- Vụ ngộ độc thực phẩm nghi ăn nhầm so biển: Độc tố vượt ngưỡng an toàn
- Phòng ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên
- Phòng tránh ngộ độc thực phẩm từ nhà bếp
Sau Tết Nguyên đán, lễ hội được tổ chức tại nhiều nơi với sự tham gia của rất nhiều du khách. Thị trường phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách cũng trở nên sôi động, kèm theo đó là nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Thực phẩm được bày bán ngay bên đường đi ẩm ướt.
Nguy cơ hiện hữu
Mùa lễ hội xuân Quý Mão diễn ra sôi động ngay từ những ngày đầu năm. Vào dịp cao điểm, mỗi ngày các di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội như đền Ngọc Sơn, Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, chùa Hương... cho đến các đền, chùa lân cận như đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Trần (Nam Định)... đón hàng vạn người. Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là dịch vụ ăn uống phục vụ nhu cầu của du khách cũng nhộn nhịp hẳn lên.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa lễ hội năm nay, từ cuối năm 2022, lực lượng chức năng ở các địa phương đã đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xử lý các cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống, lưu trú trên địa bàn, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn môi trường cảnh quan. Các hộ gia đình tham gia kinh doanh, cung cấp dịch vụ ăn uống đã ký cam kết bán hàng theo giá niêm yết, không tự ý nâng giá dịch vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm hiện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong mùa lễ hội. Khó, là bởi hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố đa số có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ, phân phối qua nhiều khâu trung gian, trình độ quản lý chưa cao, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo... Một bộ phận chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm không quan tâm tới sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích trước mắt nên không tuân thủ quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại một số khu di tích vẫn còn hiện tượng hàng quán vây kín khu thờ tự, hoạt động như một khu “chợ” nhộn nhịp, làm mất đi vẻ tôn nghiêm của di tích. Ở nhiều nơi có cảnh du khách xả rác bữa bãi; thức ăn sống/ chín được bày “lộ thiên” giữa đường đi lối lại, vừa mất vệ sinh vừa ảnh hưởng xấu tới cảnh quan...
Dịch vụ ăn uống tại các lễ hội mang tính chất tạm thời; hàng quán “dựng” tạm bợ, đơn giản, thiếu nước sạch, thiếu phương tiện thu gom chất thải, thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn; nhiều nơi bố trí ngay ở đường đi… làm cho thức ăn dễ ô nhiễm, thực khách dễ bị ngộ độc thực phẩm.
Không chủ quan với các triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Nhiều người vẫn có tâm lý chủ quan với nguy cơ ngộ độc thực phẩm, cho rằng nếu bị ngộ độc thực phẩm thì chỉ “miệng nôn trôn tháo“ vài ngày là có thể tự khỏi. Một số tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy, men tiêu hóa…, coi nhẹ lời khuyên và sự cảnh báo của chuyên gia y tế.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm gồm thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, virus; thực phẩm bị nhiễm hóa chất, hoặc bản thân thực phẩm đó có độc tố như sắn, măng, cá nóc…
Ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm. Cần hết sức thận trọng nếu bệnh nhân có các biểu hiện bệnh nặng ở đường tiêu hóa hoặc mất nước, nhiễm trùng, hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng thần kinh (đặc biệt là nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nói ngọng, tê, liệt cơ, co giật, đau đầu); tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở; có máu hoặc chất nhày trong phân, tiểu ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như ngực, cổ, hàm), đau họng.
Thực tế, có những ca ngộ độc cùng một nguyên nhân nhưng diễn biến sức khỏe của mỗi người lại khác nhau, có người sớm hồi phục nhưng có người lại có nguy cơ tử vong rất cao. Điển hình như vụ ngộ độc chè mới đây tại An Giang. Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới ghi nhận 88 người nghi ngộ độc sau khi ăn món chè đậu trắng, trong 35 ca nặng phải nhập viện thì đã có ca phải chuyển lên tuyến trên do sốc nhiễm trùng; có bệnh nhân được chẩn đoán suy đa tạng, phải lọc máu liên tục và điều trị hồi sức tích cực. Rất buồn là có bệnh nhân đã không qua khỏi.
Các triệu chứng ngộ độc có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng và có thể kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày. Trong nhiều trường hợp, bệnh trở nặng là do tâm lý chủ quan của người bệnh và điều đó gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó, khi có các dấu hiệu đau bụng do ngộ độc thực phẩm, người bệnh và người nhà không nên chủ quan, cần chú ý theo dõi tình trạng của người bệnh và nên đi đến bệnh viện ngay nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng kéo dài.
Một số cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi du xuân là chuẩn bị các loại đồ khô, thực phẩm đóng gói và tiệt trùng, tránh ăn các loại đồ tươi sống, hạn chế ăn thức ăn đường phố và các loại trái cây bóc vỏ được bày bán sẵn.
Trong không khí lễ hội tấp nập đầu năm, cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần cẩn trọng với việc chọn lựa và sử dụng thực phẩm để đảm bảo sức khỏe và có một mùa lễ hội trọn vẹn, an toàn.
Coi chừng rước bệnh vì “thụ lộc” liên miên
Tham gia lễ hội, phần “thụ lộc” là không thể thiếu. Tuy nhiên, việc “thụ lộc” liên miên, ăn cỗ “trường kỳ” trong dịp lễ tết khiến không ít người bị rối loạn tiêu hóa.
Miền Bắc đã bước vào mùa nồm, thời tiết ẩm ướt không chỉ gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do độ ẩm trong không khí cao là môi trường thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn sinh sôi và lan truyền.
Mùa lễ hội, tân niên với những bữa cỗ đông người, các món ăn nguội thường được phủ kín bằng nilon, giấy báo trong suốt cả buổi. Trời nồm, ẩm ướt, những món ăn như gà luộc, giò, thịt lợn, nộm, canh măng... để ở ngoài trời trong thời gian dài rất dễ bị ôi thiu, bởi độ ẩm cao thúc đẩy sự phát triển và lây lan của vi sinh vật ngay cả ở những khu vực được đánh giá theo cảm quan là sạch sẽ. Độ ẩm trong không khí còn làm giảm chất lượng sản phẩm và thời hạn sử dụng.
Thực tế, rất nhiều người cho rằng thức ăn chỉ cần cất vào tủ lạnh nếu phải để qua đêm, còn nếu dùng trong ngày thì chỉ cần đậy lồng bàn hoặc dùng màng bọc thực phẩm đậy kín. Tuy nhiên, đó chính là quan niệm, thói quen sai lầm, dễ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Cần nhớ rằng, với thức ăn thừa, cần đun lại ngay sau khi ăn bởi trong quá trình ăn vẫn có thể lẫn thêm các vi khuẩn từ ngoài vào; sau khi đun lại, để thức ăn nguội rồi mới đưa vào tủ lạnh.
Việc lưu ý đảm bảo an toàn thực phẩm trong những bữa cỗ đông người là rất quan trọng, nhằm tránh các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nghiêm trọng. Ngộ độc thực phẩm không đơn giản chỉ là rối loạn tiêu hóa, mà có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, với trẻ dưới 2 tuổi, người cao tuổi đang dùng các thuốc gây giảm miễn dịch (thường dùng trong điều trị bệnh khớp, ung thư, dị ứng), suy dinh dưỡng, bệnh dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố... thì ngộ độc thực phẩm sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bảo Ngọc
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/1055531/nguy-co-ngo-doc-thuc-pham-trong-mua-le-hoi