"Người quản gia" giỏi của giàn Sư Tử Vàng - CPP

Anh Nguyễn Văn Phú - Chuyên viên An toàn - Sức khỏe - Môi trường, Tổ trưởng Tổ Công đoàn của giàn Công nghệ trung tâm Sư Tử Vàng - CPP được Giàn trưởng và nhiều anh em quý mến gọi là “người quản gia” giỏi của giàn.

1. Giàn Công nghệ trung tâm Sư Tử Vàng - CPP (STV-CPP) được chế tạo ở đảo Batam, Indonesia. Năm 2008, giàn được kéo từ đất nước vạn đảo về lắp đặt ở cụm mỏ Sư Tử Vàng. Khi đó, giàn vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Anh Nguyễn Văn Phú là một trong những người đầu tiên đặt chân lên giàn. Cũng chính nhờ làm việc từ ngày đầu nên anh Phú có cơ hội cùng lãnh đạo lúc bấy giờ thiết lập văn hóa về An toàn - Sức khỏe - Môi trường (AT-SK-MT) trên giàn. Và từ khởi đầu đó, trong những năm tháng về sau này, anh Phú cùng anh em tiếp tục đóng góp xây dựng nên nét văn hóa đặc trưng của STV-CPP như hôm nay, nơi được đánh giá là có văn hóa AT-SK-MT vào hàng tốt nhất tại Việt Nam.

Công tác an toàn tốt như thế nào thì thành tích về các mốc thời gian an toàn của giàn là thể hiện rõ nhất. 15 năm qua, giàn gần như bảo đảm hoạt động an toàn tuyệt đối, không xảy ra tai nạn làm mất ngày công lao động nào. Cách đây khoảng 4 năm, giàn có xảy ra 1-2 trường hợp tai nạn nhẹ, tuy không ảnh hưởng đến hoạt động của giàn nhưng đáng tiếc là thành tích an toàn 10 năm liên tục của giàn bị “reset”.

Anh Nguyễn Văn Phú - Chuyên viên AT-SK-MT, Tổ trưởng Tổ Công đoàn của giàn STV-CPP

Để đạt được an toàn 15 năm qua, người có công đầu tiên phải kể đến là anh Phú. Không chỉ là người giàu tâm huyết, nhiều kinh nghiệm mà quan trọng hơn cả, anh là người có phương pháp truyền đạt về công tác an toàn rất đặc biệt. Sự đặc biệt đó người ta có thể cảm nhận được ngay khi mới vừa đặt chân lên giàn.

Khác với những nơi khác, ở STV-CPP, không riêng gì với khách vãng lai mà kể cả CBCNV làm việc trên giàn đều bắt buộc phải tập trung tại phòng An toàn để được hướng dẫn công tác an toàn. Tất nhiên, mỗi đối tượng sẽ có nội dung truyền đạt khác nhau. Đối với chúng tôi thì anh Phú sẽ có “bài” riêng. Sau khi giới thiệu qua một loạt thông tin chung về an toàn trên giàn thì đến phần kiểm tra nhanh từng người với những câu hỏi trực tiếp để chắc rằng chúng tôi đã nắm được các quy tắc an toàn cơ bản...

Đối với CBCNV của giàn, anh Phú sẽ thông tin về những vấn đề an toàn phát sinh cũng như những lưu ý về công tác an toàn trong khoảng thời gian anh em nghỉ ca ở đất liền để mọi người nắm rõ. Rồi mỗi tuần, anh Phú tổ chức một buổi họp chung cho toàn giàn để trao đổi, thông tin về những vấn đề nổi trội trong tuần mà anh quan sát, ghi nhận cũng như tổng hợp được qua hệ thống “stop card”. Rất nhiều vấn đề được đưa ra trong cuộc họp, qua đó để nhắc nhở cũng như cùng mọi người thảo luận nhằm tìm ra giải pháp nhằm đảm bảo công tác AT-SK-MT trên giàn. Những lưu ý quan trọng không chỉ nhắc một lần trong cuộc họp mà còn được anh Phú nhắc đi nhắc lại hằng ngày sau đó ở mọi lúc, mọi nơi có thể để mọi người ghi nhớ…

