Ngư dân bị tàu lạ phá lưới, đổ dầu ở Hoàng Sa

Năm tàu cá ở Quảng Ngãi trình báo khi đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu lạ tấn công.

Tàu cá ngư dân Bình Định bị tàu lạ đâm chìm

Tàu cá của ngư dân Bình Định đang hoạt động trên biển thì bị một tàu lạ đâm chìm. Thuyền trưởng của tàu đến thời điểm này vẫn mất ...

Tàu vỏ thép lắp hộp số Trung Quốc: Phải đền ngư dân

Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải lắp hộp số Nhật theo đúng hợp đồng, hộp số có tỷ số truyền 4.

Ngư dân Việt bị bắn trên biển: Truy đuổi 2,5 giờ

Các ngư dân Việt bị hải quân Indonesia truy đuổi trong vòng 2,5 giờ. Rất may vết thương của ngư dân đã được sơ cứu ...

Ngày 17/8, ông Trần Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, 5 tàu cá của ngư dân địa phương ngày 16/8 đã cập bến trình báo về việc bị tàu lạ áp sát, cướp phá ngư cụ khi đang hành nghề đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

5 tàu cá đến Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ trình báo gồm: tàu QNg 91584TS của ngư dân Lê Mười, QNg 91747TS của ngư dân Lê Văn Được, tàu cá QNg 91261TS của ngư dân Nguyễn Hữu Lâm, QNg 91626TS của ngư dân Trần Cu Tân và tàu cá QNg 91642TS của ngư dân Lê Thanh Kim. Tất cả cùng trú xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi.

Theo đó, ngày 31/7, 5 tàu cá này cùng xuất bến hướng ra vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam khai thác hải sản. Đến ngày 7/8, khi đang neo tàu đợi đến thời điểm đánh bắt thì 5 tàu này bị 2 tàu lạ áp sát.

Giàn đèn dụ cá trên các tàu cá bị đập phá. Ảnh: Đại đoàn kết

"Theo trình báo của ngư dân, đó không phải là tàu lớn. Những người trên tàu lạ không đánh mà phá ngư lưới cụ, đổ dầu, phá đồ ăn bằng cách đổ dầu vào thức ăn của ngư dân", ông Trần Đình Tiến thông tin.

Cũng theo Chủ tịch xã Tịnh Kỳ, sau khi tàu cá của ngư dân địa phương cập bến trình báo sự việc, lực lượng biên phòng đã ghi nhận, thống kê thiệt hại trên tàu cá của ngư dân. Lãnh đạo xã cũng đến thăm và động viên ngư dân.

Liên tục bị tấn công trên vùng biển chủ quyền

Trước đó, tàu cá ở Quảng Ngãi nhiều lần liên tục bị tấn công và đã trình báo cơ quan chức năng.

Theo ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, Hội đã có công văn báo cáo Hội Nghề cá Việt Nam về việc nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc cướp phá, đâm chìm thời gian qua.

Trong văn bản gửi Hội Nghề cá Việt Nam, dẫn báo cáo của Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi (ngày 2/8), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi (ngày 8/8) và thông tin từ Chi hội Nghề các địa phương, Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết, gần đây, nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc ngăn cản, cướp phá tài sản, thậm chi đâm chìm khi đang hành nghề trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cụ thể, vào lúc 12h ngày 2/7, tàu cá QNg 91727 TS do ông Võ Đắc, ở xã Tịnh Kỳ, đang đánh bắt tại vùng biển cách đảo Bạch Quy, Hoàng Sa khoảng 6 hải lý về hướng đông thì phát hiện 1 tàu hải cảnh của Trung Quốc mang số hiệu 46102 từ hướng đảo Bạch Quy chạy đến.

Tàu này thả 1 ca nô màu đen, trên ca nô có 7 người mặc sắc phục màu xám, áo cứu sinh màu đỏ, có trang bị vũ khí, dùi cui điện, máy quay phim, máy ảnh.

Ca nô này đã đuổi theo và cập mạn tàu cá. 5 người Trung Quốc lên tàu cá khống chế, dồn toàn bộ ngư dân về phía mũi tàu rồi tiến hành lục soát, chụp ảnh ngư dân, lấy 70 tấm lưới rê, sau đó xuống ca nô chạy về tàu hải cảnh đang đậu cách tàu cá khoảng 100m.

Khoảng 14h cùng ngày, tàu hải cảnh của Trung Quốc chạy về hướng đảo Bạch Quy, tàu cá Quảng Ngãi nói trên tiếp tục hành nghề. Đến ngày 13/7, tàu cá QNg 91727 TS đã về đến địa phương.

Trường hợp khác liên quan đến 3 tàu cá QNg 90487 TS của ông Bùi Văn Nhành, tàu cá QNg 90999 TS (vỏ thép) của ông Võ Văn Hân và tàu cá QNg 90899 TS do ông Võ Cu là chủ tàu kiêm thuyền trưởng, đều ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

Sau khi xuất bến tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ, 3 tàu cá trên chạy đến đảo Đá Lồi, Chim Yến và Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa để khai thác hải sản. Tuy nhiên do gặp thời thời tiết xấu (ảnh hưởng của bão số 2 và 3) nên 3 tàu cá núp gió tại địa điểm cách đảo Đá Lồi khoảng 1 hải lý về hướng nam.

