- Cơ hội và thách thức với báo chí trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo
- Triển lãm Computex 2025 tập trung vào chủ đề trí tuệ nhân tạo
- Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: Pháp muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tử Quảng - Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch UB AI và Đạo đức AI VINASA - tại hội thảo "Khai thác sức mạnh AI để phát triển đột phá".
Có thể tạo ra mô hình AI của người Việt
Phát biểu đầu phiên hội thảo "Khai thác sức mạnh AI để phát triển đột phá" tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 (Vietnam - Asia DX Summit 2025), được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức sáng 28/5, ông Nguyễn Tử Quảng khẳng định: "Việt Nam cần có doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nổi trội về AI tương tự như “hiện tượng” Deepseek. Chúng ta hoàn toàn có mô hình tương tự như Deepseek, có chat GPT của người Việt. Muốn thực hiện được điều đó, chúng ta cần có sự kết nối, có môi trường và nhân sự lớn làm việc về AI".
Phó Chủ tịch VINASA đưa ra dẫn chứng với việc xây dựng Gen AI cho Gemini của Google là hành trình 100 ngày của 50 người. Trong cuộc đua AI đó, cũng có sự đóng góp lớn từ trí tuệ người Việt Nam.
"Người Việt Nam cực kỳ giỏi trong việc xây dựng AI, đặc biệt là Gen AI là sự kết hợp giữa trực giác và toán học", ông Nguyễn Tử Quảng khẳng định.

Ông Nguyễn Tử Quảng - Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch UB AI và Đạo đức AI VINASA.
Tại phiên phát biểu về chủ đề "Hạ tầng dữ liệu và chính sách mở: Nền tảng cho AI phát triển", ông Quảng đưa ra những mô hình Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp ứng dụng vào AI để sử dụng hàng ngày. Theo đó, tại Singapore, nhà nước hỗ trợ 70%, doanh nghiệp trả 30%; Nhật Bản tỷ lệ là 50% nhà nước, còn chính phủ Thái Lan cũng có chính sách hỗ trợ lên đến 40%.
Việt Nam có 900.000 doanh nghiệp, đến năm 2030 dự đoán có 2 triệu doanh nghiệp, nếu chuyển đổi tốt, các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp thì trong tương lai gần con số này sẽ tăng lên 6 triệu.
"Ngày nay, tất cả ngành nghề Gen AI đều có thể ứng dụng. Chính vì thế, Nhà nước đầu tư một phần chi phí vào các doanh nghiệp. Ủy ban AI và Đạo đức AI VINASA đang tích cực vận động, đưa kiến nghị chính sách kích cầu vào luật, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi đó sẽ có thị trường để phát triển và nâng cao hiệu suất", ông Nguyễn Tử Quảng nhận định.
Để làm được mô hình ngôn ngữ lớn, thứ cần nhất là dữ liệu, thời gian qua đã có Trung tâm Dữ liệu Quốc gia đứng ra giải quyết vấn đề dữ liệu.
Ủy ban AI và Đạo đức AI VINASA cũng mong muốn Việt Nam cần sớm có bộ dữ liệu mở, để các công ty có thể cho AI học dữ liệu. Đặc biệt những mô hình AI trên thế giới vào Việt Nam phải học bộ dữ liệu này, để có thể trả lời được những thông tin liên quan đến các vấn đề về chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam, ông Quảng cho biết thêm.
Cần giải quyết vấn đề chất lượng nhân sự
Trong những năm gần đây, Trung Quốc nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) qua những bước đột phá trong công nghệ, chính sách hỗ trợ của nhà nước
Khi các ông lớn như Alibaba, Tencent, Baidu, Huawei hay ByteDance không ngừng đầu tư và tích hợp AI vào mọi mặt của đời sống, từ sản phẩm tiêu dùng đến dịch vụ công và chuyển đổi số, thì không ai có thể phủ nhận rằng quốc gia này đang định hình tương lai của công nghệ toàn cầu.
Với sự phát triển như vũ bão của Trung Quốc, ông Nguyễn Tử Quảng chia sẻ, "chúng ta cần học hỏi Trung Quốc, họ đã bỏ rất nhiều tiền và con người để xây dựng và nghiên cứu AI, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi, làm chủ công nghệ và xuất khẩu ra thế giới".
Nghị quyết 57 xác định rõ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực chính cho tăng trưởng. Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế số chiếm ít nhất 50% GDP, Việt Nam trở thành trung tâm AI và công nghệ số của khu vực. Chính vì thế, trong ngắn hạn khoảng 3 năm tới, Việt Nam cần có 100.000 nhân sự làm việc trong lĩnh vực AI.

Ông Nguyễn Quốc Cường - Kiến trúc sư giải pháp và chuyên gia AI.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Kiến trúc sư giải pháp và chuyên gia AI, Công ty Dynamic Software Solutions - cũng chỉ ra những hạn chế cần sớm khắc phục trong chất lượng đào tạo nhân sự phục vụ trong ngành.
"Khi thời đại về AI phát triển, các nội dung giáo dục về AI vẫn còn có những vấn đề,với một nhân sự mới ra trường việc đáp ứng thực tế vẫn còn khó. Trong một loạt đơn xin việc, để chọn ra được người làm việc hiệu quả không hề dễ.
Quá trình đào tạo mới chỉ hướng dẫn cách sử dụng AI, đó chỉ là phần “ngọn” và không biết rõ những khái niệm cơ bản", ông Nguyễn Quốc Cường khẳng định.
Tại một số doanh nghiệp, có những lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn, tuy nhiên ở dưới về mặt nhân sự vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
Ông Cường nhận định, trong một đơn vị, tổ chức việc sử dụng AI một cách hiệu quả cần có cả những người làm chuyên môn kết hợp với nhân sự làm chuyên biệt về AI. Trong mô hình dữ liệu lớn như Chat GPT, cần có người hỏi đúng, lấy được đúng dữ liệu mà những người không có chuyên môn không thể hỏi được. Trong môi trường doanh nghiệp sẽ cần có người thiết kế lại câu hỏi theo đúng ngôn ngữ chuyên ngành, để AI hiểu và lấy được đúng dữ liệu phục vụ doanh nghiệp.
https://vtcnews.vn/nguoi-viet-co-the-tao-ra-ai-tuong-tu-nhu-hien-tuong-deepseek-ar945728.html