Người giữ kho vàng kể chuyện

Nằm giữa một ngã ba người xe tấp nập, bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau... tất cả đều được bủa vây bởi các khối nhà cao tầng như chỉ dấu về một Hà Nội hiện đại, nhưng ở bên trong tòa nhà số 5 Vũ Phạm Hàm lại toàn là... quá khứ.

Nơi đây, cả một kho di sản - toàn bộ đều là độc bản, trong đó có cả khối tư liệu được UNESCO hai lần vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới - phải được bảo quản một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng tuân thủ chặt chẽ, chuẩn chỉ các quy định của luật pháp quốc tế và Việt Nam về bảo vệ di sản tư liệu.

Có điều lạ là, bảo quản cả một khối tư liệu quý hơn vàng ròng thế, lẽ ra tòa nhà số 5 Vũ Phạm Hàm, nơi “đóng đô” của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phải “kín cổng cao tường”, dăm bảy lần khóa chặt, chứ sao lại thông thoáng thế với khuôn viên thật rộng và tường rào thật thấp, trổ hoa tưng bừng như thể công viên vậy?

Người giữ kho vàng kể chuyện -0

Bà Trần Mai Hương: Vâng, đúng là chúng tôi đang được nắm trong tay cả một kho vàng. Đó là khối lượng tư liệu di sản đồ sộ, nếu tính theo chiều dài thì tầm khoảng 6 km, trong đó 80% là tiếng Pháp, còn lại là Hán - Nôm.

Thứ nhất là khối tài liệu được hình thành trong các cơ quan chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương trước đây (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia) và các sở chuyên môn của chính quyền thuộc địa Pháp ở Bắc Kỳ trước năm 1945, bao gồm các khối tài liệu về hành chính, khối tài liệu chính quyền thân Pháp và khối tài liệu về kỹ thuật (kiến trúc, giao thông đường bộ, thủy lợi). Toàn bộ tài liệu này đều bằng tiếng Pháp.

Thứ hai là khối tài liệu Hán - Nôm. Đây là khối tài liệu được hình thành trong  các cơ quan thuộc các triều đại phong kiến ở Việt Nam, chủ yếu là triều đại nhà Nguyễn (từ Gia Long năm 1802 đến Bảo Đại năm 1945).

Khối tài liệu này bao gồm toàn bộ Châu bản triều Nguyễn từ thời Gia Long đến Bảo Đại; Tài liệu Địa bộ (gồm trên 10.000 tập về các loại đất đai, kích thước, vị trí, chủ sở hữu v.v... các làng xã từ miền Bắc đến miền Nam được lập trong hơn 30 năm đầu của triều Minh Mạng 1806-1837); Tài liệu Nha huyện Thọ Xương (là tài liệu thuộc thành nội Hà Nội); Tài liệu Phông Nha Kinh Lược Bắc Kỳ (là tài liệu của cơ quan đại diện của triều đình nhà Nguyễn ở Bắc Kỳ trong những năm cuối thế kỷ XIX); Sưu tập Tài liệu Hương Khê (từ thời Hậu Lê năm 1619 đến thời Tự Đức); Khối sách Hán - Nôm gồm khoảng chục ngàn cuốn và khối sách kinh Phật.

Trong đó tài liệu Châu bản Triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Nhận xét bằng cảm quan của chị vừa đúng lại vừa chưa đúng (cười...). Chưa đúng là ở chỗ, công tác bảo quản, giữ gìn không hề “thông thoáng” mà trái lại, khối tư liệu quý hiếm này đang được bảo quản theo một chế độ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Luật Di sản của Việt Nam và luật pháp quốc tế. Còn đúng là ở chỗ, hiện tại Trung tâm đang áp dụng nhiều phương pháp để chia sẻ về giá trị của khối tư liệu này càng rộng rãi càng tốt nhằm phát huy giá trị của tư liệu để người dân được hưởng lợi từ các di sản của cha ông.

Không phải bây giờ mà từ năm 2009 Nhà nước xây tòa nhà này, các thế hệ tiền nhiệm của tôi đã thể hiện ý tưởng ấy. Ngay khi bước vào cổng tòa nhà số 5 Vũ Phạm Hàm, chị thấy đó, toàn bộ không gian ở đây đều rất “mở”: Hàng rào thấp, không gian trưng bày phiên bản tài liệu rộng, thoáng, trải dài từ tầng 1 đến tầng 3, tất cả đều miễn phí vào cửa...

