Người dân chằng chống nhà trước khi bão Matmo đổ bộ

Vài giờ trước khi bão số 5 vào đất liền, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa lặng gió, nhiều người dân dồn cát vào bao tải để chằng chống nhà cửa. 

nguoi dan chang chong nha truoc khi bao matmo do bo
Người dân TP Nha Trang xúc cát chằng chống nhà. Ảnh: Xuân Ngọc.

Trưa 30/10, Khánh Hòa, trời âm u, đổ gió. Anh Trần Ngọc Vinh, 39 tuổi, cùng vợ tìm xúc cát cho vào bao, đưa lên mái nhà cấp 4 ở thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang - nơi hai năm trước bão Damrey đã quét qua, gây nhiều thiệt hại. Xung quanh, người dân cũng hối hả với công việc tương tự.

Anh Vinh cho hay, nhà ở trên sườn núi, rất dễ sập khi bão đổ bộ vào đất liền, song hôm qua đi làm nên chưa gia cố nhà được. "Cả gia đình sẽ sơ tán đến nơi khác, nhưng cứ chằng chống để đảm bảo an toàn, tránh như hai năm trước nhà đã sập khi mưa bão ập đến", anh Vinh cho biết.

Cách đó 2 km, ngư dân Trần Đình Quang, 50 tuổi, đã kéo tàu cùng 10 thuyền viên vào bờ neo đậu. Ông nói rằng, mỗi chuyến đi bắt cá sọc dưa trên vùng biển Trường Sa kéo dài cả tháng. Lần này, tàu ra khơi hơn chục ngày, bắt được khoảng 5 tấn cá thì hay tin áp thấp có thể mạnh thành bão nên ông chủ động vào bờ. "Giữa biển sóng gió dữ dội nên mình chủ động cho an toàn, dù chuyến đi bị thua lỗ", ông nói.

Theo ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Hòa, đến 16h hôm nay, tỉnh sẽ sơ tán 15.000 người ở các khu vực xung yếu, thấp trũng có nguy cơ sạt lở. "Lo lắng nhất vẫn còn 142 tàu cá với 1.500 lao động trên các vùng biển đang được kêu gọi vào nơi tránh trú", ông Bản nói và cho biết, những trường hợp cố tình ở lại trên lồng bè sẽ bị cưỡng chế.

nguoi dan chang chong nha truoc khi bao matmo do bo
Anh Trần Ngọc Vinh, 39 tuổi, chằng chống nhà ở TP Nha Trang. Ảnh: Xuân Ngọc.

Trước bão, Phú Yên cũng lặng gió, chỉ có mưa nhỏ. Song điều này càng khiến nhiều người dân lo lắng, vì theo kinh nghiệm dân gian, "mưa lặng gió dừng" là dấu hiệu của bão lớn.

Từ sớm, sáu người trong gia đình bà Đào Thị Chung (46 tuổi, ở xã An Hòa, huyện Tuy An) tranh thủ lúc trời chưa mưa đã ra bãi biển, cách đó khoảng 50 m, để xúc cát cho vào bao để đưa lên trên mái nhà cấp 4.

Nhà làm mắm, bà Chung phải chằng dây, dùng các tấm nhựa rộng hàng chục mét che chắn rồi trùm lên trên vì sợ bão ập đến hỏng. "Sống gần biển, bao năm phải hứng chịu bão rồi nên mình không thể chủ quan", bà Chung nói.

Tương tự, các hộ dân xung quanh cũng tìm đủ cách để ứng phó với bão. Nhiều ngư dân trong vùng đưa tàu thuyền vào bờ trong cơn sóng biển cao 2-3 mét.

Ông Trần Văn Thanh, người nuôi tôm hùm ở vịnh Vũng Rô cho biết, ông đã huy động cả nhà chằng chống, neo lồng bè. "Nhìn trời lặng gió tôi rất lo, rút kinh nghiệm bão Damrey, tôi phải buộc lồng bè để giảm thiệt hại", lão nông nói.

Theo ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch UBND Phú Yên, tỉnh có hơn 9.900 người nuôi hải sản trên các đầm, vịnh ven biển. Dự kiến có khoảng 5.000 dân ở các huyện Tuy An, Đông Hòa, thị xã Sông Cầu, TP Tuy Hòa được sơ tán. "Tỉnh đã yêu cầu người dân không được phép ở trên lồng bè thủy sản khi bão đổ bộ", ông Thế nói.

Trong khi đó, theo đường đi của bão, ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhận định nhiều khả năng bảo sẽ vào vùng giáp ranh giữa Bình Định và Phú Yên. Đến 10h mới có mưa, lãnh đạo tỉnh đang kiểm ra các kênh mương, đê điều ở các vùng xung yếu.

Ông Trần Văn Triển, Giám đốc Cảng hàng Không Phù Cát cho biết,

đã đóng cửa sân bay từ 12h trưa nay, đến 1h sáng mai có

gần 10 chuyến bay với 3.000 hành khách bị hủy. Sân bay sẽ cân nhắc tình hình thời tiết để mở cửa trở lại.
nguoi dan chang chong nha truoc khi bao matmo do bo
Ngư dân tàu cá Bình Định bị thương được xe cấp cứu chở về Bệnh viện Quân dân y Phú Quý. Ảnh: Trường Nguyên.

Hiện một tàu cá Bình Định hành nghề câu ngoài khơi đảo Phú Quý, Bình Thuận bị hỏng máy do sóng lớn, nằm trong vùng nguy hiểm, trên tàu có 8 người, một thuyền viên bị thương. Cơ quan chức năng đang huy động tàu cứu hộ, đưa ngư dân bị nạn vào đảo điều trị.

Quảng Ngãi đã cấm biển từ hôm qua, nhưng trước đó người dân và các doanh nghiệp đảo Lý Sơn, nơi được dự báo có mưa lớn, gió cấp 7 đã dự trữ lương thực, xăng dầu đủ cho hai tuần. "Đảo Lý Sơn có thể bị cô lập dài ngày, do đó chúng tôi phải chuẩn bị trước", bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn nói.

Sáng 30/10, bão Matmo (cơn bão thứ 5 hoạt động trên biển Đông trong năm) tăng lên cấp 9 (90 km/h) và hướng về đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Lúc 10h, tâm bão cách đất liền các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa khoảng 200km về phía Đông với sức gió mạnh nhất 90 km/h (cấp 9).

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đến 19h, tâm bão ở trên vùng biển ven bờ Quảng Ngãi - Khánh Hòa và giữ nguyên sức gió.

Phạm Linh - Xuân Ngọc - Việt Quốc

nguoi dan chang chong nha truoc khi bao matmo do bo Ba tỉnh cho học sinh nghỉ học để tránh bão Matmo
nguoi dan chang chong nha truoc khi bao matmo do bo Bão số 5 đổ bộ Quảng Ngãi - Khánh Hòa, bắt đầu cấm biển
nguoi dan chang chong nha truoc khi bao matmo do bo Bão Matmo hướng vào Quảng Ngãi - Khánh Hòa
/ vnexpress.net