâu thuẫn giữa nhu cầu về lợi ích kinh tế của người dân bản địa với việc bảo tồn thiên nhiên luôn tồn tại ở tất cả điểm du lịch trên toàn thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam. Do đó, giải bài toán này đã có những đáp số chung, có những kinh nghiệm thực tiễn “xương máu” từ khắp nơi, không nên biện luận hồ đồ.
Về lợi ích kinh tế mang lại cho cư dân bản địa, MC Lê Anh cho rằng trong câu chuyện của Mã Pì Lèng, không có dấu hiệu nhu cầu mưu sinh cấp thiết của người dân bản địa dựa trên danh thắng đó. Những nhà đầu tư như trường hợp này không đại diện cho lợi ích của cư dân bản địa!
‘Kể cả nếu nói rằng đây là nhu cầu chính đáng của dân địa phương trong việc phát triển kinh tế thì chúng ta cũng phải cân nhắc đến việc bản thân địa phương có đầy đủ năng lực trong việc ra quyết định sử dụng di sản, danh thắng hay không. Khi danh thắng đã trở thành tài sản quốc gia thì thẩm quyền cấp phép phải ở mức cao hơn, đương nhiên vượt khỏi cấp huyện’.
Thưởng ngoạn danh thắng nên thuận theo tự nhiên
Trước những ý kiến cho rằng những công trình như Panorama mang lại các dịch vụ tiện ích cho du khách, mở rộng đối tượng du khách được thưởng ngoạn danh thắng Hà Giang, MC Lê Anh bày tỏ quan điểm: Đó là nhu cầu chính đáng, nhưng đặc trưng của danh thắng phù hợp với đối tượng nào thì nên để thuận theo lẽ tự nhiên.
‘Một di sản có độ mạo hiểm cao thì phù hợp với người trẻ. Ví như một danh thắng của Tây Tạng nằm ở độ cao nhất định, không khí loãng, người ta cũng có khuyến cáo rằng chỉ dành cho những đối tượng đáp ứng được các điều kiện cụ thể.
Theo tôi, đó là lẽ tự nhiên mà con người không nên cưỡng ép. Những người không có khả năng chinh phục đỉnh cao hay những cung đường khó khăn của Mã Pì Léng, xin hãy chấp nhận chuyện này’.
Theo anh, du lịch ồ ạt (mass tourism) đã đem đến rất nhiều hệ luỵ cho thế giới, đặc biệt là về tài nguyên môi trường. Cho nên, chúng ta phải có cân nhắc và lựa chọn trong việc khai thác du lịch.
Đó cũng là lý do vì sao Sơn Đoòng chỉ nên giới hạn lượng khách mỗi năm kèm những điều kiện để phân loại khách. ‘Nếu hàng vạn, hàng triệu khách kéo đến ồ ạt thì Sơn Đoòng đâu còn là Sơn Đoòng nữa!’.
Công trình khách sạn, quán cafe Panorama trên đèo Mã Pì Léng. Ảnh: Zing |
Hãy đối thoại và cùng tìm giải pháp
‘Với Mã Pì Léng, nếu muốn can thiệp vào nó để tăng thêm tiện ích, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng du khách hơn trong việc thưởng ngoạn danh thắng thì phải dùng đến chất xám một cách nghiêm túc.
Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới và thấy người ta cũng suy nghĩ về việc này. Và ở hầu hết các công trình như thế, mỗi thiết kế đều có câu chuyện riêng, thể hiện sự cân nhắc tác động môi trường rất đáng nể trọng’.
‘Vị trí của Panorama được đánh giá là điểm lý tưởng để ngắm toàn cảnh Mã Pì Léng, chúng ta có thể đầu tư xây dựng những chòi ngắm? Những chòi ngắm ấy phải phù hợp với cảnh quan và môi trường, phải được thiết kế văn minh, hoà hợp với thiên nhiên. Đó chỉ là nơi đứng ngắm, chứ không phải để ngủ lại’.
‘Hãy tưởng tượng 1 người ngủ lại ở đó thì sẽ xả bao nhiêu rác thải ra môi trường. Và chỉ vì một số ít người trả tiền để được lên đó ngủ qua đêm mà nó sẽ choán mất tầm nhìn của hàng triệu du khách khác, trực tiếp và kể cả qua những bức ảnh (tôi tin đó là lý do làm cộng đồng mạng nổi giận!). Đó là một sự không công bằng và không cân nhắc’ – TS. Lê Anh khẳng định.
Về việc nên phá dỡ, giữ lại hay sửa sang Panorama, chúng ta có những chia sẻ với các nhà đầu tư tư nhân đã bỏ ra tiền của và công sức, nhưng cũng phải thấy rằng khi đầu tư vào du lịch thì không chỉ có tình yêu thiên nhiên, phải tham khảo rất kỹ các quy định pháp lý và điều kiện liên quan, tham khảo các hệ luỵ...
‘Như đã nêu, nếu không bàn về pháp lý, thì với những gì đang tồn tại, quan điểm của tôi là nên phá dỡ, còn phá hay sửa thế nào để cho những thứ khó gầy dựng lại được phù hợp với môi trường thì cần có ý kiến của các chuyên gia về di sản, về cảnh quan môi trường, về kiến trúc và xây dựng.
Đây là việc cần phải làm nghiêm túc để làm gương. Nếu nó còn tồn tại như hiện tại, chẳng mấy chốc chúng ta có phố nhà nghỉ, khách sạn Mã Pì Lèng (!); tôi không biết điều gì có thể xảy ra với nhiều di tích, danh thắng khác trên khắp đất nước’.
Tuy nhiên, cảm xúc của tôi là buồn, vì nhìn thấy một thực trạng 'thiếu đối thoại', 'thiếu hiểu biết' về những quy định, những việc được và không được làm, hơn thế là những việc nên và không nên làm giữa nhà quản lý và doanh nghiệp, nhà đầu tư.
TS. Trịnh Lê Anh dẫn ý kiến của ông Michael Croft - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội: 'Chúng tôi không nhìn khối doanh nghiệp như những người đối địch. Trong công tác bảo tồn, chúng ta phải nhận thức rất rõ quyền của người dân cũng như quyền doanh nghiệp, họ đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển, cách duy nhất là đối thoại với họ và cùng nhau xác định giải pháp'.
"Bà chủ công trình ở Mã Pì Lèng không được lôi sinh mệnh ra để tạo áp lực" |
Chủ khách sạn trên Mã Pì Lèng cố tình vi phạm pháp luật |
Buổi sáng ở nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng |