Mạnh internet trên khắp Myanmar bị ngắt hôm 6/2 khi hàng nghìn người đổ xuống các con phố ở Yangon để phản đối cuộc đảo chính của quân đội.
Đám đông mặc đồ đỏ - màu đại diện cho đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi tràn xuống đường kêu gọi trả tự do cho Cố vấn nhà nước Myanmar.
Các nhà hoạt động Myanmar đăng tải lời kêu gọi trên mạng xã hội, hô hào tuần hành khiến số người biểu tình ngày càng tăng. Khi quy mô biểu tình tiếp tục mở rộng, mạng internet ở Myanmar bị sập. Theo Reuters, dường như chính quyền quân sự Myanmar đã ngắt kết nối internet trên cả nước.
Nhóm giám sát NetBlocks Internet Observatory báo cáo về "sự cố ngắt kết nối quy mô quốc gia" hôm 6/2, đồng thời cho biết khả năng kết nối đã giảm xuống còn 54% so với mức thông thường. Một số người dùng mạng ở Myanmar cho biết dịch vụ dữ liệu di động và wifi đã ngừng hoạt động.
Người biểu tình đổ xuống các con phố ở Yangon. (Ảnh: Reuters) |
Giới chức Myanmar từ chối khi được yêu cầu bình luận.
Trước đó, hôm 5/2, chính quyền quân sự Myanmar lệnh cho các nhà cung cấp mạng Internet và hãng viễn thông chặn Twitter và Instagram cho tới khi "có thông báo mới".
Chính phủ Myanmar cũng yêu cầu các các nhà cung cấp internet chặn quyền truy cập Facebook của người dân cho đến ngày 7/2. Một nửa dân số Myanmar có đăng ký tài khoản Facebook. Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cho biết, quyết định chặn Facebook là vì lý do đảm bảo “ổn định”.
Dịch vụ điện thoại và tin nhắn vẫn hoạt động bình thường.
Các tổ chức dân sự Myanmar đang kêu gọi các nhà cung cấp Internet và mạng di động chống lệnh của quân đội.
Công ty viễn thông Na Uy Telenor Group, đơn vị điều hành Telenor Myanmar bày tỏ lo ngại về việc ngừng các dịch vụ viễn thông. Nhưng công ty này khẳng định họ bị ràng buộc bởi luật pháp địa phương và ưu tiên hàng đầu của họ là đảm bảo an toàn của người lao động địa phương.
Chính trường Myanmar trải qua biến động lớn sau khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền. Những người này bị bắt với cáo buộc có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020.
Trước diễn biến tình hình ở Myanmar, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại, kêu gọi chính quyền quân đội thả Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và những người bị bắt giữ.
Tại cuộc họp báo hôm 5/2, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, cho biết đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener đã có cuộc trao đổi từ xa với Phó Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win. Đây là lần đầu tiên đại diện của Liên hợp quốc liên hệ với quân đội Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính hôm 1/2.
Cả hai được cho là đã có cuộc trao đổi quan trọng. Trong cuộc nói chuyện khá dài này, bà Christine Schraner Burgener "lên án mạnh mẽ" vụ đảo chính và kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho những người bị bắt ngay lập tức.
Hội đồng Bảo an kêu gọi quân đội Myanmar thả ngay bà Suu Kyi
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Myanmar, kêu gọi quân đội thả bà Aung ... |
Hậu quả nếu Mỹ tái trừng phạt Myanmar
Giới chuyên gia hoài nghi về các lệnh trừng phạt mà Mỹ có thể giáng lên Myanmar vì cuộc đảo chính hồi đầu tuần, sợ ... |