Nguồn cung xăng dầu: Bộ Công Thương nói đủ, sao nhiều nơi thiếu?

Bộ Công Thương luôn khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng thực tế gần đây loạt cây xăng, đại lý lại rơi vào cảnh không có hàng để bán.

Trong báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 8/2022 vừa phát hành, Bộ Công Thương một lần nữa khẳng định nguồn cung xăng dầu ổn định, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế từ nay đến hết năm. Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu ngày 26/8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết nguồn cung của thế giới lẫn trong nước lúc này không thiếu và từ nay cho đến hết năm không bao giờ thiếu cung xăng dầu.

Tuy nhiên, thực tế những ngày qua, ở một số thời điểm có nhiều cửa hàng, đại lý không có xăng dầu để bán. Đoàn thanh tra của Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đi kiểm tra cũng ghi nhận nhiều nơi hết xăng dầu.

Điều hành giá xăng dầu đang có vấn đề

Nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng việc điều hành xăng dầu từ đầu năm đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, cơ quan điều hành cần linh hoạt, chủ động hơn để đảm bảo cung ứng, tránh việc tắc nguồn cung, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Nguồn cung xăng dầu: Bộ Công Thương nói đủ, sao nhiều nơi thiếu? - 1

Chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần điều hành linh hoạt, chủ động hơn để đảm bảo cung ứng xăng dầu. (Ảnh minh họa: Thu Nga)

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận vấn đề với thị trường xăng dầu hiện nay nằm ở cách quản lý, điều hành, trong có công thức tính giá chưa chuẩn. Ví dụ về chi phí vận chuyển, trước đây phí vận chuyển từ Singapore về Việt Nam khoảng 1 USD/thùng, nay lên gấp 2 – 3 lần song vẫn giữ định mức 1 USD/thùng là không ổn. Hay về tiêu chuẩn khí thải, Việt Nam điều hành giá với xăng dầu theo tiêu chuẩn khí thải Euro 3, trong khi thế giới áp dụng tiêu chuẩn Euro 5 (chênh lệch khoảng 7 – 8 USD/thùng). Như vậy doanh nghiệp nhập khẩu chịu chênh cao quá, nếu cơ quan điều hành không định giá lại thì không thể được.

Thứ nữa, thời gian giữa hai kỳ điều hành dài, trong khi giá thế giới biến động liên tục khiến doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn. Khi doanh nghiệp nhập khẩu giá cao, bán giá thấp do kỳ điều hành kéo dài vì trùng vào ngày nghỉ, không bám sát giá thế giới sẽ khiến doanh nghiệp nhập khẩu thua lỗ. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không muốn bán, kìm lại để tránh lỗ. Nhà nước muốn bắt họ bán cũng khó, bởi họ tìm mọi cách để tránh bị phát hiện, xử phạt.

Thứ ba, gần đây Bộ Công Thương rút giấy phép loạt doanh nghiệp đầu mối. Theo quy định, các cửa hàng nhượng quyền, bán lẻ chỉ được nhập hàng từ 1 nhà phân phối. Nên khi doanh nghiệp đầu mối bị tạm thu giấy phép, các đại lý, cửa hàng phía sau sẽ không có xăng dầu để bán. Việc xử phạt nhưng không tính toán các khả năng cung ứng nguồn hàng cho đại lý, cửa hàng bán lẻ khiến nhiều nơi bị cắt nguồn hàng, phải treo biển hết hàng.

“Nếu chỉ tính tổng lượng xăng dầu nhập khẩu, sản xuất với tổng lượng tiêu dùng thì cân bằng nhau, thậm chí còn dư. Bộ Công Thương dựa số liệu đó để nói nguồn cung đủ thì đúng là đủ rồi. Nhưng ở một số thời điểm nhất định, ở một số địa phương, một số đầu mối bị thiếu…”, chuyên gia nói.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng cho rằng thị trường xăng dầu trong nước đang có quá nhiều vấn đề. An ninh năng lượng của một quốc gia không thể lúc thiếu, lúc thừa, lúc găm hàng, lúc buôn lậu, lúc thiếu nguồn cung… rõ ràng quản lý vĩ mô cẫn xem lại.

HÒA BÌNH / VTC News