Một thập kỷ trước, Liên minh châu Âu (EU) oằn mình dưới gánh nặng của cơn khủng hoảng mang tên "người nhập cư trái phép". Hơn mười năm sau, dường như, với những biến động địa chính trị dữ dội cộng hưởng cùng các tác động tiêu cực về môi trường đang diễn ra, bóng đen ấy sẵn sàng trở lại, uy hiếp sự ổn định trong cơ cấu kinh tế - xã hội, đầu tiên là tại các quốc gia duyên hải Nam Âu.
Kỷ lục đáng sợ
Ngày 3/1/2024, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha công bố: Số người di cư bất hợp pháp tới quốc gia này đã tăng tới 80%.
Cụ thể, trong năm 2023, đã có 56.852 người di cư bất hợp pháp tới Tây Ban Nha, tăng 82,1% so với một năm trước đó và gần bằng mức 64.298 người của năm 2018. Trong số này, 39.910 người di cư đã vượt biển tới quần đảo Canary (gồm 7 hòn đảo nằm trên Đại Tây Dương) trên những con thuyền gỗ chật chội và thiếu an toàn, từ điểm xuất phát là bờ biển châu Phi. Đáng chú ý, con số này đã tăng tới 154,5% so với năm 2022 và vượt mốc kỷ lục ghi nhận năm 2006.
Điều đáng sợ, như Tổ chức phi chính phủ Caminando Fronteras của Tây Ban Nha cho biết là việc số nạn nhân mất tích hay thiệt mạng trên đường tới quần đảo Canary có thể đã lên đến hơn 7.800 người trong giai đoạn 2018-2022. Có thời điểm quần đảo này phải vật lộn để giải quyết hơn 4.000 trẻ em di cư không có người lớn đi cùng. Giới chức địa phương đã liên tục kêu gọi sự trợ giúp của Chính phủ Tây Ban Nha cũng như Liên minh châu Âu (EU), khi sự gia tăng đột biến dòng người nhập cư trái phép gây sức ép nặng nề lên mọi nguồn lực.
Bởi vậy, câu chuyện chưa hồi kết về những đoàn người di cư/nhập cư bất hợp pháp đang trở thành điểm nóng hàng đầu trong chương trình nghị sự tại chính trường Tây Ban Nha. Bên cạnh họ, Italy và Hy Lạp - những đất nước có vị trí địa lý "tiền tiêu" trên Địa Trung Hải, gần với châu Phi và Trung Đông nhất - cũng đang phải vật lộn với những đợt "sóng dữ" ấy.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn đang bị trùm phủ bởi những đám mây đen suy thoái, mọi nghĩa vụ nhân đạo (nói ngắn gọn là lo miếng ăn chốn ở cho hàng chục nghìn người nhập cư bất hợp pháp) đều trở nên nặng nề gấp bội. Đó là chưa kể, cũng tương tự như 10 năm trước, các vấn đề về xáo trộn xã hội, tội phạm gia tăng, kỳ thị chủng tộc hay nguy cơ khủng bố/bạo lực khiến bất cứ nhà chức trách nào cũng phải đau đầu.
Vô hình trung, Tây Ban Nha cùng Italy và Hy Lạp đều phải tự nâng cao năng lực quản lý biên giới, cũng như công tác sàng lọc hàng núi hồ sơ di cư với những nguồn lực tương đối eo hẹp. Đó cũng là lý do để ngày 2/1, sau chuyến thị sát tình hình tại quần đảo Canary, Bộ trưởng Di cư Tây Ban Nha Elma Saiz thông báo chính phủ đang xây dựng bộ luật nhằm phân bổ lượng trẻ vị thành niên di cư bất hợp pháp trên khắp đất nước. Cuối tháng trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hoan nghênh thỏa thuận cải cách chính sách về người di cư và xin tị nạn của EU, như một sự hỗ trợ thiết yếu và cực kỳ quan trọng đối với Tây Ban Nha.
Xét cho cùng, các nước duyên hải Nam Âu không thể đủ khả năng tự mình giải quyết những vấn đề hóc búa xoay quanh những dòng người di cư. Và, nếu những lớp tường rào ấy đổ xuống, chắc chắn EU cũng không thể yên bình.
Bài toán chưa lời giải
Nhìn rộng ra và nhìn xuyên suốt hơn mười năm qua, người di cư/nhập cư trái phép vẫn luôn là một "nan đề" đối với toàn thể EU khi hằng năm vẫn luôn có hàng triệu người sẵn sàng bỏ lại tất cả sau lưng, chấp nhận dấn thân vào nguy hiểm, vượt biển lớn để tìm đường vào châu Âu.
