- 10 điều cần biết về trà sữa trân châu
- Trà sữa trân châu ở Singapore ngọt gấp 3 lần nước ngọt
- Một ly trà sữa trân châu chứa 500 calo
- Bí mật đáng sợ giấu trong ly trà sữa trân châu
Indonesia, Thái Lan, Việt Nam đứng đầu danh sách các nước tiêu thụ trà sữa trân châu tại thị trường Đông Nam Á.
“Cơn sốt” trà sữa trân châu trên khắp Đông Nam Á đã mang về cho ngành thực phẩm này doanh thu khổng lồ lên tới 3,7 tỷ đô la Mỹ (khoảng 86.000 tỷ đồng)/năm, theo nghiên cứu mới được Momentum Works và startup thanh toán qlub công bố mới đây.
Báo cáo cũng cho thấy ngành trà sữa trân châu của Indonesia đứng đầu về quy mô thị trường trong số tất cả các quốc gia Đông Nam Á, với doanh thu hằng năm lên tới 1,6 tỷ USD (khoảng 37.400 tỷ đồng).
Đứng thứ 2 là Thái Lan với 749 triệu USD (17.500 tỷ đồng) thu về từ hơn 31.000 cửa hàng trà sữa và các kênh bán lẻ khác. Còn ở Việt Nam, theo thống kê, người Việt chi khoảng 362 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) để uống trà sữa trong một năm.
Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và đã đạt quy mô gần 300 triệu USD từ năm 2017. Khảo sát của một số công ty khác cũng đưa ra con số ấn tượng. Tại Việt Nam, trà sữa đang đứng thứ 2 về lượng người ưa chuộng sử dụng với 23% và hầu hết tập trung vào đối tượng là nữ giới (53%) và người trẻ từ 15 đến 22 tuổi (35%). Cả nước có khoảng 1.500 quán trà sữa với khoảng 100 thương hiệu đang cạnh tranh khốc liệt; con số này có xu hướng tăng nhanh do một loạt thương hiệu lớn vừa gia nhập thị trường.
Người Việt chi khoảng 362 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) để uống trà sữa trong một năm |
Theo giới kinh doanh, trà sữa du nhập Việt Nam từ năm 2002 với thành phần chính ban đầu chỉ là trà, sữa và trân châu đen nhưng thật sự phát triển mạnh từ năm 2012 do các thương hiệu trà sữa Đài Loan đưa mô hình kinh doanh dạng chuỗi với thiết kế hiện đại, quy mô lớn vào. Đặc biệt, thị trường trà sữa "bùng nổ" trong vài năm trở lại đây với hàng loạt chuỗi thương hiệu ngoại nhập lẫn trong nước. Thị trường Việt Nam hiện cũng có rất nhiều thương hiệu trà sữa thu hút người tiêu dùng, phải kể đến như Koi Thé, Gong Cha, The Alley, Ding Tea… Đối tượng tiêu dùng mặt hàng này cũng mở rộng từ tuổi teen đến trung niên, trong đó một bộ phận không nhỏ nhân viên văn phòng đã trở thành "tín đồ" trà sữa với tần suất đặt món ít nhất một lần mỗi tuần.
Singapore là quốc gia nhỏ nhất trong khu vực, đứng thứ 4 với doanh thu hàng năm là 342 triệu USD Người tiêu dùng Singapore cũng có sức mua mạnh nhất vì giá trung bình của một đơn hàng trà sữa ở nước này cao gấp gần 2 lần các quốc gia khác trong khu vực. Điều này khiến Singapore trở thành điểm đến tuyệt vời cho các thương hiệu trà sữa cao cấp, theo các nhà nghiên cứu. Hiện tại có hơn 60 thương hiệu trà sữa với mức giá và phục vụ thị hiếu khác nhau ở Singapore.
Mặc dù ngành trà sữa ở Đông Nam Á từ lâu đã bị thống trị bởi các thương hiệu nội địa hoặc thương hiệu Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng điều này có thể sẽ thay đổi khi một loạt các thương hiệu Trung Quốc đại lục bắt đầu tiến vào thị trường Đông Nam Á. Ông Sik Hoe Yong - Giám đốc điều hành của qlub cho biết, nhiều người trẻ ở Đông Nam Á muốn tự mở cửa hàng trà sữa. Mặc dù có tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng trà sữa vẫn là một ngành hàng khó cạnh tranh do các sản phẩm dễ sao chép và các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Theo báo cáo của thị trường trà sữa Trung Quốc trong những năm trở lại đây, món đồ uống này đã chứng kiến sự nở rộ mạnh mẽ ở các phân khúc từ bình dân cho đến cao cấp. Có những năm, doanh thu từ việc kinh doanh trà sữa đã giúp "con rồng châu Á" mang về khoảng 20 tỷ USD. Bên cạnh một số thương hiệu lâu đời được ưa chuộng như Gong Cha và Koi một số cái tên mới: Mixue, Heytea, Chagee... khiến thị trường này càng thêm khốc liệt.
Ông Sik Hoe Yong cho rằng, ngày càng nhiều người cũng có xu hướng chọn những món đồ khác để đảm bảo túi tiền của mình. Tuy nhiên ông Sik Hoe Yong nhận định tình yêu với trà sữa của người tiêu dùng châu Á sẽ không dễ thay đổi một sớm một chiều.
Theo Kantar WorldPanel – một đơn vị nghiên cứu thị trường cho biết, dù cà phê là loại thức uống được mua nhiều nhất nhưng trà mới là thức uống đóng góp nhiều doanh thu nhất trong năm 2021. Thống kê này dành cho các loại thức uống không có cồn khi tiêu dùng bên ngoài. Trong đó, cứ 100.000 đồng chi cho các thức uống từ trà thì có 40.000 đồng là dành cho trà sữa. Cụ thể, 42% người mua trà sữa pha chế (bao gồm trà sữa, trà phủ kem, hoặc sữa tươi trân châu đường đen) với trị giá trung bình đơn hàng mỗi lần mua khoảng 32.000 đồng.