Nguy cơ bùng phát xung đột từ căng thẳng leo thang ở Vùng Vịnh

Nếu Mỹ và Iran không chịu nhượng bộ lẫn nhau và tiếp tục có những động thái thị uy quân sự, nguy cơ xảy ra xung đột là rất lớn. 

nguy co bung phat xung dot tu cang thang leo thang o vung vinh
Khói bốc lên từ tàu dầu Front Altair sau vụ tấn công trên Vịnh Oman hôm 13/6. Ảnh: ISNA.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng gia tăng sau các vụ tấn công tàu dầu ở Vùng Vịnh. Mỹ cáo buộc Iran chủ mưu, trong khi Iran phủ nhận, phản bác rằng chính Mỹ đã dàn xếp chúng để lấy cớ sử dụng vũ lực chống lại nước này.

Hôm qua, căng thẳng dường như tiếp tục được đẩy lên một mức cao mới khi Lầu Năm Góc xác nhận Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắn hạ máy bay trinh sát không người lái (UAV) của hải quân Mỹ. Iran tố cáo UAV Mỹ đã xâm phạm không phận nhưng Washington lại tuyên bố máy bay đang trong không phận quốc tế.

Đến nay, hai bên vẫn kiềm chế trong những phát ngôn đưa ra. Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu cho rằng Iran "phạm sai lầm rất lớn", nhưng sau đó dịu giọng khi nói vụ bắn rơi UAV có thể không được giới lãnh đạo Iran đồng tình. "Tôi nghĩ ai đó đã mắc sai sót", Trump phát biểu trước phóng viên. "Chúng ta không có người trong thiết bị bay. Điều này tạo ra khác biệt vô cùng lớn".

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định vụ bắn hạ UAV là dấu hiệu cho thấy Iran hoàn toàn không e dè trước sức ép từ Mỹ và nguy cơ bùng phát xung đột rất dễ xảy ra vì những tính toán sai lầm của mỗi bên.

Nếu Mỹ quyết định đáp trả Iran vì vụ bắn rơi UAV, "xoắn ốc leo thang căng thẳng" trong khu vực "sẽ chỉ dẫn tới những hậu quả tai hại tiềm tàng", Barbara Slavin, giám đốc chương trình Sáng kiến Tương lai Iran tại Hội đồng Đại Tây Dương, bình luận.

Trong ngắn hạn, vụ bắn hạ UAV và vụ tấn công hai tàu dầu trên vịnh Oman hồi giữa tháng đã khiến giá dầu tăng. Dầu Brent hiện tăng 3,1% lên 63,75 USD/thùng. Trước đó, giá từng chạm 63,88 USD. Dầu thô Mỹ - WTI cũng tăng 3,2% lên 55,49 USD/thùng.

Dù giới lãnh đạo Mỹ và Iran luôn khẳng định họ không tìm kiếm một cuộc chiến tranh, các chuyên gia phân tích đã vạch ra hàng loạt kịch bản trong dài hạn mà ở đó, mỗi bên có thể làm leo thang xung đột bằng những động thái điều động quân sự và thị uy sức mạnh.

Hai bên đến nay chưa có bất kỳ cuộc thảo luận nào, cả công khai lẫn bí mật, để giải quyết căng thẳng. Các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cũng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ tính toán sai lầm dễ dẫn tới đụng độ không mong muốn.

Vấn đề cốt lõi nằm ở sự kiên quyết của chính quyền Trump trong nỗ lực buộc Iran ngừng làm giàu uranium và chấm dứt những "hành vi ác ý" ở Trung Đông. Tới hôm qua, chính quyền Trump vẫn cho rằng Iran có thể sẽ thể hiện sự không hài lòng với lập trường của Washington bằng cách tấn công các tàu nước ngoài đi qua khu vực hay chỉ thị cho những nhóm dân quân đồng minh tấn công đồng minh của Mỹ thay vì nhắm mục tiêu vào chính các lực lượng Mỹ.

Tướng Paul Selva, phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, hồi đầu tuần nói với báo chí rằng Mỹ đã gửi những thông điệp cảnh báo tới chính quyền Iran: "Hãy tránh xa ra. Đừng nhắm vào quân của chúng tôi".

Giới phân tích nhận định khi quyết định bắn rơi UAV Mỹ, Iran có thể đang tính toán rằng cuộc tấn công sẽ không khiến Mỹ đáp trả bằng hành động quân sự bởi sự việc không dẫn tới thương vong về người.

Đô đốc hải quân về hưu James Stavridis miêu tả vụ tấn công là một nước đi "logic" nhưng nguy hiểm đối với chính quyền Iran khi họ đang cố đáp trả chiến lược gây sức ép kinh tế tối đa của chính quyền Trump.

