Ngày lên bàn mổ phẫu thuật não theo ý bố cũng là ngày cuối cùng cô gái Rosemary Kennedy làm một người tự do.
Lúc đó, Rosemary Kennedy mới 23 tuổi. Ca phẫu thuật tai họa khiến khả năng tâm trí của cô chỉ còn ngang trẻ hai tuổi. Rosemary không thể nói hay tự chăm sóc bản thân và phải sống trong viện tâm thần nhiều năm, không được người thân hay bạn bè đến thăm để đảm bảo thanh danh của gia đình.
Rosemary Kennedy sinh ngày 13/9/1918, là con thứ ba của ông Joseph Patrick Kennedy và bà Rose Kennedy, và là em gái của John F. Kennedy (tổng thống 35 của Mỹ). Từ nhỏ, Rosemary đã bộc lộ các dấu hiệu bất thường về trí tuệ. Cô bé không đạt các mốc phát triển như bạn đồng lứa, đến hai tuổi vẫn gặp khó khăn trong việc ngồi, bò và tập đi.
Năm 1924, Rosemary đi nhà trẻ và bị cô giáo nhận xét là "kém phát triển". Đều có địa vị cũng như học vấn cao, Joseph và Rose sốc khi biết điều này. Không đứa trẻ nhà Kennedy nào gặp vấn đề như Rosemary.
Rosemary Kennedy khi 15 tuổi. Ảnh: Bancroft Press. |
Mỗi ngày sau giờ học, Rose kèm Rosemary học thêm nhiều giờ với hy vọng cải thiện thành tích của con. Tuy nhiên, Rosemary bị lưu ban ít nhất ba lần trong quá trình học tập. Ở tuổi 15, khả năng đọc, viết, đánh vần và đếm của cô tương đương học sinh lớp bốn.
Trải qua hàng chục lần chuyển trường cho con, Rose tuyệt vọng, tìm đến bác sĩ để xin lời khuyên. Một hôm, bà được hỏi về quá trình sinh Rosemary. Bản thân thai kỳ không có gì khác thường vì Rose đã sinh hai con trước đó. Tuy nhiên, lúc bà chuyển dạ, bác sĩ đã đến muộn nhiều giờ do bận rộn với dịch cúm đang hoành hành. Y tá túc trực bên Rose không được cấp phép đỡ đẻ nên yêu cầu sản phụ khép chân để em bé không chui ra. Kết quả, Rosemary bị thiếu oxy, dẫn đến vấn đề phát triển.
Để bảo vệ hình ảnh gia đình, Joseph và Rose giấu kín tình trạng của Rosemary. Họ tuyên bố con gái rất hay xấu hổ, chỉ thích ở nhà. Trước mặt bạn bè, Rose giả vờ rằng Rosemary phát triển hoàn toàn bình thường. Ngay cả anh chị em ruột cũng không hoàn toàn hiểu mức độ khuyết tật của Rosemary.
Vợ chồng Joseph kể với báo chí rằng Rosemary học làm giáo viên mẫu giáo và quan tâm đến công việc phúc lợi xã hội. Khi tờ The Boston Globe yêu cầu phỏng vấn, thư ký của Joseph soạn sẵn câu trả lời để Rosemary nói theo: "Tôi hiểu rằng cuộc sống không phải chỉ để hưởng thụ. Thời gian qua, tôi đã nghiên cứu phương pháp tâm lý của tiến sĩ Maria Montessori và nhận bằng giảng dạy vào năm ngoái".
Năm 1938, Joseph được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ ở Anh và đưa gia đình đi cùng. Rosemary, với thân hình gợi cảm, khuôn mặt ngây thơ, hạnh phúc và sáng ngời thu hút sự quan tâm của báo chí địa phương.
Từ trái sang: Kathleen, Rose và Rosemary Kennedy. Ảnh: Bancroft Press. |
Thời gian ở Anh, Rosemary tới Belmont House, một trường học áp dụng phương pháp giáo dục Montessori, giúp trẻ phát triển bằng cách học qua giác quan. Rosemary gọi Belmont là "nơi tuyệt vời nhất tôi từng đến".
