Dự án treo 27 năm khiến nhiều người dân sống ở bán đảo Bình Quới - Thanh Đa khốn khổ, đi cũng không được, ở lại cũng không xong.
Đường xuống cấp, nhà xập xệ
Mùa mưa sắp đến, người dân sống ở bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (phường 17 và phường 18, quận Bình Thạnh, TP.HCM) lại sắp phải đối mặt với nỗi lo nước ngập, nhà dột, côn trùng hoành hành.
Bán đảo này nằm trong khu quy hoạch nên nhà cửa ở đây không được sửa sang, xập xệ, xung quanh lại được bao bọc bởi sông Sài Gòn nên hễ cứ mưa xuống, khu vực này lại chìm ngập trong biển nước.
Bên kia sông sầm uất, nhà cao tầng chọc trời, còn ở bán đảo Bình Quới - Thanh Đa nhà cửa thưa thớt, xập xệ, người dân sống lay lắt qua ngày.
Mặc dù cách trung tâm TP.HCM một con sông nhưng dường như cuộc sống người dân ở bán đảo Bình Quới - Thanh Đa dường như bị cô lập, trái ngược hoàn toàn với bờ bên kia của thành phố. Không có những tòa nhà cao tầng chọc trời, xe cộ tấp nập, bán đảo Bình Quới - Thanh Đa như một vùng nông thôn thu nhỏ, xập xệ, tồi tàn.
Ở đây người dân sống lay lắt, khó khăn, làm đủ mọi nghề để mưu sinh qua ngày.
PV VTC News đến bán đảo Bình Quới - Thanh Đa vào một chiều mưa (đầu mùa mưa). Dù cơn mưa không lớn nhưng nhiều con đường, căn nhà nơi đây đã ngập nước.
Ở đây, đường sá rất hẹp, chỉ rộng từ 1-2m và bị xuống cấp nghiêm trọng, chi chít ổ gà, ổ voi. Xung quanh cây cối, cỏ dại mọc um tùm nên mỗi khi nước ngập người dân đi lại rất khó khăn, đặc biệt là buổi tối.
Những căn nhà xập xệ, xuống cấp hàng chục năm nay nhưng không được sửa sang, xây dựng lại.
Dân cư ở đây khá thưa thớt, phần lớn là bãi đất trống hoặc đầm lầy. Nhiều căn nhà có người ở xây dựng tạm bợ, chắp vá, mái tôn đã xập xệ. Một số căn nhà bị phá bỏ không có người ở khiến không gian ở đây rất nhếch nhác, rác thải khắp nơi.
Tận dụng không gian này người dân chăn nuôi trâu bò, heo, gia cầm…, xả chất thải khắp nơi, bốc mùi hôi thối.
Sợ hết đời dự án vẫn “treo”
Bà Nguyễn Thị Kiệu (51 tuổi, ngụ khu phố 3, phường 28, quận Bình Thạnh) cho biết toàn bộ những căn nhà ở bán đảo Bình Quới - Thanh Đa đều là đất dự án treo hàng chục năm nay.
Việc nằm trong đất dự án khiến cuộc sống gia đình bà bị đảo lộn, nhà xuống cấp sắp sập nhưng không thể sửa lại được.
Nhà bà Kiệu xập xệ, sụt lún nhưng không thể sửa sang lại được vì chờ dự án triển khai, bồi thường.
“Nhà tôi giờ xuống cấp, sụt lún nghiêm trọng khắp nơi. Trụ nhà bị gãy ngang nhưng không sửa sang được đành phải giữ nguyên hiện trạng.
Chúng tôi đã chờ đợi gần 30 năm nay, phải sống trong cảnh thấp thỏm, sợ nhà sập, mùa mưa thì ngập nước, cuộc sống rất khổ sở. Không biết bao giờ thành phố mới giải quyết xong dự án để những người như tôi có thể an cư lạc nghiệp”, bà Kiệu nói.
