Nhiều người gọi bà là bà Tiến điên đi lo việc thiên hạ, nhưng nhìn kết quả, ai cũng nể phục…
Bà Nguyễn Thị Tiến (62 tuổi, Nhân Chính, Thanh Xuân, HN) 10 năm đứng phân luồng giao thông ở cầu Cống Mọc
Gần 10 năm, dù ngày mưa hay nắng, hễ thấy tắc đường, bà Nguyễn Thị Tiến (62 tuổi, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) lại cầm gậy ra đường điều tiết giao thông.
10 năm “vác tù và hàng tổng”
Hà Nội giờ cao điểm, dòng xe cộ lố nhố, cố nhích từng cm qua nút giao cầu Cống Mọc - Quan Nhân, một trong những điểm đen ùn tắc giao thông của TP.
Người đàn bà tuổi lục tuần, dáng người thấp đậm rời ghế nhựa, vơ vội chiếc gậy, lao nhanh ra giữa đường.
"Dừng lại!"
"Bên này đi nhanh lên nào"
"Không được chen ngang!" ...Tuýt tuýt
Tiếng bà Tiến hô dõng dạc kèm tiếng còi huýt dứt khoát, chiếc gậy tre đưa nhịp nhàng theo "khẩu lệnh" một cách chuyên nghiệp.
Vài thanh niên nhăn nhó tỏ vẻ khó chịu nhưng cũng không dám chen lên. Những người thường xuyên di chuyển qua đây thì nở nụ cười với bà Tiến. Hơn 10 năm qua, họ đã quá quen với hình ảnh bà bán nước cầm gậy tre chống tắc đường.
Khoảng hơn 1 giờ sau, đoạn đường thông thoáng hơn, quệt vội mồ hôi bà Tiến mỉn cười: "Mấy động tác phân luồng tôi học của các chú cảnh sát giao thông đấy. Làm nhiều thành quen"
"Hồi mới cầm gậy ra đường, người ta bảo tôi bị điên, đầu óc không bình thường. Không lo bán nước kiếm sống, lại đi lo việc thiên hạ. Thỉng thoảng có thanh niên còn nói mấy lời chẳng ra sao. Nhưng tôi kệ thôi, ngồi nhìn tắc đường, hít khói, cũng dễ phát điên lên được", Bà Tiến nói.
Không kể nắng mưa, hễ thấy tắc đường là bà Tiến lại cầm gậy ra phân luồng giao thông
Bà Tiến bán nước ở đầu cầu Cống Mọc đã ngót nghét 35 năm. Bà dọn hàng bán từ 6h sáng đến tận đêm khuya, chính vì vậy bà nắm rất rõ giao thông ở khu vực này.
“Đường này nhỏ, ô tô đi nhiều nên tắc thường xuyên chứ không cứ giờ cao điểm. Chỉ một ô tô rẽ ngang là tắc ngay, tắc thì ai cũng muốn chen lên trước, càng hỗn loạn hơn. Khổ nhất là ngày mưa, 3 tiếng đồng hồ vẫn chưa hết tắc”, bà Tiến nói.
Khu vực cầu Cống Mọc cũng có trật tự phường phân luồng giao thông nhưng họ chỉ làm việc vào một số giờ cao điểm trong ngày. Bất kể giờ nào, hễ thấy tắc đường, bà bỏ cả khách uống nước để điều tiết giao thông. Mỗi ngày bà cứ chạy đi chạy lại cả chục lần như thế.
Từ chối làm cán bộ trật tự phường
Lấy chồng từ năm 16 tuổi, trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ, bà Tiến đi bước nữa và có 2 con gái. Người chồng hiện tại đau ốm thường xuyên, cuộc sống gia đình trông chờ vào quán nước của bà. Con gái lớn của bà đã lập gia đình, còn con gái thứ 2 mới bước vào đại học. Nhiều người biết đến hoàn cảnh gia đình bà không được dư dả nên muốn giúp đỡ.
“Hè năm ngoái, giữa trưa nắng có một phụ nữ dúi vào tay tôi cái phong bì vì thấy tôi vất vả phân luồng giao thông. Nhiều người ngồi uống nước biếu tiền, tôi đều không nhận. Mình chỉ nghĩ đơn giản, thấy tắc đường thì ra giúp cho thông, chứ to tát gì đâu. Còn bao nhiêu người cần giúp đỡ hơn tôi”, bà Tiến chia sẻ.
Bà Tiến cho biết, đầu năm 2017, lãnh đạo phường Nhân Chính đã đề nghị bà tham gia đội trật tự phường, mỗi tháng trợ cấp một khoản tiền nhỏ nhưng bà từ chối. Bà Tiến chỉ nhận cây gậy điều tiết giao thông, cùng chiếc còi sắt.
“Tôi làm không mong nhận được gì cả, có khi chỉ cần một nụ cười hoặc cái vẫy tay của người đi đường là vui rồi. Tôi xin cây gậy, với cái còi phân luồng giao thông cho tiện. Gậy tre, còi nhựa có vẻ không chuyên nghiệp lắm”, bà Tiến vừa nói vừa giơ cây gậy lên cười thích thú.
Hiến kế giải quyết vấn nạn tắc đường ở Hà Nội
Tình trạng tắc đường trên những tuyến phố ở Hà Nội diễn ra từng giờ, từng ngày. Người đi đường phải vất vả nhích từng ... |
http://danviet.vn/tin-tuc/nguoi-dan-ba-dien-10-nam-cam-gay-chong-tac-duong-thu-do-808897.html