Bị vùi dập về kinh tế bởi các đòn trừng phạt, Iran có không ít lý do để thúc đẩy căng thẳng quân sự. Với cáo buộc tấn công tàu dầu nước ngoài, Iran đã chứng minh rằng họ có khả năng gây tổn thương cho nền kinh tế thế giới nếu chính quyền Trump kiên trì với chiến lược gây sức ép.

nguy co bung phat xung dot tu cang thang leo thang o vung vinh
Một chiếc MQ-4C Mỹ, cùng loại với máy bay trinh sát không người lái bị Iran bắn rơi hôm 20/6, bay thử hồi năm 2015. Ảnh: US Navy.

Làm gia tăng căng thẳng trong khu vực cũng sẽ giúp Iran giành được đòn bẩy lợi thế nếu các cuộc đàm phán được tổ chức. Lúc ấy, họ có thể gợi ý về việc giảm những động thái thù địch như một cách để nhượng bộ.

Tehran muốn "đảm bảo rằng nếu đàm phán diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào, họ đều sẽ bước đến bàn thảo luận với đầy đủ quân bài mặc cả", Ariane Tabatabai, nhà khoa học chính trị tại trung tâm nghiên cứu Rand Corp, bình luận.

Nền kinh tế Iran gặp khó khăn kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên nước này. Các quan chức chính quyền Mỹ kỳ vọng nếu Tehran từ chối đàm phán theo các điều kiện của Mỹ, những biện pháp kìm kẹp về kinh tế sẽ khiến người dân Iran ngoảnh mặt với giới lãnh đạo. Song theo giới quan sát, đến giờ, chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Iran sẽ vấp phải sự chống đối từ người dân.

"Tôi nghĩ ở Iran đang tồn tại một quan điểm chính trị xuyên suốt rằng họ không thể mãi là nạn nhân nên phải tìm cách phản kháng", Afshon Ostovar, phó giáo sư tại học viện hải quân ở Monterey, California, Mỹ, cho hay.

Nếu Iran tiếp tục làm leo thang căng thẳng quân sự, họ có nguy cơ đánh mất sự cảm thông từ cộng đồng quốc tế vốn đang chỉ trích hành động đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Mỹ.

"Tới nay, Iran vẫn được nhìn nhận như nạn nhân", Ostovar nói. "Nếu Iran tiếp tục đưa ra cùng một thông điệp (giống như vụ bắn hạ UAV Mỹ), nhận thức trên sẽ dần bị xóa bỏ".

Tại quốc hội Mỹ, mối lo lắng Washington sẽ bị kéo vào một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông đang gia tăng. "Nếu tôi không biết chiến lược (của chính quyền) là gì, bạn cũng không biết thì làm sao người Iran biết được", hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bang Michigan Elissa Slotkin, đánh giá. "Và đây chính là công thức dẫn đến hiểu lầm, tính toán sai và vòng xoáy leo thang tới chiến tranh".

Một quan chức Iran giấu tên ngày 21/6 cho biết Tehran đã nhận được thông điệp do Tổng thống Mỹ gửi qua chính phủ Oman, cảnh báo khả năng tấn công Iran ngay trong đêm 20/6.

Trong khi đó, New York Times dẫn lời nhiều quan chức giấu tên Mỹ cho hay Tổng thống Trump hôm 20/6 đã thông qua kế hoạch không kích hàng loạt mục tiêu của Iran, như trận địa tên lửa và radar phòng không, nhằm đáp trả vụ máy bay không người lái (UAV) RQ-4N bị Tehran bắn hạ. Nhưng "chiến dịch bị hủy vào phút chót, khi chiến đấu cơ đã cất cánh và tàu chiến vào vị trí sẵn sàng khai hỏa". Hiện chưa rõ Trump thay đổi quan điểm về hành động quân sự đáp trả Iran, hay cuộc tấn công bị hoãn vì vấn đề hậu cần - chiến lược và nó có tiếp tục được thực hiện trong tương lai hay không.

Sau cuộc họp ngày 20/6 ở Nhà Trắng để bàn về vấn đề Iran, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi mô tả đây là phiên làm việc đầy "căng thẳng". "Từ giờ trở đi, chúng ta phải hành động có chiến lược và khôn ngoan, đồng thời hợp tác thật chặt chẽ với các đồng minh có chung lợi ích ở khu vực", bà nói. Phát biểu của Pelosi phần nào cho thấy sức nóng cũng như tình hình phức tạp ở Trung Đông hiện nay.

nguy co bung phat xung dot tu cang thang leo thang o vung vinh
Vị trí UAV bị bắn rơi theo phía Mỹ và Iran. Đồ họa: New York Times.

Vũ Hoàng (Theo Wall Street Journal)

nguy co bung phat xung dot tu cang thang leo thang o vung vinh 4 lợi thế lớn giúp Iran qua mặt Mỹ ở vùng Vịnh

Trang tin DEBKAfile đã nêu 4 lợi thế khiến mỹ và các đồng minh Ả-rập vùng Vịnh bất ngờ trước các đòn đánh của Iran ...

/ VnExpress