Nhà hàng trên Mã Pì Lèng

Không có giấy phép đầu tư, không giấy phép chuyển đổi mục đích sử dụng, không có hồ sơ thiết kế, một nhà hàng mọc trên Mã Pì Lèng.

Không có giấy phép đầu tư, không giấy phép chuyển đổi mục đích sử dụng, không có hồ sơ thiết kế, một nhà hàng mọc trên Mã Pì Lèng.

Ba năm trước, lần đầu tiên tôi chạy xe máy qua Mã Pì Lèng. Khoái cảm khó diễn tả, sợ hãi xen lẫn thích thú. Một bên đèo là những vách đá vôi dựng đứng. Bên kia là sông Nho Quế nước xanh như dải lụa dưới vực sâu.

Nhưng khi đang đổ đèo thì bỗng một toán trẻ con bất ngờ từ bên vệ đường ùa ra. Những đứa trẻ nhem nhuốc, đứa lớn địu em, đứa thì nhỏ còn cởi truồng. Chúng cô gắng chạy đuổi thật nhanh để giật mọi thứ có thể trên xe chúng tôi. Tôi dừng lại thì chúng chạy đi. Tôi nổ máy thì chúng lại đuổi tiếp.

Hà Giang có núi non hùng vĩ nhất cả nước, nơi mà mỗi khi cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống thị thành, chúng tôi lại tìm đến. Nhưng hàng năm, Chính phủ vẫn phải xuất cấp hàng trăm tấn gạo cứu đói người dân. Ấn tượng của tôi về Hà Giang là những đứa trẻ ấy. Vẻ đẹp của thiên nhiên không có nhiều ý nghĩa cho sự phát triển.

Lần trở lại Hà Giang này, tôi mang nhiệm vụ tìm hiểu tại sao trên đèo lại mọc lên một nhà hàng. Tôi háo hức muốn xem nơi này đã thay đổi ra sao.

Dọc con đường Hạnh Phúc, vẫn là những mái nhà lụp xụp, nằm cheo leo trên vách núi. Thi thoảng, tôi lại gặp những đứa trẻ quần áo rách rưới hoặc cởi truồng chạy trên đường.

Sự thay đổi lớn nhất có lẽ là nhà hàng 6 tầng được dựng lên ngay trên hẻm vực Tu Sản, nơi đẹp nhất của đỉnh đèo Mã Pì Lèng. Công trình được xây từ đầu năm 2018 khi huyện Mèo Vạc kêu gọi nhà đầu tư xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách. Chính quyền cũng "khuyến nghị" chủ đầu tư dùng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.

Một năm sau, nhà hàng hoàn thiện, mở cửa đón khách thì ai đó mới phát hiện ra rằng đây là công trình "ba không".

Chủ nhà hàng rơi nước mắt kể, trước kia đây là mảnh đất hoang, chỉ có sỏi đá, không trồng được cây cối gì. Từ khi đặt viên đá đầu tiên làm móng nhà, đến khi công trình hoàn thành là những ngày bà cực nhọc và mất ăn, mất ngủ.

Tâm nguyện của bà là muốn thu hút thêm nhiều khách du lịch đến đây, cho "người dân địa phương đỡ khổ". Vì vậy, dù thừa nhận nhà hàng xây trái phép nhưng bà mong nó "không đáng bị tháo dỡ hoặc tẩy chay".

Hầu như ai qua đèo đến đây cũng dừng lại vào nghỉ ngơi, thưởng thức một vài món ăn, đồ uống và ngắm cảnh, chụp cho nhau những bức ảnh bên sông. Không khí trong quán lúc nào cũng náo nhiệt tiếng cười nói, dù có người lấy làm tiếc khi biết công trình xây vi phạm pháp luật.

Ngồi trên ban công tầng cao nhất của toà nhà, ngắm bóng chiều buông xuống dòng Nho Quế và những mỏm đá tai mèo ở sườn núi bên kia là cảm giác khoan khoái khó cưỡng lại. Dưới dòng sông xanh giữa hai khe núi là những chiếc thuyền lững lờ. Trên vài con đường mòn dẫn lên những ngôi nhà trên vách núi, thấp thoáng bóng người dân gánh củi trở về.

Thiên nhiên nơi đây chắc hẳn sẽ còn hấp dẫn nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp khác. Không phải là người phụ nữ kia thì sẽ có người khác dựng lên ngôi nhà khác, ở đâu đó trên Mã Pì Lèng.

Cái nhà hàng sinh ra không chỉ bởi ý chí của bà chủ quán đã gần 60 tuổi. Nó là sự thúc bách của nguồn lực thị trường và nhu cầu của rất nhiều khách du lịch.

