Tại buổi nói chuyện ba giờ đồng hồ với sinh viên Đai học Bách Khoa Hà Nội cùng nhà sáng lập Got It Hùng Trần và Ngô Trung của Magestore, Nguyễn Hà Đông - cha đẻ Flappy Bird nghe nhiều hơn nói.
Tại buổi nói chuyện ba giờ đồng hồ với sinh viên cùng nhà sáng lập Got It Hùng Trần và Ngô Trung của Magestore, Nguyễn Hà Đông nghe nhiều hơn nói. Anh kiệm lời và có phần ngập ngừng khi chia sẻ về bản thân.
"17 năm qua, tôi chỉ có màn hình máy tính, nên không có nhiều câu chuyện để kể. Tôi nghĩ mình đã phải đánh đổi một số thứ để có thành công như vậy. Thứ mà tôi đánh đổi chính là sự trưởng thành của mình", Hà Đông nói khi được đề cập tới câu chuyện Flappy Bird.
Khi được gợi lại về quyết định gỡ bỏ "chú chim ngu" khi đang ở thời kỳ đỉnh cao vào tháng 2/2014, anh nói: "Bẩm sinh tôi không chịu được áp lực. Vì vậy tốt nhất là nên gỡ bỏ".
Nguyễn Hà Đông trong sự kiện tối 19/11 tại Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Magestore. |
Cách đây 5 năm, tờ Rolling Stone từng viết về thành công của Hà Đông và Flappy Bird: "Đông kiếm được số tiền ước tính lên tới 50.000 USD một ngày. Ngay cả Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook ban đầu cũng không giàu nhanh như vậy". Flappy Bird cũng nằm trong danh sách 25 ứng dụng được CNET đánh giá là có tầm ảnh hưởng nhất trong một thập kỷ qua.
5 năm sau khi khai tử Flappy Bird, hiện tại, anh vận hành một công ty chuyên về game. Công ty có đúng 2 người: Hà Đông và một người bạn khác cũng là cựu sinh viên của Đại học Bách khoa. Khi được hỏi về dự án sắp tới, Hà Đông nói: "Tôi không muốn nói trước vì nói trước khó mà đạt được. Game đó trông rất đơn giản nhưng trình độ công nghệ trong game này chưa có bao giờ".
Bên cạnh việc làm game, hiện Hà Đông tài trợ cho một số sinh viên cần nguồn tiền để nghiên cứu. Họ cần chứng minh cho anh thấy họ đã làm được gì, khả thi ra sao, số tiền cần là bao nhiêu và tiêu vào việc gì. Nếu thấy hợp lý, Hà Đông sẽ tài trợ cho dự án.
Có nên khởi nghiệp khi còn là sinh viên là một trong những câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm. Với Nguyễn Hà Đông, anh cho rằng không có câu trả lời chính xác cho tất cả, "tuỳ thuộc mỗi người miễn họ thấy đúng".
Còn nhà sáng lập của Got It, anh Hùng Trần cho rằng đó là điều nên làm bởi sinh viên không có gì để mất. Ở Mỹ, đa phần trường đại học có chương trình "entrepreneurship" để sinh viên đưa ra giải pháp cho vấn đề của xã hội và được nhà trường hỗ trợ. Đó là môi trường an toàn để cho sinh viên thử.
Theo Hùng Trần, khởi nghiệp ở giai đoạn sinh viên không nhất thiết là phải là có công ty, sản phẩm tốt, giá trị lớn nhất là "tư duy kinh doanh" có được cho bản thân. Đó là thứ giúp bạn tiến xa khi đi làm hay khởi nghiệp về sau.
Buổi chia sẻ với sinh viên của ba nhà sáng lập Got It, Magestone và Flappy Bird tối 19/11 tại Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Magestore. |
Anh Ngô Trung, nhà sáng lập Magestone cũng đồng tình rằng trải nghiệm sẽ giúp học hỏi được nhiều. Bản thân anh cũng chưa từng đi làm toàn thời gian cho công ty nào. Anh từng thực tập cho một công ty công nghệ nhưng sau đó phải nghỉ việc do chỉ trong hai tháng đã viết 3 email đề nghị tăng lương.
Quá trình khởi nghiệp của anh cũng mất nhiều thời gian mày mò và khá vất vả. Bởi vậy, nhà sáng lập Magestone khuyên rằng sinh viên có thể làm việc và tham gia vào một startup để học hỏi cách thức người khác làm, rút ngắn được quãng thời gian và giúp thành công hơn.
Bên cạnh đó, có một thực tế rằng nhiều người kinh doanh luôn đề cao ý tưởng "độc nhất" của mình, nhiều người nói đến ý tưởng triệu USD, tỷ USD. Tuy nhiên, theo sáng lập Got It Hùng Trần, ở Thung lũng Slicon, "ý tưởng là thứ rẻ mạt nhất".
"Cái khó là biến ý tưởng thành sản phẩm, dịch vụ tốt và nó nên phục vụ, giải quyết vấn đề nhức nhối mà nhiều người đang gặp phải hẳng ngày chứ không phải là ý tưởng mà chỉ có nhà sáng lập cần", Hùng Trần nói.
Quỳnh Trang
Nguyễn Hà Đông sắp đưa Flappy Bird tái xuất?
Trên trang cá nhân, Nguyễn Hà Đông hé lộ hình ảnh một tựa game mới, với sự có mặt của Flappy Bird từng gây sốt. |