Bàn về Hà Nội, thế nào là một người Hà Nội gốc cũng là để bàn về việc mỗi người đã có văn hóa làm người chưa?
Bấy lâu nay người ta hay nói đến cụm từ "người Hà Nội gốc", không ít người cũng tự nhận mình gốc Hà Nội và lấy làm hãnh diện về điều đó. Cách đây 30 năm, hồi tôi đang ở Sophia, nhiều người Việt khi được người Bulgaria hỏi cũng nhận "là người Hà Nội". Trong khi tôi biết chắc chắn họ ở nhiều tỉnh khác như: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định, Đà Nẵng, Sài Gòn...
Không thích nhắc về Hà Nội
Tôi nghĩ, như vậy, nhiều người coi Hà Nội là niềm tự hào. Một phần, có thể bởi người nước ngoài thường chỉ biết đến tên thủ đô của một nước nên mọi người nhận thế cho tiện, cho gọn, và dễ nói. Phần khác, nhiều hơn, là phong thái người Hà Nội cách đây mấy chục năm có khác biệt, có đáng yêu và nhận là người Hà Nội nghĩa là nhận một nét hay mà mình mong muốn...
Nhưng bây giờ, gặp lại nhau hàn huyên, nói chuyện về chuyện xưa ngày cũ, nhắc về Hà Nội, họ đều... không thích.
Không chỉ không muốn nhận là người Hà Nội, nhiều người còn lên án Hà Nội từ trật tự đô thị đến phong cách sống, từ lời nói việc làm đến nhân cách con người.
Dĩ nhiên là chúng tôi thân nhau câu chuyện mới được nói ra một cách chân thật, rõ ràng. Họ nhận xét rằng: Hà Nội được thiên nhiên ưu ái rất nhiều, khí hậu bốn mùa rõ rệt, đó là điệu kiện tốt sự hài hòa của vạn vật và con người trong chu kỳ tiến hóa. Điều đó được các bậc tiền bối lấy làm tâm điểm để xây dựng đời sống cho một thủ đô và duy trì nó cho đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước.
Lúc đó Hà Nội dân số cộng cả các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức mới chỉ chưa đầy 2,5 triệu người. Chưa đông dân, chưa có nhiều phương tiện giao thông, chưa có các tiện nghi hiện đại và cuộc cách mạng triệt để về chỗ ở. Người Hà Nội ngày đó với nhịp sống chậm, con người có thể tự ngắm mình để biết mình có còn hào hoa, thanh nhã, lịch lãm và tự trọng hay không .
Bây giờ khác. Hà Nội bây giờ về "hạ tầng cơ sở lẫn thượng tầng kiến trúc" đều khác. Kém đi cũng có, tốt hơn cũng có, cái cần nhiều lên có khi chưa nhiều, cái cần giảm bớt có khi không giảm bớt, và thế là nó làm biến thái Hà Nội.
Hà Nội như chúng ta đang thấy: Khu trung tâm thì quá đông, nhà cửa cái đẹp đẽ khang trang lịch sự liền kề ngay với cái lươm tươm nhếch nhác. Đường phố đó đây chỗ nào, lúc nào cũng nham nhở như một công trường.
Một ngõ phố Hà Nội. Ảnh": Lê Anh Dũng
Tiếng ồn của máy xây dựng, của loa truyền thanh công cộng, của xe máy, của ô tô, của các đài đĩa từ cửa hàng thời trang đến tiệm bán đồ ăn, gây ra một không khí náo nhiệt... khủng khiếp. Mọi phản ánh của những người nhạy cảm về điều đó hầu như khó được lắng nghe, và không biến chuyển. Cái đó tạo ra ẩn ức tâm lý.
Cứ thử hỏi các chuyên gia tâm lý đi: Mỗi buổi sáng, buổi chiều đi làm về bị tắc đường con người sẽ hành động như thế nào? Trong lúc tắc đường, hít phải khói bụi, có ai tránh khỏi văng tục chửi bậy không? Chí ít thì cũng chửi thầm.
Giầu nghèo phân hóa rõ ràng, người nghèo cứ ngày một nghèo xuống mãi, người giầu cứ giầu lên mãi, không hẳn vì thông minh hơn giỏi giang hơn mà vì cơ hội chiếm được nhiều hơn, vậy có sinh ra các tiêu cực không? Gọi tiêu cực chính là cách nói tránh rất tệ của người Hà Nội đấy.
Giờ, phải chửi tục mới...đã
Người Hà Nội xưa, cái cần nói thẳng không nói thẳng như anh Hai Nam Bộ, muốn nói cái A phải nói vòng qua cái B. Không xấu cũng không tốt. Đặc trưng vùng miền nó thế. Tuy vậy, cuối cùng người Hà Nội xưa vẫn lấy gốc là cái thực. Nhưng bây giờ việc đó nó trở nên thái quá.