Trụ nhà gãy ngang khiến gia đình bà sợ hãi nhà sập mỗi khi mưa xuống.
Cùng chung hoàn cảnh anh Bùi Văn Dũng (47 tuổi, ngụ phường 28, quận Bình Thạnh) sống trong căn nhà cấp 4 xập xệ, buồn bã cho biết, căn nhà lá của anh cũng đã xuống cấp nhiều năm nay.
“Căn nhà tôi đang ở có từ thời cha mẹ tôi. Từ nhỏ tôi đã nghe khu đất này là đất dự án nhưng đến giờ sống hơn nửa đời người rồi nhưng dự án vẫn nằm trên giấy.
Hồi xưa do điều kiện khó khăn, cất tạm nhà lá, chắp vá gỗ xung quanh để ở. Bây giờ có tiền muốn sửa sang lại nhà kiên cố chút cũng đành chịu.
Nhà tôi giờ một người đi làm, một người phải ở nhà để trông coi vì sợ người xấu dễ dàng đột nhập, trộm cắp.
Mỗi khi mưa gió chúng tôi lại thấp thỏm, lo sợ nhà dột. Không ít lần cả gia đình ướt sũng như chuột lột, nằm co ro giữa đêm vì mưa lớn”, anh Dũng cho hay.
Căn nhà lá của anh Dũng dột nát đành ngậm ngùi chờ thành phố xử lý dự án "treo".
Không những thế, theo anh Dũng, cuộc sống sinh hoạt của người dân ở đây rất khó khăn. Hầu hết họ đều không có nghề nghiệp ổn định. Người làm nông, làm hồ, người lại bán vé số, chạy xe ôm…
“Cuộc sống rất khó khăn nhưng nước sinh hoạt ở đây đắt đỏ. Hàng tháng gia đình tôi mất gần 500 nghìn đồng để đi mua nước sạch dùng nhưng vẫn phải chắt chiu từng lít nước”, anh Dũng than thở.
Năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Dương (ngụ phường 28) vẫn phải sống trong căn nhà cấp 4 xập xệ cùng với 2 người con trai đã lập gia đình.
Những căn nhà ở đây giống như nhà ma.
“Nhà xuống cấp rạn nứt nên tôi phải che chắn tạm bằng mái tôn. Con cái đã lớn, 2 đứa đã lập gia đình nhưng không thể cất nhà cho chúng ở được vì không được chính quyền cho phép. Vì thế cả nhà gần 10 người phải sống chung chật chội, thiếu thốn đủ bề.
Không biết đến khi tôi mất, thành phố đã giải quyết xong dự án này chưa”, ông Dương cho hay.
Còn chị Nguyễn Thị N. (ngụ phường 28) cho biết, nhiều căn nhà xung quanh sửa sang, xây dựng thêm đã bị lực lượng chức năng tháo dỡ, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng chờ thành phố giải quyết.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong hứa hẹn với người dân sẽ sớm giải quyết dự án treo này khiến người dân rất phấn khởi, hi vọng lần này thành phố sẽ giữ đúng lời hứa.
Nhiều người không chịu được cảnh sống cơ cực đã phải bỏ đi nơi khác ở.
“Chúng tôi ở đây rất khổ cực. Mang tiếng ở thành phố lớn, hiện đại nhưng người dân ở đây sống cảnh chẳng khác gì bà con vùng núi, thiếu thốn đủ bề. Trời mưa thì nước ngập đến nửa nhà, côn trùng, rắn rết bò khắp nơi. Chúng tôi ở đây chán nản, sức khoẻ giảm sút, lũ trẻ em bị bệnh suốt”, bà N. than thở.
Giải quyết dứt điểm, không để dự án kéo dài
Trước đó, tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa IX, (năm 2018), nhiều đại biểu bức xúc trước việc dự án Bình Quới - Thanh Đa kéo dài hàng chục năm khiến người dân sống lay lắt, thiếu thốn.
