Nghịch lý phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai địa phương của cả nước có nhiều tuyến xe buýt trợ giá hoạt động. Thế nhưng, có một bất cập kéo dài trong thời gian qua chưa được giải quyết đó là càng đầu tư, lượng khách sử dụng xe buýt trợ giá càng giảm. Để khắc phục nghịch lý này, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp thu hút người dân đi lại bằng xe buýt.

Theo thống kê từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh), trên địa bàn thành phố hiện có 128 tuyến xe buýt hoạt động, trong đó có 91 tuyến xe buýt có trợ giá và 37 tuyến xe buýt không trợ giá. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 22/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Thế nhưng, trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng vận tải hành khách công cộng chỉ đạt 148,7 triệu lượt, đạt 37% so với kế hoạch, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khối lượng vận chuyển bằng xe buýt có trợ giá ước đạt 30,8 triệu lượt hành khách, đạt 27,4% so với kế hoạch, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Chia sẻ về nghịch lý trên, Phó Giám đốc Hợp tác xã Vận tải số 15 (thành phố Thủ Đức) Nguyễn Tấn Tạo cho hay, thành phố Hồ Chí Minh có quá nhiều phương tiện cá nhân khiến hạ tầng giao thông quá tải. Đường đông, chật làm cho xe buýt thường xuyên chậm chuyến, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Theo Tiến sĩ Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), dù mạng lưới xe buýt đã bao phủ khắp thành phố Hồ Chí Minh nhưng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt còn nhiều bất cập, như: Trùng lặp tuyến dẫn đến hoạt động chưa hiệu quả; thiếu điểm dừng, nhà chờ… gây khó khăn cho việc tiếp cận của hành khách.

Góp ý cho vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách thành phố Hồ Chí Minh Lê Trung Tính cho rằng, thành phố cần có một cuộc "đại phẫu" để tìm ra nguyên nhân người đi xe buýt ngày càng ít. Cụ thể, cần tái cấu trúc mạng lưới vận tải hành khách công cộng, bao gồm tuyến trục, tuyến chính và thu gom trên địa bàn thành phố. Đồng thời, ngành Giao thông cần trình UBND thành phố Hồ Chí Minh một kế hoạch tổng thể nhằm “kéo” người dân đến với xe buýt nhiều hơn.

Còn Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàn cho hay, thời gian tới Trung tâm tiếp tục rà soát tăng chuyến, tần suất hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân được tốt hơn. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đưa vào khai thác các tuyến xe buýt mới; tăng cường các biện pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ…

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Võ Khánh Hưng, về lâu dài, thành phố triển khai đồng bộ 27 giải pháp theo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, trong đó có việc tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố. Mặt khác, đầu tư đổi mới nhóm phương tiện xe buýt có niên hạn sử dụng trên 10 năm; tăng các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, xe buýt điện vào hoạt động. Về hạ tầng, thành phố sẽ tập trung nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các nhà chờ, bến bãi phục vụ cho giao thông công cộng bằng xe buýt; tăng cường khả năng tiếp cận hạ tầng, bảo đảm trật tự vỉa hè và lòng lề đường cho người dân dễ dàng đón xe buýt.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1038663/nghich-ly-phat-trien-giao-thong-cong-cong-bang-xe-buyt

BẢO GIA / HNM.com.vn