Không chỉ còn thuần túy là bởi chạy trốn chiến sự, như sau khi làn sóng "Mùa xuân Arab" quét qua cả dải Bắc Phi - Trung Đông, để trở thành tiền đề cho sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, kéo theo hàng loạt sự bùng nổ của những vùng chiến sự. Hiện tại, do sự suy thoái của môi trường theo đà biến đổi khí hậu, dẫn đến những nguy cơ mất an ninh lương thực (và cả mất an toàn nguồn nước sạch), kèm theo tình trạng hố ngăn cách giàu nghèo giữa các khu vực mỗi lúc một trở nên mênh mông, những đoàn người cứ lũ lượt kéo nhau ra đi để tìm đường sống, nhưng cũng đầy ắp khát vọng đổi đời. Chế độ phúc lợi xã hội cao cũng như các cơ hội rộng mở ở châu Âu (tương tự như ở Mỹ, đối với những đoàn người di cư từ Mỹ Latin) trở thành đích đến trong mơ, mà không ít gia đình sẵn sàng mạo hiểm đánh đổi tất cả để đặt cược. Khi chấp nhận con đường vô định ấy, cũng đã có khá nhiều người trong số họ rơi vào cạm bẫy của những tổ chức tội phạm, tiêu biểu như hình thái tội phạm buôn người.
Cho đến tận tháng 10/2023, các nước thành viên EU mới đạt được thỏa thuận về vấn đề người di cư và tị nạn (nghĩa là nhất trí về một thỏa thuận giải quyết tình trạng khủng hoảng và những tình huống bất khả kháng liên quan đến vấn đề người di cư và tị nạn). Trước đó, câu chuyện về san sẻ trách nhiệm này thậm chí đã khiến EU trở nên chia rẽ, với những quốc gia sẵn sàng đơn phương đóng chặt cửa biên giới, từ chối tiếp nhận người di cư đến từ châu Phi hay Trung Đông. Tây Ban Nha, trên cương vị Chủ tịch luân phiên của EU năm 2023, cũng đã phải tốn rất nhiều công sức thương thảo và tác động, mới có thể đạt được thỏa thuận phân bổ hạn ngạch.
Hiệp định về di cư và tị nạn đó được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đối với các quốc gia ở tuyến đầu như Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp, bằng cách chuyển một số người tị nạn sang các quốc gia EU khác. Tuy nhiên, điểm thỏa hiệp nằm ở việc EU cũng cho phép các nước không tiếp nhận người tị nạn, người di cư nếu không muốn, mà thay vào đó sẽ hỗ trợ nhân sự, tài chính và trang thiết bị cho những nước tiếp nhận. Đồng thời, EU cũng sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt đơn xin tị nạn để người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn phải hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển; kéo dài thời gian tối đa lưu giữ người di cư tại các trung tâm ở cửa khẩu so với mức 12 tuần cũ.
Vấn đề là, trên thực tế, thỏa thuận này cũng chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi của một số quốc gia nằm sâu trong lục địa, như Hungary hay Ba Lan, chưa kể đến Czech, Slovakia hay Áo. Đây đều là những đất nước vốn đã phải chịu đựng những hệ lụy nặng nề từ xung đột vũ trang mang tên chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga tại miền Đông Ukraine, và những nguồn lực của họ cũng đã bị tổn hại nặng nề. Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng mô tả: Việc bắt buộc các quốc gia thành viên EU phải tiếp nhận một phần người di cư hoặc phải trả tiền là "hành động cưỡng bức (một cách) hợp pháp".
Một cách ngắn gọn, vấn đề di cư đã là ưu tiên hàng đầu của tất cả các chính sách an ninh châu Âu trong hơn một thập niên qua, nhưng không thể được áp dụng do tầm nhìn khác nhau của các quốc gia trong việc kiểm soát tình trạng này. Kể cả khi châu Âu đang trở nên thiếu sức sống với sự già đi của mặt bằng chung dân số, cũng như sự suy giảm tỷ lệ sinh, không phải người dân cựu lục địa nào cũng sẵn lòng ủng hộ chính phủ của mình mở cửa cho những con người xa lạ.
Không chỉ Tây Ban Nha, mà đến cả nước Đức - nền kinh tế hàng đầu, "trái tim của châu Âu" - cũng đã chạm đến giới hạn tiếp nhận người di cư/nhập cư, dưới rất nhiều áp lực đa diện. Và, để Tây Ban Nha, Italy hay Hy Lạp được "nhẹ gánh" một chút, EU vẫn cần ý chí, nguồn lực và một chính sách đối ngoại chung - những yếu tố thật sự vẫn còn quá xa vời trong hiện tại, khi bị giằng xé bởi lợi ích riêng.
Cuối cùng, có lẽ cũng cần nhắc lại, rằng mọi nỗ lực tiếp đón, hỗ trợ, phân loại và xét duyệt hồ sơ cho người di cư/nhập cư bất hợp pháp tại bờ biển phía Nam châu Âu đều chỉ là những giải pháp ở phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề luôn nằm ngay tại lý do mà những dòng người ấy lên đường tha hương. Nếu tại quê hương của họ không có chiến tranh, không có xung đột, không có bất ổn, không có nghèo đói... và ngược lại, được giúp đỡ (về cả khoa học, công nghệ lẫn nền tảng tài chính cũng như kỹ năng quản trị) để kiến tạo những cơ hội phát triển bền vững, chống chọi và thích ứng với các thách thức toàn cầu, thì có lẽ, đã không có nhiều đoàn thuyền vượt Địa Trung Hải dưới bóng tử thần rình rập như thế.
https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/nguoi-nhap-cu-trai-phep-o-chau-au-bong-den-tro-lai-i719731/