ANTG GT-CT: Mà hàng rào lại rất đẹp nữa, hình như được cách điệu từ hình ảnh các nhịp cầu Long Biên thì phải. Theo quan sát của tôi thì mọi không gian ở đây đều mang hình hài của di sản, kể cả phòng làm việc của chị, toàn bộ các bức tranh treo tường đều là di sản kiến trúc Pháp - từ cầu Long Biên đến cầu Trường Tiền, Nhà hát Lớn Hà Nội...

Bà Trần Mai Hương: Vâng, chúng tôi sống và làm việc với di sản. Suốt đời như vậy. Chúng tôi ý thức được trọng trách của mình trong việc bảo tồn, gìn giữ khối di sản tư liệu quý của tiền nhân. Các thế hệ công chức, viên chức Trung tâm đều được học hành bài bản về nghiệp vụ, nhiều người được đào tạo tại nước ngoài. Các bạn trẻ làm việc ở Trung tâm hiện nay cũng vậy, không chỉ giỏi giang mà còn cần rất tâm huyết, yêu nghề. Lẽ vì, việc đưa  di sản tư liệu đến “tầm tay” của công chúng là một chủ trương tốt nhưng hành trình thì không hề dễ dàng. Toàn bộ khối di sản tư liệu hiện nay đều bằng tiếng Pháp hoặc Hán - Nôm. Để đông đảo công chúng tiếp cận được thì Trung tâm phải lựa chọn tài liệu phù hợp, sau đó sẽ dịch ra tiếng Việt.

Ví dụ, ở thời điểm hiện nay, khi dư luận đang quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp thì chúng tôi đã chọn các di sản tư liệu thuộc khối tài liệu tiếng Pháp có liên quan của các sở chuyên môn của chính quyền thuộc địa Pháp ở Bắc Kỳ trước năm 1945 để cung cấp thông tin cho công chúng về vấn đề này tại Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20 như thế nào. Các tư liệu cho thấy, trước tình trạng khủng hoảng nhà ở tại Đông Dương bắt đầu từ sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất và ngày càng trở nên trầm trọng, ngày 9/1/1929, Đảng bộ Trung Kỳ - Bắc Kỳ của đảng Xã hội đã gửi đơn lên Toàn quyền Đông Dương, đề nghị ban hành tại thuộc địa này các đạo luật chính quốc về đầu cơ bất hợp pháp, đồng thời thành lập Văn phòng Nhà ở giá rẻ Đông Dương. Tiếp đó, ông Fleury, một nhân viên bán đấu giá ở Hà Nội, đề xuất thành lập một công ty nhà ở giá rẻ dưới dạng công ty cổ phần với số vốn dự kiến là 1 triệu đồng Đông Dương để xây 120 ngôi nhà trên các miếng đất do chính quyền thuộc địa quyên góp. Nhưng, phải đến năm 1936, dự án xây nhà giá rẻ để bán cho người dân theo phương thức trả góp mới được khởi động lại và cho đến năm 1938, Toàn quyền Đông Dương mới ban hành nghị định phê duyệt chủ trương nói trên. Theo nghị định này, đối tượng được mua nhà trả góp phải thỏa mãn 4 điều kiện: (1) Cư trú tại Hà Nội và đã đóng thuế thân ít nhất 3 năm; (2) Đã kết hôn hợp pháp; (3) Có công việc thu nhập ổn định và (4) không sở hữu ngôi nhà nào khác. Thời gian trả góp dao động từ 10 đến 20 năm. Tuy nhiên, các tài liệu lưu trữ cũng cho thấy, trên thực tế, thành phố Hà Nội đã thử nghiệm xây nhà ở giá rẻ từ năm 1937. Báo cáo của Đốc lý Hà Nội vào năm 1940 cho biết dự án đầu tiên gồm 4 ngôi nhà 1 tầng ở đường Chapuis (nay là đường Thái Phiên). Việc xây dựng hoàn tất vào tháng 8/1938 và cả 4 ngôi nhà đều đã có người mua.