Anh Phú cùng Giàn trưởng Phạm Vũ Thắng và CBCNV trên giàn STV-CPP

Anh Phú cũng đưa ra một quy tắc rất hay để quán triệt anh em trên giàn, đó là quy tắc “lùi một bước”. Cụ thể là trước khi bắt tay vào mỗi đầu việc, anh đề nghị mọi người cần lùi lại để kiểm tra an toàn. Việc này sẽ giúp anh em nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro và từ đó đưa ra được phương pháp để quản lý mối nguy đó. “Khi đó anh em mới thực hiện công việc một cách an toàn và hiệu quả được. Còn khi được phân công công việc, dù đơn giản mà mọi người cứ lao vào làm thì sẽ rất dễ dẫn đến sự cố, nếu không thì do anh em may mắn. Nhưng với an toàn, chúng ta không thể nói là may mắn mãi được, do đó, chúng ta phải có kế hoạch” - anh Phú giải thích với chúng tôi về quy tắc “lùi một bước” như vậy!

2. Ở STV-CPP, công tác AT-SK-MT không đơn giản chỉ là những quy tắc, quy định khô cứng mà trở thành một nét văn hóa đặc trưng. Anh Nguyễn Văn Phú là người đã khéo léo thổi hồn vào những quy tắc, quy định đó bằng cả cái tâm và sự nhiệt tình của mình với công việc.

Khi vừa đặt chân lên giàn, người ta đã có thể cảm nhận ngay về một môi trường làm việc vui vẻ, thân thiện qua cách tiếp cận và hướng dẫn an toàn của anh Phú. Anh nhiệt tình, cởi mở và cũng khá hài hước. Những thông tin an toàn được anh sâu chuỗi, chắt lọc rất tỉ mỉ từ nhiều nguồn và được truyền đạt bằng cách rất sinh động, dễ nhớ bằng hình ảnh và giọng điệu hóm hĩnh. Thú thật, đây là điều mà chúng tôi ít gặp trong những giờ học an toàn trước đây.

Giàn trưởng Phạm Vũ Thắng kiểm tra an toàn trên giàn STV-CPP

Anh Phú và anh em trên giàn đã hết lòng hỗ trợ chúng tôi trong qua trình tác nghiệp. Không chỉ là đi cùng hướng dẫn an toàn mà các anh còn có cả “ekip” hỗ trợ chúng tôi mang thiết bị ghi hình, anh Phú thậm chí còn hỗ trợ cả phần... đạo diễn. Sự nhiệt tình đó khiến người ta cảm giác gần gũi, thân thiết với nơi đây dù chỉ mới đặt chân đến. Sự chân thành đó cũng là nhất quán đối với tất cả mọi người. Dù bạn là người của Cửu Long JOC hay của nhà thầu, khách; dù bạn đến làm việc lâu dài hay thời vụ thì văn hóa đó được thể hiện xuyên suốt!

Ngoài ra, có một nét văn hóa rất hay nữa đang được duy trì trên giàn đó là văn hóa không đổ lỗi. Một người nào đó có thể bất cẩn, làm mất an toàn tất nhiên sẽ được nhắc nhở để rút kinh nghiệm nhưng tuyệt đối không có văn hóa chê bai hay miệt thị cá nhân. Mọi người vui vẻ, cởi mở khi người khác quan sát và nhắc nhở mình và ngược lại cũng phải vậy. Bởi suy cho cùng, không ai muốn sự cố xảy ra, ai cũng mong muốn làm việc hiệu quả, an toàn rồi về với gia đình.

Chính vì thế mà trường hợp tai nạn trên giàn mấy năm trước khiến thành tích 10 năm an toàn của giàn bị “reset” vẫn đang vui vẻ làm việc trên giàn. Anh Phú nói, cách cư xử của anh em ở đây khiến người ta không cảm giác mình là một “tội đồ”, thay vào đó là như anh em trong gia đình, hết lòng bảo ban nhau! Tất nhiên không phải lúc nào cũng được lý tưởng như vậy, vẫn có một vài mâu thuẫn nhỏ xảy ra, đó là tất yếu. Và anh Phú là người đứng ra hòa giải êm thắm ngay sau đó...

