Hơn 13.000 tấn củ dong riềng, nguyên liệu chính để sản xuất miến dong của nông dân Quảng Ninh, đang đứng trước nguy cơ đem đổ đi vì chưa có nơi tiêu thụ.
Người dân xã Đại Dực, huyện Tiên Yên xót xa nhìn ruộng dong riềng thối rữa từng ngày - Ảnh Lã Nghĩa Hiếu |
Đem cho lợn ăn
Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng người dân trồng dong riềng ở các xã vùng cao Đại Thành, Phong Dụ và Yên Than của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) những ngày này đang sống trong cảnh thấp thỏm lo âu. Nếu những năm trước, thời điểm này người dân thảnh thơi tận hưởng thành quả lao động và chờ đón vụ mới, thì năm nay, nhà nào cũng nhói lòng nhìn hàng trăm tấn củ rong thối rữa từ trong kho đến ngoài đồng.
Là xã trồng nhiều dong riềng nhất huyện, năm nay, người dân Phong Dụ trồng 60 ha, tăng 40 ha so với năm 2017. Thế nhưng, đến nay chẳng 1 củ dong nào vụ vừa rồi được bán ra cho các cơ sở sản xuất miến.
Chỉ tay về ruộng nhà mình, ông Nình Văn Sằn (thôn Kéo Cài, xã Đại Dực) buồn bã: “Năm nay nhà tôi có gần 1 ha trồng dong riềng, củ đã chín gần 2 tháng nay nhưng cứ để thối rữa ngoài đồng mà không có người hỏi mua”. Theo ông Sằn, số dong riềng của gia đình nay chỉ biết dùng để cho trâu bò hoặc nấu cám cho lợn nuôi của nhà và của người dân trong xóm ăn mà không biết làm cách nào.
Gia đình chị La Thị Lềnh (thôn Khe Lục, xã Đại Dực), cũng đang đứng trước cảnh trắng tay ở vụ này. “Năm ngoái, 3 sào dong riềng nhà tôi bán sạch trước tết gần 1 tháng. Đến năm nay đã quá kỳ thu hoạch rồi mà hơn 4 sào dong riềng giờ chỉ biết đào củ lên băm cho lợn ăn”, chị Lềnh mếu máo nói.
Không chỉ riêng người dân tại huyện Tiên Yên, người dân nhiều nơi ở huyện Bình Liêu cũng điêu đứng vì trồng dong riềng đến ngày thu hoạch mà không có người hỏi mua. Lý giải điều này, theo UBND huyện Tiên Yên cũng như huyện Bình Liêu, người dân lâu nay bị phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp thu làm nguyên liệu miến dong. Thế nhưng, do sản phẩm miến dong không bán được khiến việc thu mua nguyên liệu bị dừng lại. Ngay chính các doanh nghiệp này cũng đang “bội thực” củ dong vì chưa có đầu ra cho sản phẩm này.
Ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, cho biết để tiêu thụ hết số dong riềng trên địa bàn, dự kiến phải mất vài tháng nữa. Đấy là chưa kể đến chất lượng củ dong do để lâu ngày, giờ không còn đảm bảo tươi ngon như trước.
Trong khi đó, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu là đơn vị lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về sản xuất miến dong cũng đang tồn hơn 180 trăm tấn nguyên liệu, tương đương 3.000 tấn củ thô, trị giá khoảng 20 tỉ. Ông Nguyễn Xuân Bách, Phó giám đốc công ty này, cho biết đến nay đơn vị chưa thể nhận mua được hết số lượng củ dong của người dân huyện Bình Liêu chứ chưa nói đến của huyện Tiên Yên. Trong khi đó, số tiền thu mua củ dong của người dân từ các vụ năm 2017, 2018 vẫn còn chưa trả xong.
Tức tốc giải cứu
Trước tình hình khủng hoảng dong riềng như hiện nay, ngày 9.1, UBND tỉnh Quảng Ninh có chỉ đạo nóng để giải cứu cho người dân. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu UBDN các huyện Tiên Yên, Bình Liêu khẩn trương rà soát cụ thể diện tích, sản lượng củ dong đã đến thời kỳ thu hoạch, phối hợp với Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu để triển khai ngay việc thu mua phục vụ chế biến miến dong của công ty.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh, cho biết đơn vị này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa sản phẩm miến dong tới các hội chợ, các siêu thị trong và ngoài tỉnh dịp Tết Nguyên đán này. Cùng với đó, Sở Công thương đã gửi văn bản đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ tiêu thụ miến dong Bình Liêu.
Cũng trong nhiều ngày qua, ông Trương Công Ngàn, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, đã viết thư ngỏ gửi đến người dân, doanh nghiệp chung tay mua sản phẩm miến dong giúp dân. Tuy nhiên, theo ông Ngàn, đây không phải là biện pháp căn cơ, mà về lâu dài, địa phương này cần phải lập quy hoạch, thực hiện việc trồng nông sản đúng nhu cầu cầu thực tiễn, tránh bài học như năm nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Ái Phật, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết: “Trước mắt chúng tôi làm việc với Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu để nhờ đơn vị thu mua giúp người dân. Mặt khác, trong tuần tới huyện sẽ tổ chức các hội nghị xúc tiến việc tìm đầu ra cho sản phẩm miến dong, cũng như một số nông sản khác”.
Cũng theo ông Phật, về lâu dài, địa phương này sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất miến quy mô lớn để đứng ra chuyên thu mua nguyên liệu cho người dân trên địa bàn, tránh tình trạng lệ thuộc như hiện nay.
Cận Tết, nông dân Cà Mau khóc trên ruộng dưa hấu bị chìm trong nước
Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, Cà Mau đã có mưa lớn nhiều ngày qua, cộng với triều cường dâng cao, khiến vụ ... |