Nghịch lý vận tải đường sắt liên vận: Nhu cầu lớn - hạ tầng kém

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện nhu cầu vận tải liên vận quốc tế hai chiều xuất và nhập qua cửa khẩu ga Đồng Đăng tăng cao, lên đến hàng trăm nghìn tấn/tháng. Tháng 1 hàng qua cửa khẩu ga Đồng Đăng đạt hơn 80 nghìn tấn, các ga liên vận quốc tế thường xuyên ùn ứ vì quá tải.

Hàng hoá ách tắc vì… thiếu cả bãi đỗ

Lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Đồng Đăng trong tháng 1 là 200 nghìn tấn. Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực đường ga và kho bãi tại các ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng và Yên Viên nên thực tế chỉ vận chuyển được hơn 80 nghìn tấn. Đã có thời điểm, mỗi ngày có 500-600 toa xe ách tắc tại ga Bằng Tường và dọc đường từ ga Nam Ninh đến ga biên giới Bằng Tường trên đường sắt Trung Quốc, đợi tiếp nhận vận chuyển sang Việt Nam. Về phía Việt Nam, để giải toả hàng hoá, tàu hàng liên vận quốc tế xuất phát ga Yên Viên sang Trung Quốc qua cửa khẩu Đồng Đăng đã nâng công suất trung bình từ 3-4 đoàn/tuần lên 8-9 đoàn/tuần. Trong khi bãi hàng ga Yên Viên nhỏ nên vào cuối tháng 2, cả ga Yên Viên và ga Đông Anh tồn đến 600-700 container.

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt kiêm Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng cho hay, tháng 1/2022 là cao điểm về vận tải hàng liên vận qua ga so với trước, đạt hơn 4.400 toa xe cả hai chiều xuất - nhập. Tháng 2 sản lượng giảm hơn do đầu tháng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hải quan khu vực ga Yên Viên nghỉ Tết, thêm với việc nghỉ do dịch COVID-19 nên hàng xuất nhập phải chờ để làm thủ tục. Riêng khu vực ga cửa khẩu Đồng Đăng và ga cửa khẩu Bằng Tường (Trung Quốc) vẫn tổ chức chạy 2 - 3 đoàn tàu trong các ngày nghỉ Tết. Tuy nhiên, nhu cầu vận chuyển vẫn tăng cao cả hai chiều, nhất là chiều hàng nhập từ Trung Quốc về, tăng gấp đôi so với trước. Vì vậy dẫn đến thực trạng ùn ứ toa xe, container tại ga do năng lực kho bãi, đường ga thấp. Hàng về phải chờ làm thủ tục hải quan, thông quan dẫn đến chiếm dụng đường xếp dỡ, bãi hàng. Hàng ngày, giữa hai ga đã chạy 4-5 đôi tàu, nhưng không thể nâng lên thành 6 đôi tàu/ngày như đã thống nhất trong Nghị định thư đường sắt hai bên vì tàu về nhiều cũng không có đường chứa.

Nghịch lý vận tải đường sắt liên vận: Nhu cầu lớn - hạ tầng kém -0

Tàu chở hàng liên vận quốc tế.

Được biết, hiện đường sắt Việt Nam kết nối với hệ thống đường sắt quốc tế thông qua đường sắt Trung Quốc tại 2 ga biên giới: Lào Cai và Đồng Đăng. Tàu hàng từ Việt Nam có thể quá cảnh qua Trung Quốc để đến các nước thứ 3 như Kazakhstan, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á và châu Âu. Hàng ngày đường sắt Việt Nam tổ chức vận chuyển từ 7-9 đoàn tàu chuyên chở hàng hóa từ miền Nam, miền Trung ra Hà Nội và kết nối vào các đoàn tàu liên vận quốc tế để xuất sang Trung Quốc. Sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế năm 2021 là 1.132.630 tấn, tăng 34% so với năm 2020.

Kiến nghị bổ sung thêm ga liên vận quốc tế

Trước thực trạng quá tải do năng lực hạ tầng các ga liên vận quốc tế thấp, không đáp ứng được nhu cầu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mới đây đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét, sớm bổ sung ga Kép (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) là ga liên vận quốc tế. Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nếu lập ga Kép (tại thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) là ga liên vận quốc tế sẽ giúp giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và 2 ga liên vận quốc tế hiện có trên tuyến là Yên Viên và Đồng Đăng. Vì nhà ga có các công trình kiến trúc phục vụ điều hành chạy tàu và kinh doanh vận tải. Cùng đó là các điều kiện hạ tầng phục vụ vận tải hàng hóa như đường ga, kho, bãi, chỉ cần đầu tư, nâng cấp thêm.Mặt khác, cách ga Kép 30km có Chi cục Hải quan tỉnh Bắc Giang đóng tại khu công nghiệp Đình Trám. Khi đó hàng hóa thuộc khu vực Bắc Giang có thể làm các thủ tục xuất nhập tại Hải quan Bắc Giang đóng tại khu công nghiệp này, không phải làm thủ tục tại ga Đồng Đăng, Yên Viên, vừa giảm bớt thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa, vừa giảm tải cho hai ga này.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, đường sắt Việt Nam có kết nối với đường sắt Trung Quốc qua hai tuyến Đồng Đăng-Bằng Tường và Lào Cai-Sơn Yêu/Hà Khẩu Bắc. Hiện tại, mới chỉ có tuyến Đồng Đăng-Bằng Tường là kết nối thẳng còn tuyến Lào Cai-Sơn Yêu/Hà Khẩu Bắc chưa tổ chức được việc vận chuyển hàng hóa đi châu Âu vì khác nhau về khổ đường sắt cũng như còn một số hạn chế giới hạn về kỹ thuật.

Để giải quyết vấn đề này, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đơn vị đã đề xuất ưu tiên bố trí vốn cho dự án đấu nối chung khổ đường giữa hai ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc để tạo thuận lợi lập tàu liên vận quốc tế quá cảnh Trung Quốc đi châu Âu. Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định, việc nâng cấp hạ tầng sẽ là yếu tố quyết định để đẩy mạnh hoạt động vận chuyển đường sắt, đặc biệt là tuyến vận tải liên vận Á-Âu. Với một số ga trọng điểm, có thể gom hàng, ví dụ đối với phía Nam là ga Sóng Thần, phía Bắc là ga Yên Viên hoặc Đông Anh…

Hiện năng lực vận tải liên vận quốc tế của ngành đường sắt khoảng 1 triệu tấn mỗi năm, nếu được đồng bộ hóa khổ đường sắt tiêu chuẩn-khổ 1.435mm (hiện nay đường sắt Việt Nam vẫn là đường sắt khổ 1.000mm) sẽ tăng gấp đôi. Tuy số lượng chưa thể bằng đường bộ nhưng đường sắt vận tải khối lượng lớn và an toàn. Để thực hiện được, hệ thống logistics của ngành đường sắt phải phát triển đường kết nối, các trung tâm logistics... từ đó giải quyết vấn đề san hàng, chuyển tải một cách tối ưu.

Đặng Nhật

Dấu mốc được kỳ vọng thay đổi căn bản vận tải đường sắt Dấu mốc được kỳ vọng thay đổi căn bản vận tải đường sắt
Vận tải đường sắt: Muốn thông nhưng vẫn tắc Vận tải đường sắt: Muốn thông nhưng vẫn tắc
/ cand.com.vn