Hàng loạt bệnh viện tiếp tục thiếu vật tư, hóa chất nghiêm trọng

Người bệnh khốn khổ, ai chịu trách nhiệm?

Hàng loạt bệnh viện lớn kêu cạn kiệt vật tư, hoá chất, máy móc hỏng nằm đắp chiếu khiến người bệnh cực kỳ lo lắng. Rất nhiều người bệnh không chờ đợi được cảnh mù lòa do mắt bị bệnh đã phải đến bệnh viện tư để phẫu thuật. Có người bị hoại tử, bị ung thư nhưng do phải chờ phẫu thuật mà bệnh diễn biến nặng thêm vì… thiếu vật tư y tế.

Mặc dù Bộ Y tế tổ chức nhiều cuộc họp, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tìm các giải pháp tháo gỡ… nhưng chỉ khắc phục được phần nào, tình trạng thiếu các thiết bị y tế càng trở nên trầm trọng. Chịu thiệt hại nặng nề và khốn khổ nhất chính là người bệnh.

Thiết bị hỏng, đắp chiếu, người bệnh phải "chạy" sang viện khác

Tới Bệnh viện Bạch Mai, chứng kiến nhiều bệnh nhân xếp hàng chờ chụp cắt lớp vi tính (CT) chúng tôi mới thấy "cám cảnh" khi bệnh nhân thì đông, nhưng cả bệnh viện chỉ có 1 máy chụp CT và 1 máy cộng hưởng từ (MRI). Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 7.000 - 10.000 lượt người tới khám, chữa bệnh, trong đó khoảng 40% bệnh nhân có chỉ định chụp chiếu, tức là hằng ngày có hàng nghìn người có chỉ định chụp CT, MRI, siêu âm, X-quang…., nhưng máy móc, vật tư lại thiếu trầm trọng. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (Hà Nam) ho kéo dài, đau ngực bên sườn trái, chụp X[1]quang phổi, siêu âm ổ bụng ở bệnh viện tuyến tỉnh nghi ngờ ông bị ung thư phổi. Lo lắng, ông đã lên Bệnh viện Bạch Mai khám.

"Bệnh nhân đông, tôi xếp hàng đến ngày thứ hai vẫn chưa được chụp chiếu, tình hình này có khi còn phải chờ đợi thêm. Càng kéo dài thời gian chờ đợi, tiền ăn ở, thuê trọ càng tốn kém, càng lo lắng khi chưa biết kết quả bệnh", ông Nghĩa than thở.

7_vat-1677803942808
Nhiều người bệnh có chỉ định chụp chiếu tại Bệnh viện Bạch Mai phải chờ đợi nhiều ngày mới đến lượt.

Theo phản ánh của chị Trần Thị Mai (Hà Nội), vào tháng 7/2022, chị tới Bệnh viện Bạch Mai khám và có chỉ định chụp X-quang tuyến vú. Tuy nhiên, do máy X-quang của bệnh viện hỏng, chị đành phải quay về. Đến tháng 2/2023, chị tới viện để chụp X-quang, vẫn được thông báo máy vẫn hỏng. Cuối cùng chị phải ra bệnh viện tư chụp với giá 400.000 đồng, trong khi tại Bệnh viện Bạch Mai thấp hơn nhiều. "Đây là thiệt thòi của người bệnh khi không được bác sĩ có chuyên môn cao chẩn đoán, lại phải mất chi phí đắt hơn", chị Mai than thở.

Theo một lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, máy X-quang đến nay vẫn đang sửa nhưng chưa khắc phục được do không thể đấu thầu mua vật tư, hoá chất. Không chỉ máy X-quang, máy CT hỏng cũng chưa sửa được vì nguyên nhân trên. "Có máy CT hỏng bóng nhưng chúng tôi cũng không mua được. Theo quy định tham khảo ít nhất 3 báo giá trong điều kiện chỉ có 1 nhà cung cấp. Về mặt nguyên tắc, máy móc của hãng sản xuất nào thì thiết bị đi theo của hãng đó, không thể dùng thiết bị của hãng khác thay thế.Chiểu theo quy định về báo giá, hiện nay chỉ có 1 báo giá, nên bệnh viện "không dám mua"”, lãnh đạo bệnh viện giải thích.

Theo vị lãnh đạo này, kể từ khi Bệnh viện Bạch Mai lên tiếng kêu cứu về tình trạng thiếu máy móc, vật tư, sinh phẩm y tế… , đến nay đã 6 tháng trôi qua sự việc vẫn "giậm chân tại chỗ". Hiện, bệnh viện thiếu tất cả các máy móc, hoá chất xét nghiệm, vật tư tiêu hao cũng sắp hết. Trước đây, máy móc, thiết bị của Bệnh viện Bạch Mai chủ yếu là xã hội hóa, máy đặt, máy mượn, như Khoa Sinh hoá 100% là máy mượn. Nhiều đề án liên doanh, liên kết của bệnh viện vướng vào pháp lý, làm các đề án này dừng lại.

"Bệnh viện đang phải bỏ không nhiều thiết bị y tế, do thông tư liên doanh liên kết hết hiệu lực, trong khi thông tư mới chưa ban hành", PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, để giải quyết hết số người tới khám bệnh trong ngày, bệnh viện cần phải có thêm 8 đến 10 máy CT và MRI. Chính vì thiếu trầm trọng máy móc, thiết bị, nên bệnh nhân có chỉ định chụp phải hẹn 5-6 ngày, thậm chí hơn nữa. "Giường kế hoạch của chúng tôi là 3.600, nhưng đến nay bệnh nhân nội trú đã gần 4.000, có nơi phải nằm ghép. Tuyến dưới cũng thiếu thiết bị phải chuyển lên, càng khó khăn", lãnh đạo bệnh viện cho biết.

Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu của Bệnh viện Bạch Mai, cảnh máy móc hỏng, hoặc nằm đắp chiếu phổ biến; bệnh nhân điều trị ở đây sau khi có các chỉ định xạ trị, phóng xạ, chụp chiếu… đều được chuyển đến nhờ các bệnh viện khác. Bà Nguyễn Thị Lý (Ninh Bình) có nghi ngờ ung thư phổi từ tuyến dưới chuyển đến cho biết: "Khi đến đây khám, bác sĩ chỉ định chụp CT lồng ngực và ổ bụng, làm xét nghiệm chất chỉ điểm khối u, nhưng máy hỏng và thiếu vật tư, tôi được chuyển sang Bệnh viện Ung bướu Hà Nội thực hiện các kỹ thuật này". Theo phản ánh của nhiều bệnh nhân ung thư, việc di chuyển sang bệnh viện khác xạ trị rất bất tiện và tốn kém khi phải đi lại, chờ đợi.

Hiện nay trang thiết bị ở Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu là con số 0, toàn bộ máy xạ trị không có. Trong khi nhiều máy móc "đắp chiếu" do bị dừng hoạt động, thì việc thiếu trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm đã ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh, đặc biệt bệnh nhân ung thư bởi có những bệnh không thể chờ đợi.

Bệnh nhân “ dài cổ” chờ mô

Tới Bệnh viện K, chúng tôi ghi nhận rất đông bệnh nhân đang phải chờ đợi lịch mổ. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân ở các tỉnh xa, thậm chí ở "vùng sâu, vùng xa" xếp hàng chờ mổ. Với họ, mỗi một ngày chưa được mổ là chồng chất nỗi lo: Tiền ăn, tiền trọ, tiền thuốc… và nỗi lo bệnh tình nặng thêm nếu kéo dài. Một nữ bệnh nhân ở Phú Thọ được chẩn đoán ung thư trung thất cho biết: "Tôi đã có lịch mổ, con tôi cũng từ quê ra để sẵn sàng trông mẹ, nhưng tối hôm trước bệnh viện thông báo hoãn mổ, khi nào mổ lại thì chưa rõ. Tôi rất suốt ruột, bởi bệnh tình, bởi con tôi không thể nghỉ làm lâu", nữ bệnh nhân kể.