Người giữ kho vàng kể chuyện -0

Hay như vừa qua, trong chương trình kỳ họp Quốc hội khóa XV, bàn về vấn đề trọng dụng nhân tài và thưởng, phạt nghiêm minh, Trung tâm chúng tôi cũng đã đưa công chúng ngược dòng thời gian, tìm hiểu chính sách thưởng phạt dưới triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng ở nước ta. Các tư liệu này đã được chúng tôi biên soạn lại để  công chúng hiểu hơn về bài học dùng người và thuật trị quốc của tiền nhân. Từ đó, có thể chắt lọc và đúc rút ra những giá trị tham khảo cho cuộc sống đương đại.

Đây chỉ là hai ví dụ trong rất nhiều chủ đề mà chúng tôi đã khai thác, biên soạn từ tài liệu lưu trữ với mục đích “ôn cố tri tân”.

ANTG GT-CT: Như vậy là với khối vàng ròng này, Trung tâm không chỉ có trách nhiệm giữ chặt mà còn phải phát huy giá trị của nó. Di sản quý mà cứ nằm yên trong rương, trong hòm, trong cả chục lần niêm phong, cũng thật phí hoài...

Bà Trần Mai Hương: Chia sẻ ký ức, phát huy giá trị của di sản là một nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm. Nhưng, như tôi đã nói, đó là một hành trình không hề dễ dàng mà khâu chọn lựa tài liệu, dịch thuật, biên soạn chỉ là một phần công việc. Trung tâm có một đội ngũ khoảng hơn chục bạn trẻ đảm nhận phần việc chia sẻ di sản tư liệu tới công chúng với rất nhiều hình thức, tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ số và các nền tảng mạng xã hội. Không chỉ có một website, chúng tôi còn có fanpage và YouTube  dành để đăng tải  cập nhật thông tin về hoạt động sự kiện cũng như về tài liệu hiện bảo quản tại Trung tâm... Các trang này đều có lượng follow lớn với số đông người quan tâm tương tác thường xuyên. Hình thức truyền thông cũng rất phong phú, không chỉ có các triển lãm, phòng trưng bày offline tại tầng 1 và tầng 2 rất đẹp của Trung tâm, chúng tôi còn tổ chức các triển lãm online, sản xuất các clip... Trong  dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 vừa qua, chúng tôi chọn đăng clip về cuộc sống của một “cành vàng lá ngọc”, đó là công chúa An Thường con Vua Minh Mệnh. Clip này đã đạt lượng view rất lớn, có lẽ bởi vì cuộc sống của một công chúa con vua khác xa với những gì mà chúng ta luôn mường tượng và một số văn bản hành chính triều Nguyễn còn lưu lại đến nay hé lộ cho hậu thế về cuộc đời và phẩm chất của họ.

ANTG GT-CT: Quả là khi ghé xem triển lãm “Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử” được trưng bày tại tầng 1, tôi thực sự xúc động. Triển lãm như vẽ nên bức tranh đa sắc màu về cây cầu được coi là một trong những biểu tượng của Hà Nội. Với hơn 100 bản vẽ, tài liệu lưu trữ và hình ảnh về cây cầu từ năm 1898 đến năm 1975, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố rộng rãi, cây cầu giăng qua sông Hồng suốt 3 thế kỷ không chỉ là biểu tượng mà còn là nhân chứng lịch sử của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Quả là lần đầu tiên, người xem được tiếp cận một khối lượng lớn tài liệu về cây cầu huyền thoại qua những hình ảnh, pano, affiche với kỹ thuật trưng bày đạt tới nghệ thuật trong một không gian trưng bày chuyên nghiệp. Nhưng, có một câu chuyện tôi lưu tâm, đó là triển lãm này đã đính chính lại những nhầm lẫn của công chúng bấy lâu nay về tác giả của cây cầu lịch sử này, phải không bà?