Chào cờ trên giàn STV-CPP

3. Tranh thủ tâm sự với chúng tôi ngay phòng ăn sau bữa cơm chiều muộn, anh Phú nói, tính ra thì phân nửa đời sống của anh em là dành cho giàn nên đây như ngôi nhà thứ hai của mọi người vậy. Vì thế anh luôn nỗ lực làm cầu nối xây dựng sự đoàn đoàn kết, gắn bó của anh em với nhau ngoài công tác AT-SK-MT. Anh làm điều này không phải vì muốn chúng tỏ với cấp trên, anh chỉ làm công tác công đoàn trên giàn cốt là để chăm lo, hỗ trợ cho anh em nơi đây. Bởi anh được mọi người xem như là người anh cả trong ngôi nhà này. Còn bản thân anh thì thương anh em như anh em của mình vậy!

5 năm trên giàn này, anh Phú đủ thời gian để quan sát, cảm nhận và chứng kiến những thăng trầm diễn ra. Anh thấu hiểu rõ những khó khăn, vất vả và những thiệt thòi của anh em xa nhà. Như trường hợp có một anh mới đổi ca ra giàn làm việc hôm thứ Sáu thì thứ Bảy hay tin ba đột ngột qua đời. Mà suốt ngày đó và Chủ nhật hôm sau đều không có chuyến bay nào về đất liền. Anh buộc phải đợi đến thứ Hai, cũng là chuyến bay của chúng tôi ra giàn thì mới được về chịu tang ba. Đường về nhà lại quá xa, nghe đâu anh chỉ về kịp lúc chuẩn bị động quan...!

Hay trường hợp ốm đau đột xuất trên giàn cũng vậy, cũng chỉ có anh em ở đây chứ không có gia đình, người thân chăm sóc như ở nhà… Chính vì những lẽ đó mà anh Phú luôn đau đáu về việc làm sao để tập thể anh em đoàn kết gắn bó, chia sẻ lẫn nhau. Anh nói cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc vì những gì anh đã làm và cống hiến bằng cả tấm lòng suốt thời gian qua được anh em nhìn nhận, trân trọng nên các kế hoạch cho tập thể mà anh đưa ra đều được đồng tình ủng hộ... Điều đó góp phần tạo nên một tập thể vững mạnh trên giàn STV-CPP hôm nay.

Giàn STV-CPP

Người ta nói, người dầu khí làm việc ngoài biển khá bình lặng trong cuộc sống vì họ đã loại đi những tác động của đời sống bình thường. Ngoài thời gian ở biển, thời gian còn lại họ dành hết cho gia đình. Anh Phú cũng không ngoại lệ. Nhiều khi cuộc sống làm anh mệt mỏi. Nhưng khi bước chân lên giàn, bắt tay vào công việc là mọi thứ muộn phiền ở lại phía sau lưng… Sau đợt Covid-19, anh đã định sẽ nghỉ hưu trước tuổi bởi anh thấy cuộc sống vô thường, mong manh quá. Anh muốn dành nhiều thời gian hơn cho người thân, gia đình mình. Nhưng nghỉ đến cảnh xa giàn, xa anh em trên đó, anh lại quyết định tiếp tục cống hiến thêm một thời gian nữa.

Hỏi anh mong muốn điều gì nhất trong thời gian tới? Người “quản gia” của STV-CPP trả lời ngay, đó là làm sao bảo đảm hài hòa hai yêu tố sản xuất và an toàn, đồng thời anh em thêm đoàn kết và phát triển. Còn bản thân anh, được nhìn anh em làm việc an toàn, hiệu quả, đến giàn lành lặn và về nhà khỏe mạnh đã là những ngày an vui nhất!

http://www.pvep.com.vn/tin-pvep-91/nguoi-quan-gia--gioi-cua-gian-su-tu-vang--cpp-3712.html

PV / Cổng thông tin điện tử PVEP