Người dân bị xã nhổ cây không đồng ý mức hỗ trợ

Chính quyền xã Tam Xuân 2 khẳng định, người dân trồng cây trên đất của xã nên chỉ hỗ trợ 4.000 đồng một cây keo bị nhổ, nhưng người dân yêu cầu 35.000 đồng. 

 

 

Cuộc họp giữa chính quyền xã Tam Xuân 2 với bốn hộ dân có cây keo bị nhổ hôm 249 diễn ra tại nhà văn hóa thôn Thạch Kiều, do ông Trần Thanh Xuân, Chủ tịch xã Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành) chủ trì.

Mở đầu cuộc họp, ông Xuân khẳng định diện tích đất mà bốn hộ dân trồng cây keo trước đây do xí nghiệp lâm nghiệp quản lý, năm 2008 bàn giao về cho xã. Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định giao đất về cho địa phương. Năm 2012, UBND huyện Núi Thành đưa vào quy hoạch làm nghĩa trang để phục vụ địa phương.

"Nguồn gốc đất rất rõ ràng nên xã không có quyết định thu hồi đất, chỉ hỗ trợ 4.000 đồng cây, bằng với giá đền bù của nhà nước đối với cây trồng dưới một năm tuổi", ông Xuân nói.

Cuộc họp giữa chính quyền xã Tam Xuân 2 và người dân diễn ra sáng 2/10. Ảnh: Đắc Thành.

Anh Doãn Bá Ba, một người dân bị nhổ gần 1.000 cây gỗ keo trình bày, năm 2005 thấy đất xí nghiệp bỏ hoang nên gia đình anh đến trồng cây phát triển kinh tế. Gần 15 năm canh tác nhưng chính quyền không ngăn cản, không tranh chấp với ai. Nay xã lấy đất để xây dựng nghĩa trang thì gia đình anh sẽ trả lại tuy nhiên không đồng ý mức hỗ trợ 4.000 đồng mỗi cây. "Xã phải bồi thường 35.000 đồng, vì cây keo đã trưởng thành", anh Ba nói.

Anh Doãn Bá Ba bị nhổ gần 1000 cây keo bảy tháng tuổi. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Nguyễn Văn Đại, một hộ dân khác cũng có cây keo bị nhổ cho rằng, xã phải bồi thường tiền đất cho người dân, chứ lấy không là không được. "Chúng tôi mất nhiều công sức khai hoang, giờ chỉ hỗ trợ 4.000 ngàn đồng mỗi cây không đủ tiền mua giống, công chăm sóc", ông Đại trình bày.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Thanh Xuân nhắc lại quan điểm "đây là đất của xã nên không có chuyện bồi thường" còn mức hỗ trợ 35.000 đồng mỗi cây keo bảy tháng tuổi như người dân yêu cầu là không đúng với quy định nên xã sẽ không thực hiện. Nếu người dân thấy chưa thỏa đáng thì làm đơn kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng cấp cao hơn. 

Cuộc họp kết thúc lúc 9h, người dân không đồng ý ký vào biên bản và ra về. "Chúng tôi sẽ làm đơn gửi đến huyện, tỉnh để đề nghị", ông Ba nói.

Trước đó, sáng 24/9, ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó chủ tịch xã Tam Xuân 2 dẫn đầu tổ công tác nhổ 3.000 cây keo lấy gỗ của bốn hộ dân ở đồi Núi Tre, thôn Thạch Kiều để giải phóng mặt bằng để xây dựng nghĩa trang.

Ông Đồng giải thích, năm 2012 xã quy hoạch khu đất này làm nghĩa trang. Thời điểm đó xã chưa có kinh phí đầu tư xây dựng nên khu đất bị bỏ hoang, sau đó một số hộ dân đến trồng cây lâm nghiệp. Chính quyền biết việc này nhưng tạo điều kiện cho người dân trồng cây đến kỳ khai thác thì trả lại đất cho xã.

"Tháng 3/2019, xã có thông báo, yêu cầu người dân không được trồng lại cây sau khi khai thác, nếu trồng lại sẽ tiến hành phá bỏ", ông Đồng nói và cho hay trước khi đoàn cán bộ xã lên nhổ keo của người dân đã có gửi gửi thông báo cho các hộ dân.

Tuy nhiên do "kết nối chưa tốt" nên xã không biết đó là đất của ai. Khi thực hiện nhổ cây thì mới phát hiện các hộ dân có đất trồng keo mà xã đã gửi thông báo không đúng địa chỉ.

Nông dân lái hơn 10.000 máy kéo tràn xuống đường biểu tình ở Hà Lan
Hình ảnh: Người dân Yên Bái thu nhập hàng trăm tỷ đồng từ cây quế
Hạ Long công bố số điện thoại Phó chủ tịch TP để dân tố than tặc
Hóng chuyện ở chợ, 7 năm sau anh nông dân đã thành tỷ phú
/ vnexpress.net