Về việc này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết ông đã thấy được nỗi bức xúc của người dân từ lâu và xin chia sẻ khó khăn cùng người dân.
Theo ông Phong, dự án Bình Quới - Thanh Đa trước đây chủ đầu tư là liên danh gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Quá trình làm việc không thuận thảo nên phía nước ngoài xin rút khỏi dự án, chỉ còn lại doanh nghiệp trong nước và họ xin được làm tiếp.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong hứa sẽ giải quyết dứt điểm, không để dự án kéo dài.
"Chúng tôi đã mời nhà đầu tư đến làm việc, yêu cầu họ cam kết triển khai nếu không thành phố nhất định sẽ thu hồi dự án. Cơ quan chức năng cũng đang thẩm định lại năng lực chủ đầu tư một cách chặt chẽ", ông Phong nói.
Ông Phong hứa hẹn: "Tôi xin cam kết UBND thành phố sẽ chỉ đạo giải quyết dứt điểm dự án này, không để kéo dài nữa".
Mới đây, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, hiện có 5 doanh nghiệp nộp hồ sơ cho Sở Kế hoạch - Đầu tư để đấu thầu thực hiện dự án Bình Quới - Thanh Đa.
Dự án được hình thành năm 1992, khi đó UBND TP.HCM quy hoạch khu Bình Quới - Thanh Đa nhưng 27 năm vẫn "treo".
Trong đó, một nhà đầu tư sẵn sàng ứng 3 tỷ USD (gần 70.000 tỷ đồng) để triển khai dự án. UBND TP.HCM đang xem xét các tiêu chí đấu thầu, đồng thời rà soát lại quy hoạch cũ, điều chỉnh dự án cho phù hợp thực tế. Bởi quy hoạch trước đây do nhà đầu tư cũ đề xuất không còn phù hợp, thành phố từng có chủ trương cấp giấy phép xây dựng tạm trong vùng quy hoạch.
Thành phố cũng đang nghiên cứu điều chỉnh lại ranh quy hoạch dự án này nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong vùng tự phát triển.
Dự án được hình thành năm 1992, khi đó UBND TP.HCM quy hoạch khu Bình Quới - Thanh Đa thành khu văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí.
Nhưng tới năm 2004 UBND TP.HCM mới giao dự án cho Tổng công ty xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, tới năm 2010 công ty này không thực hiện được dự án nên UBND Thành phố quyết định thu hồi dự án.
5 năm sau, tức năm 2015 UBND TP.HCM tiếp tục phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa với tổng diện tích khu vực quy hoạch rộng hơn 426 ha, quy mô dân số khoảng 45.000 người và giao chỉ định liên doanh Công ty TNHH Toàn đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản của Dibai) đầu tư với tổng mức đầu tư dự án là hơn 30.717 tỷ đồng.
Năm 2016 Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi liên doanh. Năm 2018 TP.HCM bắt đầu tính toán tổ chức đấu thầu lựa chọn lại nhà đầu tư.
Hiện, có 3.100 hộ dân đang sống trên khu quy hoạch dự án này.
"Bình Quới - Thanh Đa liên quan 15.000 dân mà 27 năm chưa thực hiện"
Tại phiên thảo luận ngày 27/5 về giám sát đất đai đô thị, nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc với tình trạng phá vỡ ... |
Gần 200 triệu đồng mỗi m2 đất trên bán đảo Thanh Đa
Bình Quới, trục đường chính kết nối Thanh Đa (TP HCM) với các vùng phụ cận có giá 188,1 triệu đồng mỗi m2, cao nhất ... |
Thanh Đa - bốn thế hệ vật lộn với quy hoạch treo
Người già mong ngóng rồi qua đời, trẻ con lớn lên lập gia đình rồi sinh con, bốn thế hệ dân Thanh Đa trải qua ... |