Vũ khí siêu vượt âm có thể khơi mào chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân do các bên có quá ít thời gian xử trí tình huống.
Vũ khí siêu vượt âm thường có tốc độ trên 6.175 km/h. Đồ họa: National Interest. |
Viện nghiên cứu RAND vừa cảnh báo sự phát triển của tên lửa siêu vượt âm, loại vũ khí công nghệ cao bay với tốc độ siêu nhanh, sẽ khiến các cường quốc gần như không có thời gian nhận định tình hình và có thể vô tình dẫn tới chiến tranh hạt nhân, theo Popular Mechanics.
Báo cáo dài 154 trang mang tên "Không phổ biến Tên lửa siêu vượt âm - ngăn chặn sự lan rộng của vũ khí mới" cảnh báo về hiểm họa từ loại vũ khí đang được Nga, Mỹ và Trung Quốc phát triển. Công nghệ này đang có dấu hiệu lan rộng ra châu Âu, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, trong khi các nước khác cũng bắt đầu tỏ ý quan tâm.
Vũ khí siêu vượt âm được thiết kế để xuyên thủng mọi hệ thống phòng không và lá chắn tên lửa đạn đạo nhờ khả năng bay hành trình ở tốc độ trên 6.175 km/h, tương đương hơn 5 lần tốc độ âm thanh. Tính năng này có thể khiến chính phủ các nước trên thế giới buộc phải luôn đặt lực lượng chiến lược, gồm cả vũ khí hạt nhân, vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
Báo cáo của RAND cho rằng tên lửa siêu vượt âm, cụ thể là phương tiện lượn siêu thanh và tên lửa hành trình siêu vượt âm, là mối đe dọa mới bởi chúng có thể kết hợp tính cơ động cao với tốc độ hơn 5.000 km/h. Điều này khiến một quốc gia có rất ít thời gian đáp trả một vụ tấn công. Vũ khí siêu vượt âm đem lại khả năng răn đe lớn với bất kỳ nước nào sở hữu chúng.
Vũ khí siêu vượt âm thường dùng động cơ phản lực dòng thẳng (scramjet) hoặc các hệ thống đẩy đặc biệt để đạt tốc độ trên 6.200 km/h. Đường bay của chúng nằm dưới tầm đánh chặn hiệu quả của hầu hết các lá chắn tên lửa đạn đạo, nhưng lại vượt quá tầm bắn của các hệ thống phòng không truyền thống, biến chúng thành những quả đạn rất khó đánh chặn.
Phương tiện siêu vượt âm X-51 Waverider của Mỹ. Ảnh: USAF |
Các chuyên gia ở RAND đưa ra tình huống giả định hai quốc gia như Ấn Độ và Pakistan đều có vũ khí siêu vượt âm gắn đầu đạn hạt nhân trực chiến ở thủ đô mỗi nước. Một tên lửa siêu vượt âm phóng từ thủ đô Islamabad, Pakistan chỉ mất 6 phút để bay đến New Delhi, Ấn Độ.
Trong trường hợp này, Ấn Độ chỉ có 6 phút để xác định đây có phải là một vụ tấn công hạt nhân thực sự hay không, cũng như đưa ra cách đáp trả trước khi tên lửa đánh trúng mục tiêu. Thời gian phản ứng quá ngắn khiến New Delhi buộc phải tấn công đáp trả mà không biết được vụ phóng của Islamabad là có chủ đích hay chỉ là sự cố kỹ thuật. Mỹ, Nga và Trung Quốc đều có thể gặp vấn đề tương tự.
Công nghệ vũ khí siêu vượt âm đã xuất hiện và trong quá trình thử nghiệm, nhưng vẫn còn chưa quá muộn để các siêu cường như Mỹ, Nga và Trung Quốc hợp tác thống nhất nguyên tắc không phổ biến loại vũ khí này, chặn đứng nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa các quốc gia trong tương lai, các chuyên gia RAND khuyến nghị.
Cuộc đua Concorde và thất bại của máy bay siêu thanh |
Mỹ đang thắng thế Nga trên cuộc đua phương tiện siêu thanh |
NASA chế máy bay rút hành trình từ London tới New York chỉ còn 4 giờ |
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quan-su/nguy-co-no-ra-chien-tranh-hat-nhan-tu-vu-khi-sieu-vuot-am-3656551.html?vn_source=box-Topstory&vn_medium=fo-TheGioi&vn_campaign=vn