Năm 1940, do tình hình chiến tranh, Joseph và gia đình được yêu cầu về Mỹ. Đối với Rosemary, điều này chẳng khác nào thảm họa. Rời khỏi Belmont, tính khí cô gái 22 tuổi trở nên thất thường. Cô thường xuyên cáu giận, đả kích những người xung quanh, kể cả các em và ông ngoại. Lúc được đưa tới tu viện ở Washington, Rosemary thường xuyên lẻn ra ngoài lúc nửa đêm.
Rose cố gắng theo sát con gái nhưng đối với Joseph, Rosemary là mối đe dọa với sự nghiệp chính trị gia đình. Lo sợ con gái sẽ trở thành chủ đề bàn tán, tháng 11/1941, Joseph lén vợ đi gặp bác sĩ phẫu thuật James W. Watts và Walter Freeman.
Hai bác sĩ khuyên Joseph Kennedy rằng cách duy nhất để sửa đổi hành vi của Rosemary là phẫu thuật mở thuỳ não (lobotomy). Thời điểm đó, phẫu thuật mở thùy não được cho như phương pháp chữa trị hàng loạt các vấn đề tinh thần.
Nghe lời bác sĩ, Joseph quyết định phẫu thuật mở thùy trán là điều tốt nhất ông có thể làm cho con gái mà không nghĩ đến những rủi ro. Kết thúc ca phẫu thuật, Rosemary trở thành người sống phụ thuộc, cần được chăm sóc 24/7. Qua nhiều năm trị liệu, cô chỉ nói được vài từ và không còn sử dụng bình thường được các chi.
Ca phẫu thuật tai họa kết thúc cuộc đời bình thường của Rosemary Kennedy. Ảnh: People. |
Rosemary sống tiếp phần đời còn lại một cách bí mật trong viện tâm thần. Bị tách khỏi gia đình, bà không được người nhà, bao gồm cả bố mẹ, tới thăm. Một số ý kiến cho rằng chính Joseph đã ra lệnh không cho ai đến gặp con gái để tránh bị các đối thủ chính trị phát hiện.
Trong cuốn sách Rosemary: The Hidden Kennedy Daughter, tác giả Kate Clifford Larson cho biết Joseph và Rose giữ bí mật ca phẫu thuật của Rosemary với các thành viên khác trong gia đình suốt 20 năm. Năm 1958, thời điểm John F. Kennedy vận động tranh cử, nhà Kennedy giải thích Rosemary sống ẩn dật nên không xuất hiện.
Rosemary (ngồi xe lăn) lúc về già. Ảnh: People. |
Năm 1961, sau khi Joseph bị đột quỵ và mất khả năng nói chuyện, các anh chị em của Rosemary mới biết bà đang ở đâu. Năm 1969, Joseph qua đời, gia đình Kennedy bắt đầu tới thăm Rosemary.
Những năm cuối đời, Rosemary sống liền với chiếc xe lăn, không còn chút dấu vết của người con gái xinh đẹp từng khiến báo chí Anh tốn giấy mực những năm 1930. Năm 2005, Rosemary trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 86 trong vòng tay của anh chị em. Bà được chôn cất bên cạnh cha mẹ tại nghĩa trang Holyhood, Brookline, Massachusetts.
Minh Trang (Theo Stmuhistorymedia/historyextra)
'Lời nguyền' đeo bám gia tộc Kennedy
Gia tộc của cố tổng thống John F. Kennedy là một trong những dòng họ danh giá nhất nước Mỹ, nhưng nhiều người lần lượt ... |
Cháu gái cố thượng nghị sĩ Kennedy tử vong vì sốc thuốc
Saoirse Kennedy Hill, 22 tuổi, cháu ngoại cố thượng nghị sĩ Robert Francis Kennedy, tử vong tại nhà riêng ngày 1/8 do sốc thuốc. |
Quả dừa cứu mạng John F. Kennedy trong thời Thế chiến II
Thông điệp cầu cứu được khắc lên quả dừa năm 1943 đã giúp đồng đội tìm đến để đưa John F. Kennedy tới nơi an ... |