Malaysia là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng lệnh phong tỏa trong cả nước sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt. Từ ngày 18-3, Malaysia thực hiện đóng cửa biên giới, hạn chế di chuyển nội bộ cũng như tạm thời ngừng hoạt động kinh doanh
Tính đến ngày 21-3, Malaysia đã xác nhận tổng số 1.183 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó khoảng 60% có liên quan đến sự kiện tôn giáo kéo dài từ 27-2 đến 1-3, Bộ trưởng Y tế Datuk Seri Dr Adham Baba cho biết. Đáng chú ý, trong số 4 ca tử vong ở nước này đến nay, có 2 trường hợp tham dự sự kiện ở Sri Petaling, trở thành hồi chuông cảnh báo về ổ dịch trong khu vực.
Bắt tay, ăn chung giữa đại dịch
Sự kiện tôn giáo nói trên đã thu hút khoảng 16.000 người tham dự, trong đó có khoảng 14.500 tín đồ Hồi giáo Malaysia. Không rõ ai là người đầu tiên đưa virus tới đây, nhưng các ca nhiễm liên quan đến sự kiện này đang gia tăng chóng mặt trên khắp Đông Nam Á. Các nhân chứng tham gia sự kiện cùng các hình ảnh, bài viết trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy, có một số lý do khiến cho dịch Covid-19 có thể lan rộng.
Theo danh sách người tham dự đăng trên mạng xã hội, cuộc tụ họp có công dân từ hàng chục quốc gia bao gồm cả Canada, Nigeria, Ấn Độ, Australia… Ngoài ra còn có công dân Trung Quốc và Hàn Quốc - vốn là 2 quốc gia có tỷ lệ nhiễm Covid-19 rất cao. Với mật độ tập trung đông người, lại cùng chia sẻ thức ăn và cầu nguyện trong không gian chật hẹp, virus có thể lây nhiễm khó kiểm soát. Sau sự kiện, những người tham dự đã về nước và mang theo mầm bệnh gieo rắc khắp nơi.
Các hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, hàng trăm tín đồ ngồi sát nhau cầu nguyện trong nhà thờ Hồi giáo, một số hình ảnh khác thì chụp cảnh mọi người cùng nhau ăn uống. Một bệnh nhân người Campuchia 30 tuổi đang điều trị Covid-19 tại bệnh viện tỉnh Battambang cho biết: “Chúng tôi ngồi gần nhau. Mọi người đến từ các quốc gia gặp nhau trong buổi hành lễ thì bắt tay, đó là điều bình thường. Tôi không biết mình bị lây nhiễm từ ai”. Không ai trong ban tổ chức nhắc nhở về Covid-19 hoặc các biện pháp phòng ngừa trong suốt sự kiện, nhưng hầu hết khách đều rửa tay thường xuyên, 2 vị khách tham dự sự kiện kể.
Lây lan sang các nước láng giềng
Nhà thờ Hồi giáo Sri Petaling ở ngoại ô Thủ đô Kuala Lumpur đã bị phong tỏa. Nơi đây đã trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất tại Malaysia, rồi lây lan sang các nước Đông Nam Á khác. Nhưng đây không phải là sự kiện tôn giáo duy nhất khiến virus phát tán trên quy mô lớn. Một bài học điển hình là ổ dịch tại nhà thờ giáo phái Shincheonji đã khiến thành phố Daegu trở thành tâm dịch tại Hàn Quốc.
Hôm 19-3, Malaysia thông báo đã tìm được 10.650 người tham dự buổi họp mặt tôn giáo lớn được tổ chức tại nhà thờ Hồi giáo Jamek Sri Petaling, với 513/4.986 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid-19. Việc truy tìm và khoanh vùng những người này là một nhiệm vụ “khổng lồ và gây nản chí” - như lời của lãnh đạo Bộ Y tế Malaysia. Bộ Y tế nước này cũng kêu gọi những người từng tham gia sự kiện đến tự nguyện đi xét nghiệm và nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của sự việc khi đã có 1 người có mặt tại đó đã chết vì Covid-19.
Trước đó, ngày 18-3, Campuchia xác nhận có tổng cộng 20 ca nhiễm Covid-19 là người trở về sau khi tham gia sự kiện nói trên. Trong số 56 ca nhiễm mới tại Brunei có tới 50 ca liên quan tới sự kiện này. Singapore có 5 ca nhiễm. Thái Lan có ít nhất 2 ca. Việt Nam, Philippines và Indonesia đều đang tìm kiếm những người đã tham dự sự kiện này. Riêng Indonesia có tới 700 công dân tham gia.
