Người cha làm bảo vệ đi vay từng đồng cho con học đại học

Nhìn lại hành trình vừa đi qua, Nizam nói: 'Cho dù bạn giàu hay nghèo, hãy làm cho cha mẹ tự hào về bạn!'.

Nizam và cha mẹ của mình trong ngày anh tốt nghiệp đại học.

Vào ngày tốt nghiệp, Nizam Mustapha, 23 tuổi, đã cố gắng ghìm những giọt nước mắt khi mẹ anh hỏi anh có muốn được tặng một bó hoa không. Một bó hoa theo Nizam có giá khoảng RM100 (hơn 500.000 đồng).

Những bông hoa là điều cuối cùng trong tâm trí anh hôm đó. Nizam biết gia đình đã phải hy sinh như thế nào để anh có thể cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp cuộn tròn buộc nơ và mặc áo choàng cử nhân.

Chàng trai 23 tuổi người Malaysia không đến từ một gia đình giàu có. Kể từ khi Nizam còn là một đứa trẻ, anh và các thành viên trong nhà đã vật lộn từng ngày để có được một cuộc sống giản đơn.

"Tôi mặc áo đồng phục và đi giày cho tới khi chúng cũ mèm, rách nát bởi vì tôi không thể mua được đồ mới. Tôi đã ước có thể trở thành một trưởng phòng hoặc người quản lý thư viện ở trường học nhưng cuối cùng, tôi phải gạt mong muốn đó sang bên cũng chỉ vì không có đủ tiền mua bộ đồng phục mới", Nizam nói.

Đối với chàng trai trẻ này, việc được theo học tại một trường đại học tư là điều anh không bao giờ dám mơ tưởng tới. Nhưng chính người cha làm bảo vệ đã quyết định tạo nên "điều kỳ diệu" cho cậu con trai của mình.

Nizam nhớ lại lần nói chuyện với một sinh viên năm cuối trong chương trình định hướng nghề nghiệp của Đại học Teknologi Petronas (UTP). "Người bạn khóa trên của tôi đã bị sốc khi không thể hiểu được điều gì khiến một nhân viên bảo vệ quyết định cho con trai học đại học tại một trường tư?".

Niềm vui tốt nghiệp đến cùng nỗi xúc động khi nhìn lại hành trình khó khăn mà cả gia đình đã đi qua

Bản thân Nizam cũng thừa nhận rằng nếu không phải vì có sự kiên trì và tin tưởng từ cha mình, anh đã bỏ cuộc ngay từ đầu.

"Tôi vẫn còn nhớ khi cần tham dự phỏng vấn, bố tôi đã thuê một chiếc xe và hai cha con khởi hành lúc 0h để kịp có mặt vào buổi sáng. Sau đó, chúng tôi lại về nhà luôn trong ngày vì không có tiền để thuê phòng trọ hay khách sạn", Nizam kể lại.

Kết quả phỏng vấn, Nizam nhận được thư mời nhập học của UTP nhưng anh biết rằng nếu đồng ý điều này, đồng nghĩa với một gánh nặng tài chính đè nặng trên vai bố mẹ anh. Cùng thời điểm đó, Nizam lại nhận được thư mời từ một trường đại học khác. Anh đã nói chuyện với bố về mong muốn chuyển sang trường này mà không học tại UTP nữa. Tuy nhiên, bố của Nizam chỉ nói: "UTP rất tốt, không phải ai cũng có cơ hội để được nhận vào đây". Sau đó, ông đi vay tiền ngân hàng, một nửa dùng để cải tạo ngôi nhà và nửa còn lại đóng học phí cho Nizam.

Trong suốt thời gian con trai theo học tại UTP, người cha làm bảo vệ đã cố gắng hết 110% khả năng của mình để cho con điều kiện tốt nhất có thể, nhưng cũng có những lúc bế tắc vì tài chính gia đình kiệt quệ. Đó là khi Nizam phải đóng các khoản phí năm đầu với số tiền khoảng RM2.500 (gần 13 triệu đồng). Chỉ có 2 tuần để xoay xở món tiền đó, cả bố mẹ và chị gái của Nizam đã chạy vạy khắp nơi.

"Cuối cùng, tôi đã nhờ bạn của mình giúp đỡ. Tên cô ấy là Alia Shahrudin, cũng là bạn học của tôi ở UTP. Cha cô ấy sẵn sàng cho tôi mượn tiền, nhưng thật xấu hổ vì phải vay tiền từ bạn học", Nizam nói.

Nizam hiện đã là một kỹ sư điện.

Thời gian đó thực sự khiến Nizam bị stress. Anh đau lòng khi thấy mẹ mình bị người khác nhạo báng bằng câu hỏi: "Bà có tài sản nào đáng giá có thể cầm cố vay tiền để trả học phí tại UTP không?". Cha mẹ của Nizam đã bất chấp những lời nhận xét, thái độ khinh khi để tìm đủ mọi cách mượn tiền cho anh ăn học. Sự nỗ lực của cha mẹ là động lực để Nizam vượt qua những giai đoạn khó khăn khi muốn dừng lại giữa chừng con đường đại học.

Năm năm trôi qua, Nizam tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư điện. Anh dành tặng "món quà" này cho cha mẹ của mình và gửi lời nhắn tới mọi người: "Cho dù bạn giàu hay nghèo, hãy làm cho cha mẹ tự hào về bạn!".

Diễn viên Quốc Tuấn: \'Bôm đã chịu đau đớn gấp 1.000 lần\'

Nghệ sĩ Quốc Tuấn tâm sự rằng điều khiến anh cảm thấy thành công nhất chính là truyền được cho con sự tự tin. Nhờ ...

Chuyện cha con người thợ điện nghèo

Câu chuyện ngắn nhưng đầy tính nhân văn về tình cha con dưới đây được bác sĩ trẻ Dương Minh Tuấn ghi lại đã tạo ...

ttps://ngoisao.net/tin-tuc/gia-dinh/nguoi-cha-lam-bao-ve-di-vay-tung-dong-cho-con-hoc-dai-hoc-3674248.html

/ ngoisao.net