Nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu, trình phương án giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu.

Nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu ảnh 1
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá xăng dầu các tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước (%)

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 280/TB-VPCP ngày 7/9/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 24/8/2022.

Theo đó, với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cần chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.

Việc kiểm soát đà tăng của giá xăng dầu nhằm góp phần quan trọng trong việc kiểm soát giá cả thị trường và lạm phát cả năm nay.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 22 đợt, trong đó có 8 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 tăng 1.370 đồng/lít; xăng E5 tăng 1.170 đồng/lít và dầu diezen tăng 6.180 đồng/lít.

Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm liên tục tháng 7/2022 do Chính phủ giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và theo biến động giảm của giá nhiên liệu thế giới.

Từ ngày 21/6/2022, giá xăng A95 III ở mức 32.870 đồng/lít, dầu diezel ở mức 30.010 đồng/lít giảm xuống với các mức giá tương ứng là 24.660 đồng/lít và 23.750 đồng/lít. Giá xăng dầu giảm là yếu tố chủ yếu kiềm chế tốc độ tăng của CPI tháng 7 và tháng 8/2022.

 Tuy nhiên, hiện nay vẫn tiềm ẩn những yếu tố có khả năng tác động làm tăng CPI trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 như: Giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao mà Việt Nam là nước phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản;

Giá xăng dầu có thể giảm trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do xung đột giữa Nga-Ukaraine chưa chấm dứt; sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có thể gây áp lực thêm cho lạm phát năm sau.

Tổng cục Thống kê cũng nhận định nguy cơ lạm phát khi giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm; tác động của các gói phục hồi kinh tế… Do đó, để ổn định giá cả, bên cạnh việc ổn việc thực hiện các biện pháp kiềm chế tăng giá, quản lý chặt chẽ thị trường, cần chủ động cung ứng hàng hóa đầy đủ, tránh thiếu hàng, sốt giá trong những tháng cuối năm.

https://www.anninhthudo.vn/nghien-cuu-giam-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-xang-dau-post516248.antd

Vân Hằng / anninhthudo.vn