Bà Trần Mai Hương: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài trong nhiều hoạt động nghiên cứu và xuất bản. Đặc biệt, nhân dịp 120 năm kỉ niệm ngày khánh thành cầu Long Biên (1902-2022) và hướng tới kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp (1973-2023), hai cơ quan đã phối hợp tổ chức cuộc triển lãm “Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử”. Đây là cuộc triển lãm phối hợp lần đầu tiên giữa hai cơ quan và có sự tham gia cung cấp tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III và Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (ANOM). Có một điểm khá thú vị ở triển lãm lần này, đó là bằng các tài liệu được lưu trữ tại Trung tâm (hồ sơ đấu thầu, nghị định của Toàn quyền Đông Dương chọn Công ty Daydé & Pillé làm nhà thầu chính thức và nhất là các bản thiết kế cầu đều có chữ ký của Daydé & Pillé) cho phép khẳng định rằng ông Daydé & Pillé chính là người thiết kế và xây dựng cầu Doumer trước kia và là cầu Long Biên ngày nay chứ không phải là ông Gustave Eiffel như lâu nay một số bài báo vẫn nhầm lẫn. Ông Gustave Eiffel đã để lại một kỳ quan cho thế giới, đó là ngọn tháp mang tên ông - tháp Eiffel, biểu tượng của Thủ đô Paris, Pháp. Gustave Eiffel không phải là tác giả của cầu Long Biên nhưng không phải vì thế mà cầu Long Biên mất đi vẻ đẹp và vai trò lịch sử của nó (cười...).

Người giữ kho vàng kể chuyện -0

ANTG GT-CT: Những trường hợp di sản tư liệu đính chính lại những sai sót nhầm lẫn hoặc bổ sung những thông tin còn thiếu khuyết về các sự kiện, nhân vật kiểu như này có nhiều không, thưa bà?

Bà Trần Mai Hương: Câu hỏi của chị làm tôi nhớ lại một câu chuyện xúc động về nhân vật lịch sử Võ Duy Ninh. Tháng 8/1858, sau khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng, Tham tri Võ Duy Ninh được điều đến làm Hộ Tổng đốc Định - Biên. Mấy tháng sau đó, quân Pháp tiến vào Nam Kỳ tập trung đánh chiếm thành Gia Định. Trong khi địch mạnh, vũ khí tối tân, còn quân triều đình chưa kịp tới cứu viện nên thành Gia Định thất thủ. Dù không giữ được thành nhưng Hộ Tổng đốc Võ Duy Ninh đã đi vào lịch sử khi quyết tuẫn tiết cùng thành. Ông là tổng đốc đầu tiên tuẫn tiết trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, khi Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Quảng Ngãi đến nhà thờ Tổng đốc Võ Duy Ninh để tìm hiểu, sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm về ông thì được biết dòng họ không còn lưu giữ một tư liệu nào. Vì thế, Chi cục đã liên hệ với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, đề nghị hỗ trợ tra cứu những tư liệu về nhân vật lịch sử Tổng đốc Võ Duy Ninh. Với tinh thần nhiệt huyết, khẩn trương, chỉ trong thời gian ngắn, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã lập danh mục hơn 100 văn bản có liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Tổng đốc Võ Duy Ninh và chọn ra hơn 40 văn bản tiêu biểu để lập thành phiên bản theo tài liệu gốc đóng thành tập với tiêu đề “Châu bản về vị quan Võ Duy Ninh triều Nguyễn người Quảng Ngãi”. Nhận được tư liệu, dòng họ Võ rất vui, coi đây như bảo vật vô giá của tiên tổ để lại, cần phải tôn kính gìn giữ, bảo quản lưu truyền lâu dài để con cháu tự hào và noi gương học tập, trở thành công dân tốt.

Hay như câu chuyện ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” bị lưu lạc ở nước ngoài mới đây thì tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đang lưu trữ các tài liệu có nội dung mô tả chi tiết về chiếc ấn và việc bàn giao ấn vàng cho Quốc trưởng Bảo Đại năm 1953. Bên cạnh đó, hồ sơ còn có ảnh chụp chiếc ấn và kiếm cùng các bài báo đương thời về sự kiện trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại tại Hà Nội. Đây là những tài liệu quan trọng để xác định ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” rao bán tại Hãng đấu giá Millon là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách (“Đại Nam thực lục”, “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ”).