Chính vì phải xếp hàng chờ mổ và có khi phải chờ đợi dài ngày, mà tại Bệnh viện K đã xuất hiện tình trạng "cò" mổ sớm. Đối tượng Vũ Văn Định (SN 1980, trú tại xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) tự nhận là Đội phó Đội điều tra hình sự, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) có quan hệ với nhiều y, bác sĩ tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đã nhận tiền của người nhà bệnh nhân, hứa hẹn có thể can thiệp xin mổ sớm… Nhiều bệnh nhân đã đưa tiền cho Định từ 4-6 triệu đồng để được mổ sớm. Trước khi bị Công an huyện Thanh Trì bắt về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Định từng chăm sóc người nhà điều trị tại Bệnh viện K, nên đã biết mặt và lấy được số điện thoại của một số bác sĩ và nhân viên y tế. Cũng trong thời gian này, Định nắm bắt được nhu cầu của người nhà bệnh nhân muốn người thân của họ được mổ sớm nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để tạo niềm tin, Định còn chụp ảnh tin đã nhắn "nhờ" các bác sĩ mổ sớm gửi cho người nhà bệnh nhân. Ngày 27/10/2022, Định đang nhận tiền của người nhà bệnh nhân bị u hạ họng nhờ can thiệp mổ sớm thì bị bắt giữ. Theo một bệnh nhân vừa mổ u vú ở Bệnh viện K, do thiếu thuốc, nên ca mổ của chị phải ra ngoài mua một số thuốc, hết vài triệu.

"Tôi phải truyền hoá chất 8 đợt, có đợt bệnh viện có thuốc BHYT, có đợt thuốc trong danh mục bảo hiểm hết, bác sĩ kê thuốc ngoài, tiền túi phải bỏ ra cũng vài chục triệu rồi", một bệnh nhân bị ung thư dạ dày cho biết. Với bệnh nhân ung thư, điều trị thuốc đích hay miễn dịch, tiền thuốc rất đắt. Nếu thuốc trong danh mục BHYT chi trả, bệnh nhân đỡ rất nhiều gánh nặng chi phí. Nhưng có thời điểm hết thuốc, bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi mua thuốc khác ngoài danh mục BHYT, gánh nặng quả là chồng chất. "Tôi không biết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài đến bao lâu, chỉ khi bị bệnh, đi viện mới thấy khổ sở. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì người bệnh càng cơ cực, chúng tôi kiệt quệ rồi. Thiếu thuốc, vật tư, chúng tôi phải mua ngoài thì ai chịu trách nhiệm?", một bệnh nhân ung thư lo lắng.

Thiếu vật tư, hoá chất, trang thiết bị y tế làm người bệnh khốn đốn. Câu chuyện này kéo dài trong thời gian qua, nhất là tại Bệnh viện Mắt Trung ương - bệnh viện đầu ngành và là nơi cứu cánh của hàng nghìn người bệnh thoát cảnh mù loà, có những ca bệnh khó tuyến dưới phải chuyển lên nhưng không có vật tư, hoá chất để mổ. Các bàn mổ của bệnh viện phải "phơi sương" trong thời gian dài, bệnh nhân phải ra bệnh viện tư để mổ với giá thành đắt đỏ. Theo một bác sĩ tâm huyết ở đây chia sẻ, một ca mổ đục thủy tinh thể có BHYT ở Bệnh viện Mắt Trung ương hết khoảng 5triệu, nhưng người bệnh ra bệnh viện tư thì giá thành gấp 8 đến 10 lần. Rất nhiều người bệnh nghèo đã phải vay mượn khoản tiền lớn để mổ mắt mà đáng lẽ ra họ không phải chịu cảnh thiệt thòi như vậy.

Được biết, sau khi Bệnh viện Mắt Trung ương nhiều lần gửi báo cáo tới Bộ Y tế, đầu tháng 1/2023, dưới sự tháo gỡ của Bộ Y tế, công tác mua sắm, đấu thầu đã "nhúc nhích", phòng mổ đã hoạt động trở lại. Nhưng theo nguồn tin chúng tôi nhận được, hiện nay mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu mổ của người bệnh, còn rất nhiều bệnh nhân phải xếp hàng chờ mổ, nhiều loại hóa chất, vật tư vẫn còn thiếu và nhiều người không thể chờ đợi được vẫn phải ra bệnh viện tư.

 
Trần Hằng / CAND