Lãnh đạo UBND quận Bình Tân, TP.HCM khẳng định không có chuyện thuê “xã hội đen” hay móc nối với người khác để đe dọa tài xế khi tài xế phản ứng tại Trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc.
"Người lạ" tại BOT An Sương - An Lạc
Mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một số tài xế xe tải xô xát với người mặc sắc phục công an. Trong đoạn clip còn xuất hiện một thanh niên lạ mặt, mình xăm trổ đe dọa các tài xế khi họ đang phản ứng việc thu phí tại BOT An Sương - An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM.
Sự việc trên được cho là diễn ra ngay trước mặt cơ quan chức năng đang làm nhiệm vụ ở trạm thu phí này nhưng không có ai can thiệp.
Nhiều người đặt câu hỏi nam thanh niên xăm trổ trên là ai và có mối quan hệ gì với cơ quan chức năng không?
Nam thanh niên xăm trổ xuất hiện đe dọa tài xế tại BOT An Sương - An Lạc. (Ảnh từ clip).
Ngày 10/12, trả lời VTC News, ông Đỗ Đình Thiện – Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân (TP.HCM) khẳng định không có chuyện ai đó thuê "xã hội đen" hay móc nối với một số người khác để đe dọa tài xế trong sự việc tài xế tập trung phản ứng việc thu phí quá tại Trạm thu phí An Sương – An Lạc.
“UBND quận cũng không chỉ đạo lực lượng công an quận, công an phường và lực lượng dân quân tự vệ có những xung đột với người dân, tài xế. Quận yêu cầu lực lượng chức năng giải quyết theo tinh thần thượng tôn pháp luật, tránh những va chạm hoặc xung đột không cần thiết. Qua kiểm tra, xác minh, không có cán bộ, công chức viên chức nào có hành vi xung đột với các tài xế, người dân khi làm nhiệm vụ bảo vệ tại BOT An Sương – An Lạc”, ông Thiện nói.
Lực lượng chức năng gồm công an, dân phòng có mặt tại BOT An Sương - An Lạc vào ngày 7/12/2018. (Ảnh từ clip)
Ngoài ra, vị Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng lý giải rằng các quy chụp trên mạng xã hội cho rằng cơ quan chức năng thuê "xã hội đen", giang hồ dùng xe đâm phía xe hơi của người phản đối thu phí để đe dọa là không có cơ sở.
“Qua kiểm tra thông tin và báo cáo của Công an quận Bình Tân thì việc thuê xã hội đen là không có cơ sở. Có thể có sự va chạm giữa người lái xe với nhau, một lúc nào đó, một người nào đó gây ra sự hiểu nhầm trên”, vị lãnh đạo UBND quận Bình Tân nói.
Ông Thiện cho biết thêm, khi nắm thông tin có nhiều tài xế tập trung phản ứng việc thu phí, gây ách tắc giao thông thì quận đã điều động lực lượng xuống hiện trường để đảm bảo an ninh trật tự. Sau đó, chủ đầu tư BOT đã xả trạm để tránh gây ùn tắc giao thông. Và đến thời điểm này BOT An Sương – An Lạc đã ổn định trở lại.
Tuy nhiên, theo ông Thiện thì hiện lực lượng chức năng vẫn luôn thường xuyên có mặt tại hiện trường, để phối hợp với công ty giải tán đám đông, giải thích, tuyên truyền cho tài xế hiểu và không bị kẻ xấu lợi dụng tình hình để gây rối, kích động.
Tài xế nói thu quá hạn, chủ đầu tư nói thu đúng
Trước đó, VTC News có loạt bài phản ánh việc nhóm tài xế tập trung phản đối tại trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc vào tối 3/12. Các tài xế lấy lý do tập trung phản đối là vì BOT này thu phí quá hạn 31 tháng.
Thông tin thêm về việc này, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (chủ đầu tư dự án BOT An Sương - An Lạc) cho biết, khoảng 17 - 18h ngày 3/12, có nhiều tài xế lái xe chạy vào các làn thu phí và tỏ thái độ không đồng ý mua vé qua trạm. Các tài xế cho rằng BOT An Sương - An Lạc đã quá hạn thu phí 31 tháng.
Trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc. (Ảnh: Song Ngư)
Chủ đầu tư BOT An Sương – An Lạc cho rằng do tài xế hiểu nhầm về toàn bộ dự án BOT An Sương – An Lạc.
Theo ông Nguyễn Hồng Ninh – Giám đốc Công ty IDICO-IDI, dự án BOT đầu tư quốc lộ 1A đoạn An Sương đến An Lạc được Thủ tướng chấp thuận tại Công văn số 392/CP-CN ngày 25/4/2000 và được điều chỉnh, bổ sung theo Quyết định số 3536/BGTVT-KHĐT ngày 24/11/2003 của Bộ Giao thông Vận tải.
Dự án bao gồm cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương đến An Lạc dài gần 14 km, mở rộng 6 nút giao đồng mức và xây dựng 6 cầu mới trên toàn tuyến với tổng mức đầu tư hơn 831,6 tỷ đồng.
Công trình chính thức được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2004 và bắt đầu thu phí từ 2/1/2015 đến 31/1/2017. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến áp lực gia tăng lưu lượng giao thông trên toàn tuyến quá lớn.
Thực hiện chương trình kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông nên trước khi kết thúc việc thu phí giai đoạn này, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục đầu tư bổ sung vào hợp đồng BOT các hạng mục.
Cụ thể, đầu tư bổ sung lần 1 công trình cầu vượt tại nút giao Tỉnh lộ 10/Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 10B/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 704,5 tỷ đồng, thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng từ 30/8/2013.
Đầu tư bổ sung lần 2 công trình cầu vượt tại nút giao Hương lộ 2/Tây Lân/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 407 tỷ đồng, đã được đưa vào sử dụng từ 31/12/2014.
Đầu tư bổ sung lần 3 công trình cầu vượt tại nút giao Lê Trọng Tấn/Nguyễn Thị Tú/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 511,5 tỷ đồng và đã đưa vào sử dụng từ 17/5/2017.
Tổng mức đã đầu tư đến nay là hơn 2.454 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư các hạng mục bổ sung nêu trên theo hợp đồng kéo dài từ 1/2/2017 đến 31/1/2033.
Trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc: Bất ngờ với 4 cây cầu
Việc xây 4 cây cầu để tăng thêm 16 năm thu phí ở trạm BOT An Sương - An Lạc là thuộc thành phần của ... |
BOT An Sương - An Lạc: Không đi vẫn phải trả tiền?
Đầu tư giai đoạn 2 của chủ đầu tư BOT An Sương - An Lạc dẫn đến tình trạng nhiều xe không đi vẫn phải ... |
Có thể rút ngắn thời gian thu phí trạm BOT An Sương - An Lạc
“Trạm BOT An Sương-An Lạc, dự kiến thu phí từ 1/2017 đến 1/2033, tuy nhiên, căn cứ doanh thu Sở GTVT TP sẽ điều chỉnh ... |
BOT An Sương - An Lạc xả trạm, tài xế vẫn tập trung phản đối trong đêm
Đến 21h, trạm BOT An Sương - An Lạc (TP.HCM) đã xả trạm nhưng các tài xế vẫn tiếp tục vây quanh để phản đối ... |