Nếu đọc các báo cáo kinh tế xã hội, theo dõi biên bản các cuộc họp hội đồng nhân dân của Mèo Vạc và Hà Giang, thì người ta sẽ dễ tưởng tượng rằng vùng đất này chỉ có nguồn lực để "tăng đàn gia súc" hoặc "trồng tam giác mạch", việc cải thiện kinh tế địa phương sẽ chỉ trông vào chút vốn rót cho nông nghiệp.

Nhưng nhà hàng trên đỉnh Mã Pì Lèng, trước khi trở thành một công trình sai phép, là một số tiền đầu tư không nhỏ. Hóa ra, ở Mèo Vạc này có nguồn vốn cho sự phát triển du lịch, chứ không chỉ có những đứa trẻ đuổi theo xe của khách.

Nhưng tại sao nguồn vốn ấy cuối cùng lại trở thành bi kịch? Bi kịch của chính quyền địa phương khi chưa tìm ra được giải pháp xử lý cái nhà hàng và chịu búa rìu dư luận; bi kịch của những người yêu thiên nhiên khi cảm thấy di sản bị biến dạng; và bi kịch của cả bà chủ quán có thể mất trắng.

Câu chuyện nhà hàng Panorama không chỉ là chuyện của một chủ đầu tư. Một số vốn quý giá trên mảnh đất nghèo túng này đã bị ném vào sai thời điểm và địa điểm, trở thành phi nghĩa và có thể phải vứt bỏ. Việc đó gợi ý rằng chính quyền cơ sở không chỉ thờ ơ với một công trình: họ thờ ơ với cả một chiến lược làm kinh tế.

Khi được hỏi về sai phạm của nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng, giám đốc Sở Xây dựng than thở rằng, một phần nguyên nhân bởi đến nay tỉnh vẫn chưa có quy hoạch chi tiết. Tỉnh cũng chưa biết khi nào sẽ xây dựng được quy hoạch chi tiết, bởi hiện vẫn không có tiền làm. Ông cũng lo lắng, nếu không có quy hoạch chi tiết thì rất có thể thời gian tới, sẽ lại có thêm nhiều công trình khác mọc lên dọc đèo Mã Pì Lèng.

Khi đó, chính quyền lại ở vào thế lưỡng nan như hiện nay là không biết nên phá dỡ hay "phạt cho tồn tại". Công trình xây trái phép, không được kiểm tra độ an toàn, nếu giữ lại thì sẽ trái quy định pháp luật và tạo ra tiền lệ xấu. Nếu tháo dỡ, thì sẽ uổng phí biết bao tiền của, công sức của chủ đầu tư đã đổ vào đây.

Nhưng quy hoạch phát triển không chỉ là tấm bản đồ chi tiết nào đó mà Hà Giang chưa có tiền làm. "Quy hoạch" trước hết là một động từ diễn ra trong trí não của những nhà hữu trách, hay là việc có thể thực hiện thông qua... cuộc họp.

Nếu lãnh đạo huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang sớm nghĩ về yêu cầu xây dựng của các cơ sở dịch vụ thì nhà hàng Panorama có thể sẽ được xây ở vị trí khác, dễ được cảm thông hơn. Kiến trúc công trình cũng có thể là những vật liệu thân thiện với môi trường và thiết kế hài hoà với thiên nhiên, chứ không phải là toà nhà bê tông mọc lên. Người ta tự hỏi rằng chính quyền Mèo Vạc trao đổi với nhau cái gì trong các cuộc họp về phát triển kinh tế, nếu không phải là việc định hướng đúng đắn, đưa ra giải pháp hữu hiệu cho những nguồn vốn như của bà chủ nhà hàng kia?

Theo tinh thần thượng tôn pháp luật, nhà hàng có thể bị phá dỡ. Nhưng tôi sợ rằng đây sẽ không chỉ là kịch bản của riêng Panorama. Không có chiến lược, không có quy hoạch, vốn xã hội sẽ bị ném xuống vực Tu Sản cách này hay cách khác. Và đây cũng không phải là kịch bản của riêng Mèo Vạc. Sự thờ ơ là một căn bệnh lây qua đường nghị quyết.

Vũ Viết Tuân

nha hang tren ma pi leng “Có thể tháo dỡ toàn bộ hoặc cho tồn tại một phần Mã Pì Lèng Panorama“
nha hang tren ma pi leng Ngoài Mã Pí Lèng, đây là những địa điểm không thể bỏ qua khi đến Hà Giang
nha hang tren ma pi leng Chính sách bồi thường cho dân Thủ Thiêm; Tin mới về nhà 7 tầng ở Mã Pí Lèng
nha hang tren ma pi leng Nhận mưa đánh giá 1 sao, khách sạn trên đỉnh Mã Pì Lèng vẫn ‘cháy’ phòng
nha hang tren ma pi leng Chủ nhà hàng Mã Pì Lèng: "Công trình không đáng bị tháo dỡ"
/ vnexpress.net