Nghiên cứu từng gây tranh cãi của Viện Virus học Vũ Hán

Shi Zhengli, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Virus học Vũ Hán, từng tham gia thí nghiệm tạo phiên bản lai giữa virus corona ở dơi và virus SARS.

nghien cuu tung gay tranh cai cua vien virus hoc vu han
Phòng thí nghiệm ở Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: Live Science.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Medicine vào ngày 9/11/2015, các nhà khoa học tìm hiểu một loại virus corona gọi là SHC014, tìm thấy trong dơi móng ngựa ở Trung Quốc. Họ tạo ra virus lai tạo từ protein hình gai bao phủ bề mặt của SHC014 và cấu trúc phân tử của virus SARS đã được điều chỉnh để phát triển trong cơ thể chuột và gây bệnh giống như ở người. Virus lai lây nhiễm tế bào đường hô hấp của con người, chứng tỏ protein hình gai của SHC014 có cấu trúc cần thiết để liên kết với protein thụ thể trên tế bào và truyền sang chúng. Nó cũng gây bệnh ở chuột nhưng không khiến chuột tử vong.

Dù gần như tất cả virus corona phân lập từ dơi không thể liên kết với thụ thể của con người, SHC014 là một trong số ít virus có khả năng này. Năm 2013, các nhà nghiên cứu lần đầu tiên ghi nhận khả năng liên kết thụ thể ở một chủng virus corona khác cũng phân lập từ dơi móng ngựa.

Các thí nghiệm khác trong nghiên cứu cho thấy SHC014 ở dơi hoang dã cần tiến hóa để có thể đe dọa con người. Shi và tiến sĩ Ralph Baric, giáo sư khoa Vi sinh vật học và Miễn dịch học ở Đại học Bắc Corolina, Chapel Hill, tái tạo SHC014 từ trình tự hệ gene và nhận thấy chúng phát triển kém trong môi trường tế bào của con người và không gây bệnh nặng ở chuột.

Tuy nhiên, các nhà vi trùng học khác cũng đặt câu hỏi liệu thông tin thu được từ thí nghiệm có giúp xác minh nguy cơ tiềm ẩn hay không. Dù mức độ rủi ro rất khó đánh giá, Simon Wain-Hobson, nhà vi trùng học ở Viện Pasteur tại Paris, chỉ ra nhóm nghiên cứu đã tạo ra một virus mới "phát triển đặc biệt tốt" ở tế bào người. "Nếu virus thoát ra ngoài, không ai có thể dự đoán đường hướng phát triển của nó", Wain-Hobson nhấn mạnh.

Lập luận của Wain-Hobson lặp lại tranh luận về việc có nên cho phép các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm làm tăng độc lực, tính dễ lây lan hoặc sự đa dạng vật chủ của mầm bệnh nguy hiểm hay không. Tháng 10/2014, chính phủ Mỹ tạm ngừng cấp kinh phí liên bang cho những nghiên cứu về virus gây dịch SARS, MERS và cúm. Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) kết luận nghiên cứu của Shi và cộng sự không quá rủi ro. Nhưng Wain-Hobson không ủng hộ nghiên cứu bởi ông cho rằng nó đem lại ít lợi ích và không tiết lộ nhiều về nguy cơ mà virus SHC014 ở dơi hoang dã gây ra đối với con người.

Một trong những lợi ích của nghiên cứu này là chuyển SHC014 từ mầm bệnh có khả năng xuất hiện thành mối nguy hiểm rõ rệt", theo Peter Daszak, chủ tịch của EcoHealth Alliance, mạng lưới các nhà khoa học quốc tế chuyên lấy mẫu virus từ động vật và con người ở những điểm nóng bệnh dịch mới trên toàn cầu. Nghiên cứu thử nghiệm virus lai trong môi trường tế bào người và mô hình động vật hạn chế ở chỗ không thể phản ánh chính xác nguy cơ gắn liền với virus trong tự nhiên. Nhưng Daszak cho rằng nghiên cứu như của Shi và cộng sự giúp chỉ ra những mầm bệnh nào nên được ưu tiên tìm hiểu sâu hơn. Nghiên cứu đó cho thấy virus đã vượt qua rào cản để có thể bám vào thụ thể của con người và lây nhiễm hiệu quả tế bào ở đường hô hấp.

An Khang (Theo Nature/Live Science)

nghien cuu tung gay tranh cai cua vien virus hoc vu han Viện Virus học Vũ Hán bác cáo buộc phát tán SARS-CoV-2

Lãnh đạo Viện Virus học Vũ Hán khẳng định thông tin rò rỉ, phát tán virus corona chủng mới từ phòng thí nghiệm của viện ...

/ vnexpress.net