Từ những sự thực phũ phàng đang phơi bày về “văn hóa Việt” trong một bộ phận không nhỏ người dân Việt, ta có thể thấy rõ ràng rằng, văn hóa Việt đang rạn nứt, xuống cấp và đang lâm nguy.
Một số ngôi sao trong giới showbiz ra sức tung ảnh nóng, gây scandal bằng tình - tiền; bằng những lời thóa mạ, mạt sát nhau không chỉ trên blog, facebook, mà còn “mượn” cả phương tiện đại chúng.
Một số nhà văn hẳn hoi cũng không còn ngần ngại tung ra những lời lẽ mà vốn không có trong văn chương để trút vào đó sự hằn học, cay cú và đề cao cái tôi vô lối của mình.
Học sinh, sinh viên thì dùng mạng xã hội để chửi nhau và thậm chí “bày tỏ chính kiến” một cách thiếu suy nghĩ, thiếu văn hóa trước nhiều vấn đề xã hội.
Còn nhớ vào năm 2011, cư dân mạng “sôi sùng sục” trước những giải pháp mà Bộ Giao thông Vận tải đề ra như thay đổi giờ làm, giờ học… Không ít những lời lẽ thóa mạ, dè bỉu, chê bai được tung ra trên mạng. Rồi khi Hà Nội xây dựng các cầu vượt, cũng có không ít ý kiến cho rằng, những cây cầu “khô khan” sẽ làm “hỏng bộ mặt Hà Nội”. Nhưng bây giờ thì ai cũng hoan hỉ khi thấy ách tắc giao thông đô thị đã giảm, số người chết cũng giảm… điều mà cách đây hơn một năm, người lạc quan nhất cũng không dám nghĩ tới.
Nhưng tất cả những phát ngôn vô lối đó, xem ra chẳng là “cái đinh” gì so với lời của ông đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước mạt sát, thóa mạ đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
Quả thực là không còn có thể hiểu nổi, rằng tại sao một người được học hành tử tế, chữ nghĩa chẳng ít, lại có thể “chửi” nhau bằng những lời lẽ hàng tôm, hàng cá đến như vậy.
Hẳn ông Phước không thể không biết những câu cha ông ta từng dạy về phát ngôn: “Ăn có nhai, nói có nghĩ”; rồi: “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; rồi: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”; rồi: “Lời nói, đọi máu”; rồi: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”…
Nhưng lại càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng, vị đại biểu này từng gửi thư xin làm “đặc sứ” để giúp ông Saddam Hussein lập kế “hợp tung” chống Mỹ.
Và đọc những lời ông ta viết trong thư gửi ông tổng thống xấu số Saddam Hussein thì quả thật, chỉ còn có một suy nghĩ về ông Phước, ấy là, ông này có suy nghĩ “không bình thường”. Hoặc nói một cách “nhẹ nhàng” hơn, ấy là ông Hoàng Hữu Phước có chữ nhưng… thiếu văn hóa.
Không thể chấp nhận được một vị đại biểu dân bầu lại có kiểu nói năng như vậy.
Từ những sự thực phũ phàng đang phơi bày về “văn hóa Việt” trong một bộ phận không nhỏ người dân Việt, ta có thể thấy gì?
Ta thấy rõ ràng rằng, văn hóa Việt đang rạn nứt, xuống cấp và đang lâm nguy.
Sự rạn nứt đó, sự xuống cấp đó, đáng lo ngại thay, đáng lâm nguy lại đang xảy ra ở “thượng tầng kiến trúc” - ấy là trong đại biểu Quốc hội - mà cụ thể là như ông Phước. Cứ cái đà xuống cấp này, không biết chừng, sẽ tới ngày có đại biểu Quốc hội “đấu võ” tay chân thay cho “võ mồm” ở ngay trong nghị trường.
Nếu điều đó xảy ra ở Việt Nam, thì đó là đại họa cho nền văn hóa nước nhà.