ANTG GT-CT: Với giá trị nguyên gốc, đáng tin cậy nhất, rõ ràng các khối tài liệu có một không hai này trong nhiều trường hợp đã là bằng chứng xác lập, chứng minh và bảo vệ các giá trị của quốc gia, bảo vệ chủ quyền dân tộc... Rõ rệt nhất là bộ tài liệu Châu bản triều Nguyễn đã góp phần làm chứng cứ lịch sử để chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Người giữ kho vàng kể chuyện -0
Phóng viên Chuyên đề ANTG GT - CT và bà Trần Mai Hương, Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

Bà Trần Mai Hương: Trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước, bộ máy chính quyền triều Nguyễn đã sản sinh ra một hệ thống văn bản hành chính khá đầy đủ và hoàn chỉnh. Hệ thống văn bản này do nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình gọi chung là Châu bản triều Nguyễn. Châu bản” – # #{(có tài liệu gọi là “Hồng bản” – #g  ) theo nghĩa gốc là các văn bản có bút tích phê của nhà vua bằng mực son (“châu” có nghĩa là màu đỏ son, “bản” chỉ văn bản tài liệu). Các Châu bản về Hoàng Sa, Trường Sa khai thác từ nguồn châu bản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã được các cơ quan như Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức trưng bày trong nhiều cuộc triển lãm chuyên đề về biển đảo tại nhiều nơi trong và ngoài nước đã tạo nên những hiệu ứng tốt với xã hội. Trong tài liệu Châu bản triều Nguyễn đang lưu trữ tại Trung tâm có rất nhiều tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa. Ví dụ như châu phê của Vua Minh Mệnh năm 1836; Bố chánh sứ Quảng Ngãi xin miễn thuế cho các thuyền của hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi được phái đi khảo sát, đo vẽ tại Hoàng Sa trở về năm Minh Mệnh 19 (1838); Cứu giúp thuyền nước Pháp gặp nạn tại Hoàng Sa năm Minh Mệnh 11 (1830); Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) Bộ Công phụng mệnh cho tạm hoãn thăm dò Hoàng Sa theo định kỳ do gió mùa đang thổi mạnh...

Ngoài giá trị về mặt sử liệu, Châu bản triều Nguyễn còn mang giá trị nghệ thuật đặc sắc thông qua hình thức ngự phê độc đáo, bút pháp tinh hoa, chữ viết đa dạng, hệ thống ấn triện phong phú, chất liệu văn bản đặc trưng truyền thống... khiến châu bản vừa mang tính chất trang trọng của văn bản nhà nước nhưng lại đẹp mắt như những bức thư pháp cổ.

Với những giá trị nổi bật đáp ứng khá đầy đủ các tiêu chí về hình thức và nội dung như tính độc đáo, xác thực, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế, năm 2014, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và năm 2017, Châu bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Hiện, Trung tâm đang hoàn thiện phòng trưng bày riêng về Châu bản triều Nguyễn tại tầng 3 của tòa nhà số 5 Vũ Phạm Hàm.

ANTG GT-CT: Năm 2019, giáo sư Michaelle Biddle là một chuyên gia tu bổ văn bản cổ của thư viện Đại học Wesleyan (Mỹ) có dịp khảo sát kho bảo quản và tình trạng vật lý của khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới. Theo đánh giá của giáo sư  thì cơ sở vật chất của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho thấy Chính phủ  Việt Nam rất tập trung đầu tư cho việc lưu trữ tài liệu. Đồng thời, giáo sư Michaelle Biddle cho rằng, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I có cùng đẳng cấp với các kho lưu trữ ở Anh, Mỹ, Italy... Bà nghĩ gì về đánh giá này?

Bà Trần Mai Hương: Tôi nghĩ là giáo sư Michaelle Biddle đã có những thịnh tình thật đáng quý với Trung tâm và tôi thấy tự hào về những gì mà những người tiền nhiệm của tôi cũng như đội ngũ gần 60 cán bộ của Trung tâm đã làm được trong hành trình chia sẻ ký ức, phát huy di sản, đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội.

ANTG GT-CT: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

* Ảnh trong bài: Thắng Nguyễn.

https://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/nguoi-giu-kho-vang-ke-chuyen-i687996/

Đặng Huyền / antg.cand.com.vn