Tôi nhớ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đến lúc về hưu vẫn còn cảnh báo nguy cơ "phá hỏng đặc trưng Đà Lạt", "đừng làm Đà Lạt giống những đô thị khác" và "nông thôn hóa Đà Lạt"
25 năm trước, tôi bứt khỏi đám bạn sinh viên đều là con nông dân như mình từ miền duyên hải Nam - Ngãi - Bình - Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) để mang chiếc máy ảnh lang thang chụp hình dạo ở Đà Lạt.
Đà Lạt ngày nào còn đâu!
Buổi đó, lang thang nhưng không mơ mộng viển vông mà chỉ có ngỡ ngàng. Sự ngỡ ngàng trải từ nội đô ra ngoại thành, từ hàng phố bán buôn đến những ấp nhà vườn canh nông. Thị dân và nông dân chan hòa đến độ không cho phép đầu óc ta lóe lên hay hình thành sự phân biệt về nơi họ cư trú hay thành phần nghề, giàu nghèo, vị trí xã hội, xuất thân, tôn giáo, dân tộc. Thành phố gì kỳ lạ, nhà cửa tha nhân ở không hàng rào cho dù toàn là biệt thự sang cả.
Ngay các dinh vua (Bảo Đại) ở hay làm việc buổi nào, đôi ba đoạn có hàng rào thấp bé mà chỉ cần kiễng chân đã bước qua được kia rõ cũng chỉ là chi tiết kiến trúc trang trí cho không gian sống chứ không phải vì mục đích an ninh. Trên những cung đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Phù Đổng Thiên Vương, Bùi Thị Xuân, Lê Hồng Phong, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lai, Quang Trung, Nguyễn Du, Cô Giang, Vạn Kiếp, 3 Tháng 4, Hoàng Diệu, Mê Linh…, nhà cửa khiêm nhường lùi đều vào cách xa mặt đường phía trước 20 m.
Một biệt thự cổ lớn từ thời Pháp nằm trên đường Hùng Vương đã bị đập bỏ, dựng công trình khác
Người Pháp đã rút về từ lâu, tiếng heo kêu ai đó nuôi để cải thiện cuộc sống trên những ngôi biệt thự Tây có vang lên cũng không làm những con phố, những căn biệt thự kia mất đi sự nền nã, thơ mộng. Triết lý nhà xây ở Đà Lạt cao không được vượt quá ngọn thông vẫn giữ nguyên như một cam kết để thành phố vẫn còn nằm dưới bóng ngàn thông, giữ đặc trưng vốn có. Nguyên tắc không để mất các mảng rừng thông còn lại và cấm bạt núi đồi để xây công trình được đặt ra. Và cả nguyên tắc hạn chế tối đa việc cho xây dựng ở những khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt không được xây dựng công trình che chắn tầm nhìn về hướng núi Langbian.
Đà Lạt của tôi là thế, là thành phố không của riêng tôi hay bất kỳ ai, người sinh sống ở Đà Lạt hay khách phương xa, người giàu hay người nghèo... Xứ sở thơ mộng, hiền lương từng một thời khách vào chợ Đà Lạt, đến bất cứ quầy hàng nào, người bán bao giờ cũng nói sao bán vậy, không nói thách hay mặc cả. Chiếc xe máy tôi thả bên hè, đêm không cần dắt vào nhà mà chẳng sợ mất trộm. Những giấc ngủ của thi nhân an lành bên mép cỏ rừng thông hay bờ nước hồ Xuân Hương. Nhà nào cũng cắm xuống đất đầy hoa mà không cần ai vận động, hô khẩu hiệu hay đợi lễ hội. Đà Lạt mặc nhiên được mệnh danh là thành phố hoa rất lâu trước khi có sáng kiến tổ chức festival hoa để làm du lịch. Đúng là một xứ sở mà như Hàn Mặc Tử vào đầu những năm 1940 đã viết thành thơ: "Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/Để nghe dưới đáy nước hồ reo/Để nghe tơ liễu run trong gió/Và để xem trời giải nghĩa yêu".