Khoảng 10h ngày 26/7, tàu cá QNg 90847 TS phát hiện 1 tàu sắt của Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 1 ca nô từ hướng bắc chạy đến.

Thuyền trưởng Bùi Văn Nhành điều khiển tàu chạy tránh được khoảng 20 phút thì ca nô đuổi kịp, cập mạn tàu cá. Trên ca nô có 14 người mặc trang phục màu xanh, mang phao cứu sinh màu đỏ, có trang bị vũ khí, dùi cui điện, máy quay phim, máy ảnh.

Sau khi cập mạn tàu cá, 5 người Trung Quốc lên tàu cá khống chế, dồn các ngư dân về trước mũi tàu rồi tiến hành quay phim, chụp ảnh, kiểm tra, lục soát.

Phía Trung Quốc để lại 05 người này trên tàu cá rồi tiếp tục cho ca nô đuổi theo tàu cá QNg 90999 TS. Khi phát hiện, thuyền trưởng Võ Văn Hân cũng điều khiển tàu cá chạy tránh được khoảng 30 phút thì ca nô của Trung Quốc đuổi kịp và cản mũi tàu cá. Lúc này ca nô Trung Quốc cặp mạn tàu cá, 5 người Trung Quốc lên tàu, khống chế, dồn các ngư dân về trước mũi tàu rồi tiến hành quay phim, chụp ảnh, kiểm tra, lục soát và cũng để lại 5 người trên tàu cá QNg 90999 TS.

Sau đó, tàu sắt và ca nô Trung Quốc tiếp tục truy đuổi tàu cá QNg 90899 TS. Khi phát hiện, thuyền trưởng Võ Cu cũng điều khiển tàu chạy tránh được khoảng 2 hải lý thì ca nô Trung Quốc cũng đuổi kịp và cập mạn tàu cá.

Trên ca nô có 6 người mặc trang phục màu xanh, mang phao cứu sinh màu đỏ, cũng được trang bị vũ khí, dùi cui điện, máy quay phim, máy ảnh. Sau đó 4 người Trung Quốc lên tàu cá và cũng thực hiện các hành động khống chế ngư dân như các tàu cá trên, lục soát lấy toàn bộ hải sản đánh bắt được và tài sản của ngư dân trên tàu.

Phía Trung Quốc để tàu sắt ở lại giữ tàu cá này và cho ca nô trở lại tàu cá QNg 90999 TS đã bị khống chế trước đó để lấy toàn bộ hải sản và tài sản của tàu cá này.

Sau đó phía Trung Quốc thả tàu cá QNg 90999 TS rồi chạy ca nô về phía tàu sắt của Trung Quốc. Riêng tàu cá QNg 90847 TS thì lực lượng chức năng của Trung Quốc khống chế thuyền trưởng buộc phải điều khiển tàu cá chạy về tàu sắt của Trung Quốc đang canh giữ tàu cá QNg 90899 TS. Phía Trung Quốc cũng lấy toàn bộ hải sản và tài sản của ngư dân tàu cá này.

Đến 14h cùng ngày, tàu sắt và ca nô của Trung Quốc rời hiện trường và chạy về hướng đảo An Tiêm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Do không khắc phục được các trang thiết bị hành nghề bị mất mát nên 3 tàu cá trên đã quay về địa phương vào ngày 28/7.

Qua thống kê thiệt hại, phía Trung Quốc đã lấy hải sản, tài sản của 3 tàu cá trên gồm: 5 tấn hải sản các loại, 620 kg tôm hùm, 50 pin lặn, 13 bành dây hơi, 02 bình ắc quy, 02 bình ga, 10 đôi chân vịt lặn, 5 bộ đồ lặn, 4 bành dây neo, 1.500 khay đựng cá và 4.700.000 đồng của ngư dân.

Riêng tàu cá QNg 90899 TS bị chặt đứt toàn bộ dây lặn nối vào các bình chứa hơi và bị đập vỡ 3 của kính ca bin.

Tương tự, tàu cá QNg 90289 TS do Bùi Ngọc Lành làm chủ tàu, ông Bùi Ngọc Thuận làm thuyền trưởng (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cũng gặp nạn ở vùng biển Hoàng Sa.

Ngày 7/8, khi tàu đang hành nghề ở khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc có số hiệu 46106 sơn màu trắng truy đuổi và đâm chìm. 6 ngư dân đi trên tàu được tàu cá QNg 95193 TS do ông Nguyễn Trung Kiên ở xã Bình Châu cứu vớt an toàn.

"Chúng tôi kiến nghị Hội Nghề cá Việt Nam lên án những hành vi cướp phá tàu cá của ngư dân Việt Nam và yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ vụ việc, bồi thường thiệt hại cho tàu cá Việt Nam bị đâm chìm", ông Phan Huy Hoàng nói.

Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, theo quy định, sau khi nhận được công văn của Hội Nghề cá tỉnh, Hội sẽ có văn bản gửi tới Bộ Ngoại giao đề nghị phản đối hành vi của phía Trung Quốc.

/ Minh Thái/Đất Việt