Không chỉ nói vòng nói vèo mà nói rất dài, nói tránh né, xúi người khác nói, sự thật giấu trong sâu thẳm, người nghe phải đoán, phải tự mình hành động, tự mình xử lý, người nói vòng vẫn được hưởng lợi mà trách nhiệm liêm chính thuộc về kẻ tự xử lý.
Điều đó gây ra một bất mãn sâu xa. Đến mức, những người bạn văn nghệ sĩ vừa nổi tiếng vừa thanh lịch của tôi luôn đùa rằng, phải chửi tục mới đã. Từ đó người Hà Nội biến chất dần.
Những người bạn của tôi còn cực đoan đến mức đưa ra những tiêu chí của một thị trưởng Thủ đô, đâu tiên của tiêu chí ấy, ông, bà phải là người Hà Nội gốc để ông/ bà có được cái phông nền văn hóa, có được sự nhạy cảm thẩm mỹ mà người của vùng đất ấy cần. Có một thị trưởng như thế sẽ chi phối từ quy hoạch tổng thể thành phố, từ phong thái kiến trúc đến thuần phong mỹ tục.
Cho đến một ngày, từ ông bà, cha mẹ, đến con cái, cháu chắt những người Hà Nội gốc rất ngượng không dám nhận mình là người Hà Nội nữa. Những người tứ xứ đến Hà Nội làm nên con số gần 7000.000 dân thì đương nhiên phải nhận mình là người Hà Nội cho chắc, cho hoành, cho sướng, cho oai.
Những người bạn của tôi còn cực đoan đến mức đưa ra những tiêu chí của một thị trưởng Thủ đô, đâu tiên của tiêu chí ấy ông, bà phải là người Hà Nội gốc để ông/ bà có được cái phông nền văn hóa, có được sự nhạy cảm thẩm mỹ mà người của vùng đất ấy cần. Có một thị trưởng như thế sẽ chi phối từ quy hoạch tổng thể thành phố, từ phong thái kiến trúc đến thuần phong mỹ tục.
Lại có người phản bác, lấy đâu ra một người Hà Nội gốc có bằng cấp thật, kiến thức thật, đủ khả năng và tình cảm để yêu từng ngôi nhà góc phố Thủ đô, coi mỗi vết nham nhở, mỗi không gian, ao hồ bị xâm chiếm cắt xén giống như da thịt mình bị tổn thương vậy ? Miễn là phải có luật, mọi người phải chấp hành luật và lộ trình để luật trở nên hữu hiệu, phải bắt đầu từ các cơ quan công quyền.
Tuy nhiên, tôi đồng tình với ý kiến của anh bạn tôi, rằng: Chẳng cần gì phải tự ái khi có nhiều người từ đâu đến vẫn nhận là người Hà Nội. Ta chỉ buồn khi ta bị lẫn trong số những người sống ở Hà Nội mà không biết cái gì làm nên sự tự hào đó.
Người gì mà ngồi trên xe Lexus, xe Audi, xe Language... mở cửa kính ra vứt vỏ quýt xuống mặt đường? Người gì mặc váy ngắn chân dài, môi tô đỏ chót mà khạc nhổ cho nước mũi, đờm rãi bay theo chiều gió vào mặt kẻ đi đằng sau?
Người gì mà không động lòng khi đồng loại già cả còng lưng dưới mưa đẩy xe rau? Hay người gì mà làm ngơ trong bệnh viện khi người bệnh không có tiền đưa phong bì...? Người gì mà vừa va chạm đã nổi nóng đã chửi rủa và muốn ăn tươi nuốt sống lẫn nhau? Không nhịn nhường không thương xót?
Những câu hỏi trên mới là tiêu chí làm người bình thường, làm con người có lương tâm, có văn hóa lành mạnh. Chưa nói là con người của một vùng đất lịch sử, vùng đất bộ mặt cho một quốc gia?
Vậy, bàn về Hà Nội, thế nào là một người Hà Nội gốc cũng là để bàn về việc mỗi người đã có văn hóa làm người chưa?
Khách Tây: \'Người Hà Nội lười, lúc nào cũng thấy trà đá vỉa hè\'
Chàng trai Mỹ cho rằng người Hà Nội khá lười khi dành cả ngày ngồi uống trà đá ven đường, không ai có vẻ vội ... |
Tìm lại nét thanh lịch của người Hà Nội
Người Tràng An xưa với lối sống thanh lịch có tiếng được cả nước biết đến như một nét đặc trưng của Thủ đô ngàn ... |
Người Hà Nội đẹp và chưa đẹp
Hình ảnh một người Hà Nội đẹp mà tôi bắt gặp vào buổi sáng sớm ngày 18-7-2017 trên đường Lê Duẩn là một người lao ... |
Người Hà Nội xấu, nhưng khối người mơ chẳng được
Hà Nội ô nhiễm là thế, người Hà Nội thiếu văn minh là thế mà sao người ta cứ thích đổ dồn về Hà Nội để ... |
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/nguoi-ha-noi-goc-can-cu-vao-dau-101864.html