Nhạt nhòa diện mạo
Nhưng rồi, thời gian quét qua khó hiểu và điên đảo trên thành phố lạnh của cao nguyên Langbian này. Những định hướng tốt lành, bền vững lâu dài cho Đà Lạt giờ đã bị làm ngược lại và bóp méo đi. Ví như khu biệt thự chuẩn mực đến mức từng đặt làm khu Tỉnh ủy Lâm Đồng nhiều năm ở đường Nguyễn Du giờ đã phá nát tan không còn tí bóng dáng. Hệ thống biệt thự Pháp làm nên đặc trưng, linh hồn cho kiến trúc Đà Lạt đã bị phá bỏ liên tục trên các trục đường. Như 6 chuỗi hồ bổ trợ cho sinh thái trên lưu vực hồ Xuân Hương đã bồi lấp thành khu dân cư, khách sạn, homestay, quán nhậu, nhà vườn.
Như suối Hồng Lạc, suối Hà Đông, suối Nha Địa Dư, suối Đội Có… đều hóa kiếp phân lô thành những khu dân cư, biến mất chức năng của con suối thiên nhiên khiến hồ Xuân Hương không còn hệ sinh thái trên hệ thống lưu vực để cân bằng, lọc tự nhiên mà thành "cống" nước thải đô thị. Rừng Đà Lạt từ rừng được nhà nước xếp là "rừng đặc dụng", "rừng cấm quốc gia" trở thành rừng "phòng hộ cảnh quan" để rồi chuyển đổi công năng, cưa hạ, "gả" cho nhà đầu tư xây resort, khách sạn, lập sân golf… Những khối khách sạn, chợ mới chọc trời đùng đùng mọc lên bên trên chợ Đà Lạt, bao vây, nuốt chửng trái tim Đà Lạt.
Ấp Hồng Lạc có con suối lớn lọc nước tự nhiên trước khi đổ vào hồ Xuân Hương nay được quy hoạch phân lô bán, hình thành khu dân cư
Giờ nội đô Đà Lạt rất khó để nhìn thấy thông ngàn. Hình thái đô thị ở các cung đường Phù Đổng Thiên Vương, Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, Quang Trung, Phan Chu Trinh và kể cả A.Yersin (vị bác sĩ, nhà thám hiểm đặt nền móng cho việc ra đời Đà Lạt) giờ cũng y chang Nha Trang, TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Cà Mau, Lạng Sơn… rồi!
Giờ thì đi chợ Đà Lạt tôi cũng trả giá vì không mặc cả dễ bị mắc lừa, hố. Giờ thì tôi đã chứng kiến thanh niên Đà Lạt đua xe, choảng chém nhau. Thi thoảng lại nghe tin xảy ra trộm cướp vô nhà này, vườn kia, khách sạn nọ. Giờ thì căn nhà nào ở Đà Lạt cũng thấy xây tường cho cao, cũng dùng sắt thép lồng mặt trước lại, cho dù nhà của trí thức, quan chức, doanh nhân hay thi sĩ. Hình như người Đà Lạt của tôi cũng không còn vững chãi với phong thái "Đi không vội; ăn không nhanh; nói không hét" nữa. Các cô gái Đà Lạt cũng ăn mặc như các em Sài Gòn rồi, thậm chí còn cố cho giống.
Phố núi không còn điềm tĩnh, quá sức chịu đựng?
Các chuyên gia đô thị gần đây hay hỏi tôi "Đà Lạt còn lại gì?". Dùng ngôn ngữ đám đông thời nay, tôi trả lời: "Hên - xui!". Còn cho nói thật đáy lòng, tôi sẽ rằng: "(May mà) Còn khí hậu!
Nên mỗi lần nghe tin có tính tiền ăn uống "chặt chém" ở chợ Âm Phủ (nay gọi là chợ đêm) cho du khách hay các cửa hàng bán hàng đặc sản mà "nhớ" Đà Lạt bản lĩnh, thơ ngây hôm nào.
Cái gì kéo giá trị đô thị cùng địa văn hóa Đà Lạt đi xuống? Trên khắp cả nước, thành phố nào cũng bề bộn, ngổn ngang các vấn đề thì Đà Lạt cũng không là ngoại lệ. |
Đà Lạt bây giờ lắm tiếng thở than: Nỗi kinh hoàng của du khách
Nhiều du khách đến với TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ám ảnh bởi nạn "chặt chém", hành hung |
\'Đà Lạt mộng mơ, lơ ngơ là bị chặt chém\'
"Đà Lạt mộng mơ, lơ ngơ là bị chặt chém" trở thành câu bông đùa quen thuộc của nhiều tín đồ du lịch. |