Chủ quan và bị động
“Sự kiện do phong trào Tablighi Jama’at tổ chức tại Kuala Lumpur... có thể khiến các ca nhiễm Covid-19 trong khu vực gia tăng đột biến. Không hiểu sao chính quyền lại cho phép tổ chức” - nhà ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan viết trên trang Facebook. Cần nói thêm rằng, vào thời điểm diễn ra sự việc, chính trường Malaysia có một loạt diễn biến bất ngờ. Thủ tướng lâm thời Mahathir Mohamad, 94 tuổi, tuyên bố từ chức. Đến ngày 1-3, tân Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin tuyên thệ nhậm chức và cấm các cuộc tụ họp đông người vào ngày 13-3. Trước đó, chỉ có Bộ Y tế đưa ra lời khuyên với dân chúng là giảm thiểu tiếp xúc.
Một số người tham dự sự kiện cũng nói rằng, vào thời điểm đó, tình hình dịch ở Malaysia không mấy nghiêm trọng vì họ mới chỉ phát hiện 25 ca nhiễm Covid-19 vào ngày 28-2. “Chúng tôi không lo lắng vì tình hình Covid-19 lúc đó có vẻ như đang trong sự kiểm soát” - Khuzaifah Kamazlan, một giáo viên về tôn giáo ở Kuala Lumpur cho biết. “Chúng tôi hơi thất vọng vì đợt bùng phát này được cho là lỗi hoàn toàn do chúng tôi. Quan điểm đó là không công bằng. Khi đó không có lệnh cấm tụ họp. Giờ thì tôi đã xét nghiệm dương tính. Xin hãy cầu nguyện cho tôi” - Karim, 44 tuổi, người Malaysia nói.
Quốc gia đầu tiên Đông Nam Á áp lệnh phong tỏa
Malaysia là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng lệnh phong tỏa trong cả nước sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt. Từ ngày 18-3, Malaysia thực hiện đóng cửa biên giới, hạn chế di chuyển nội bộ cũng như tạm thời ngừng hoạt động của hầu hết doanh nghiệp, trường học và nhà thờ Hồi giáo trong 2 tuần để kiểm soát sự bùng phát Covid-19.
Bắt đầu từ ngày 22-3, Malaysia cũng sẽ triển khai quân đội để giúp cảnh sát thực thi lệnh hạn chế dịch chuyển đối với người dân. Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri nói tại cuộc họp báo hôm 20-3 rằng, quyết định này được đưa ra tại một cuộc họp khẩn cấp quốc gia. Lực lượng cảnh sát đã báo cáo, phần lớn dân chúng tuân thủ quy định nhưng nhiều người vẫn đang phớt lờ các hướng dẫn của chính quyền. Ismail Sabri hy vọng người dân sẽ thể hiện sự tuân thủ tốt hơn và kêu gọi người Malaysia đừng đặt câu hỏi về thẩm quyền của cảnh sát và quân nhân trong việc bảo vệ sự an toàn của quốc gia trong tình thế này.
Các ca lây nhiễm tăng vọt ở Đông Nam Á trong những tuần gần đây cũng buộc một số quốc gia phải đưa ra các biện pháp quyết liệt từ đóng cửa biên giới, ngừng nhập cảnh đối với người nước ngoài đến áp dụng hạn chế đi lại, đóng cửa trường học và hủy bỏ các sự kiện đông người. Giữa tuần qua, bà Poonam Khetrapal Singh - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế Thế giới cũng kêu gọi các quốc gia trong khu vực cần có các biện pháp quyết liệt và khẩn trương hơn vì hệ thống y tế yếu kém sẽ khiến các quốc gia Đông Nam Á khó mà đối phó với một đợt bùng phát lớn.
“Chúng ta cần phải ngay lập tức thúc đẩy mọi nỗ lực để ngăn chặn virus lây nhiễm cho nhiều người. Việc phát hiện một số ổ dịch lây nhiễm Covid-19 cho thấy hiệu quả trong giám sát, nhưng cũng cần phải huy động toàn xã hội tích cực hơn trong việc này. Rõ ràng cần phải làm nhiều hơn và khẩn trương hơn” - bà Poonam Khetrapal Singh nói.
“Chúng ta cần phải ngay lập tức thúc đẩy mọi nỗ lực để ngăn chặn virus lây nhiễm cho nhiều người. Việc phát hiện một số ổ dịch lây nhiễm Covid-19 cho thấy hiệu quả trong giám sát, nhưng cũng cần phải huy động toàn xã hội tích cực hơn trong việc này. Rõ ràng cần phải làm nhiều hơn và khẩn trương hơn”.
Bà Poonam Khetrapal Singh - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế Thế giới