Nguyên Chủ tịch TP Hạ Long Phạm Hồng Hà bị bắt: 4 xe sang bị thu giữ sẽ giải quyết thế nào?

Sau khi ông Phạm Hồng Hà, nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long, Quảng Ninh bị khởi tố, bắt tạm giam, điều được nhiều người quan tâm là số phận 4 chiếc xe ô tô hạng sang bị thu giữ được xử lý ra sao và ông Hà có thể phải đối diện với mức án nào?

Ông Phạm Hồng Hà bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 2, Điều 356 BLHS 2015. Khám xét nhà riêng của nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cơ quan công an đã thu giữ nhiều ô tô “xịn”, gồm 1 xe Lexus 570, 1 xe Lexus ES 350, 1 xe Vinfast Lux SA và 1 xe Mercedes.

Về vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, cho rằng, đây là một vụ án rất nghiêm trọng liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản của Nhà nước, vi phạm trật tự quản lý kinh tế, gây bức xúc trong dư luận.

Về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Điều 356 BLHS 2015 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 -dưới 200 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Phạm tội có tổ chức; 2 lần trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 - 15 năm.

Đối chiếu với quy định trên, nguyên Chủ tịch TP Hạ Long Phạm Hồng Hà có thể phải đối diện với mức án cao nhất lên đến 10 năm tù giam (theo Khoản 2, Điều 356).

Để xử lý đúng người, đúng tội, cơ quan tiến hành tốt tụng sẽ làm rõ tính chất, mức độ vi phạm của ông Phạm Hồng Hà, hậu quả của hành vi, các tình tiết giảm nhẹ… từ đó đưa ra mức án cụ thể - Luật sư Hồng Vân nhận định.

Về những chiếc xe sang của nguyên Chủ tịch Hạ Long mà cơ quan công an đã tạm giữ, Luật sư Hồng Vân cho rằng, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra cũng làm rõ các tài sản do phạm tội mà có, những vật chứng của vụ án để tiến hành niêm phong, kê biên để xử lý theo quy định.

Nguyên Chủ tịch TP Hạ Long Phạm Hồng Hà bị bắt: 4 xe sang bị thu giữ sẽ giải quyết thế nào? ảnh 1

Khi khám xét tại nhà riêng của ông Phạm Hồng Hà, cơ quan điều tra đã thu giữ 4 chiếc xe ô tô đắt tiền

Khi đọc lệnh bắt giữ và khám xét tại nhà riêng của ông Phạm Hồng Hà, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu đồ vật, trong đó có 4 chiếc xe ô tô đắt tiền vì có thể đây là vật chứng của vụ án, có liên quan đến tội phạm nên tạm thời thu giữ.

 Theo điều 89 Bộ luật TTHS 2015, “vật chứng” là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 106 Bộ luật này cũng quy định, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Khi thu giữ xe ô tô của bị can, cơ quan điều tra sẽ tiến hành bảo quản, quản lý theo quy định và xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng những chiếc xe này xem chúng có liên quan đến tội phạm hay không để xử lý theo quy định.

Nếu kết quả điều tra cho thấy những chiếc xe này không có liên quan đến tội phạm, không phải nguồn gốc do phạm tội mà có cũng không sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội và không phải tài sản thuộc sở hữu của bị can mà là tài sản của người khác thì sẽ trả lại cho chủ sở hữu - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

https://www.anninhthudo.vn/nguyen-chu-tich-tp-ha-long-pham-hong-ha-bi-bat-4-xe-sang-bi-thu-giu-se-giai-quyet-the-nao-post504673.antd

H.L / anninhthudo.vn