Nhà máy ở Bình Dương ứng phó khi Covid-19 xâm nhập

Các doanh nghiệp tại Bình Dương lên kế hoạch ứng phó khi hai tuần qua đã ghi nhận 87 ca nhiễm là công nhân, dịch lây lan nhiều nhà máy, phân xưởng, khu nhà trọ.

Ngày 8/6, Công ty Perstima Việt Nam đóng ở Khu công nghiệp VSIP (TP Thuận An) nhận tin tài xế công ty bị dương tính với nCov. Ngay lập tức phương án xử lý khi có ca nhiễm trong nhà máy được kích hoạt. Công ty phối hợp lực lượng y tế phun khử khuẩn toàn bộ nhà xưởng, khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Toàn công ty có 200 người nhưng 22 F1 (phần lớn là lãnh đạo, cán bộ quản lý) phải cách ly tập trung, 70 công nhân là F2 cách ly tại nơi làm việc.

Nhà máy ở Bình Dương ứng phó khi Covid-19 xâm nhập

Công nhân Công ty Perstima là F2 cách ly ở khu lều trại được dựng lên tại nhà máy. Ảnh: An Phương.

Ông Dương Quốc Thắng, Chủ tịch công đoàn công ty cho hay, gần nửa nhân sự phải cách ly nhưng có phương án từ trước nên hoạt động sản xuất tại nhà máy được duy trì. Nửa nhân sự còn lại vẫn làm việc, ưu tiên những đơn hàng giao trước. Công ty dựng lều trại, lắp thêm nhà vệ sinh, khu tắm giặt phục vụ sinh hoạt tại chỗ cho công nhân là F2 đang cách ly, tách hẳn với khu vực sản xuất.

Bốn ngày sau khi phát hiện ca nhiễm, những công nhân là F3 có kết quả xét nghiệm âm tính trở lại làm việc. Ban giám đốc, nhân viên văn phòng làm việc trực tuyến. Qua ba lần xét nghiệm, các F1, F2 đều cho kết quả âm tính, dự kiến tuần tới nhà máy sẽ hoạt động bình thường trở lại.

Tương tự, nhờ khoanh vùng và truy vết nhanh khi ghi nhận ca bệnh nên Công ty giày Kim Xương, Khu công nghiệp Đại Đăng (TP Thủ Dầu Một) với hơn 3.600 công nhân giữ được nhịp sản xuất. Chiều 14/6, nữ công nhân làm việc tại tầng 1, khu B của nhà máy bị xác nhận nhiễm Covid-19 do tiếp xúc vợ chồng chủ quán trà sữa "Cô chủ nhỏ".

2h ngày 15/6, ngành y tế có mặt tại công ty để phun khử khuẩn toàn bộ nhà xưởng, khoanh vùng, truy vết ngay trong đêm. 29 công nhân là F1 được đưa đi cách ly tập trung, 35 F2 được bố trí ăn ở tại khu vực tách biệt xưởng sản xuất. 1.200 công nhân làm cùng tầng được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19.

Nhà máy ở Bình Dương ứng phó khi Covid-19 xâm nhập

Buồng khử khuẩn mới được Công ty giày Kim Xương thiết lập sau khi có ca nhiễm. Ảnh: An Phương.

Công ty lắp thêm buồng khử khuẩn, hoàn thiện vách ngăn bàn ăn, xây dựng quy trình xử lý, tránh bị động khi nhà máy phát hiện ca nhiễm. Đến ngày 22/6, sau khi các mẫu xét nghiệm F1, F2 và 1.200 công nhân cho kết quả âm tính, nhà máy có công văn gửi ngành chức năng xin mở niêm phong xưởng để hoạt động.

Bình Dương cùng với TP HCM và Đồng Nai đang là 3 địa phương có số lượng khu công nghiệp, công nhân nằm trong tốp đầu cả nước. Hiện, tỉnh có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với 1,2 triệu lao động. Ở đợt dịch thứ tư, địa phương ghi nhận 164 ca Covid-19 trong cộng đồng, trong đó hơn một nửa số ca nhiễm là công nhân; 171 doanh nghiệp, nhà máy bị ảnh hưởng; nhiều khu vực dân cư, nhà trọ bị phong toả.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho hay, tỉnh xác định dịch ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các khu công nghiệp. Do đó sau khi ghi nhận nhiều ca nhiễm là công nhân, công tác phòng chống dịch ở các nhà máy được nâng cao cấp độ. Doanh nghiệp áp dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế, quản lý công nhân như nơi ở, đi lại, đối tượng tiếp xúc để thuận tiện truy vết, khoanh vùng khi phát hiện ca nhiễm.

Nhà máy ở Bình Dương ứng phó khi Covid-19 xâm nhập

Công nhân Công ty giày Kim Xương trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương.

Những doanh nghiệp đông công nhân sẽ được lấy mẫu gộp tầm soát ngẫu nhiên, lấy mẫu diện rộng các nhà máy ghi nhận F0. Các công ty thành lập tổ Covid cộng đồng, tăng cường kiểm tra thực hiện 5K ở nhà máy. Đặc biệt khu vệ sinh phải được nâng cấp, cải tạo đảm bảo an toàn phòng dịch. Chính quyền giải tán các chợ tự phát quanh khu công nghiệp, nhà máy hạn chế tụ tập đông người.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, chính quyền tỉnh yêu cầu chủ doanh nghiệp cam kết đảm bảo các điều kiện duy trì hoạt động trong tình huống xảy ra dịch. Nhà máy cần đáp ứng cơ sở vật chất, lực lượng ứng phó khi phát hiện F0, F1 và F2. Tỉnh sẽ đóng cửa doanh nghiệp không đảm bảo an toàn.

Làm việc với Bình Dương hôm qua, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng tỉnh cần có chiến thuật xét nghiệm để kiểm soát các khu nhà trọ - nơi tập trung đông công nhân. Địa phương cần nâng năng lực xét nghiệm từ 3.000 lên 30.000 mẫu một ngày. Bộ Y tế sẽ kiến nghị sớm tiêm vaccine cho công nhân Bình Dương như ở TP HCM để ngăn mầm bệnh lây lan vào nhà xưởng.

Lê Tuyết

Bình Dương cần tăng công suất xét nghiệm lên 30.000 mẫu Bình Dương cần tăng công suất xét nghiệm lên 30.000 mẫu
Bình Dương thêm 19 người dương tính với SARS-CoV-2 Bình Dương thêm 19 người dương tính với SARS-CoV-2
/ vnexpress.net