- Hai tuyển thủ mắc Covid-19, thầy Park được 'minh oan'
- Tuyển thủ Việt Nam được vinh danh ở AFC Champions League
Sau 6 năm kể từ ngày tuyển sinh lứa đầu tiên, Học viện bóng đá Lyon - TP.HCM bắt đầu gặt hái thành quả khi đóng góp 8 gương mặt trong đội hình U17 và U18 Việt Nam.
Năm 2015, Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) hợp tác cùng CLB Lyon (Pháp) thành lập Học viện bóng đá Lyon - TP.HCM. Học viện tuyển sinh lứa đầu tiên hồi tháng 6/2016, sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước, kết hợp cùng công nghệ đào tạo cùng đội ngũ chuyên gia được Lyon cử sang Việt Nam làm việc.
Sau 6 năm, lứa cầu thủ đầu tiên do Học viện Lyon - TP.HCM đào tạo bắt đầu có những quả ngọt đầu tiên, với minh chứng là danh hiệu á quân U17 Quốc gia 2022. Tuy nhiên, phía trước lứa cầu thủ này còn rất nhiều thách thức.
Bài toán đào tạo trẻ
Chia sẻ với VTC News, một cựu lãnh đạo HFF khẳng định khâu đào tạo trẻ ở TP.HCM đang ở trạng thái "trăm hoa đua nở".
"Nhiều trung tâm nở rộ ở TP.HCM, nhưng tồn tại theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có sự thống nhất. Đa số các trung tâm là đào tạo bóng đá cộng đồng, tức là phục vụ cộng đồng, xã hội, còn đào tạo cầu thủ để thi đấu chuyên nghiệp thì không nhiều. Khâu quản lý nhà nước trong đào tạo trẻ ở TP.HCM là chưa rõ ràng", lãnh đạo này khẳng định.
Trong số các học viện, trung tâm đào tạo, Lyon - TP.HCM khác biệt ở chỗ: là sản phẩm hợp tác duy nhất có dấu ấn của HFF và tồn tại bằng ngân sách nhà nước, đào tạo 80 cầu thủ ở các lứa U11, U12, U15, U17, U19 và U21. Trong đó, lứa mũi nhọn của Lyon - TP.HCM là U17.
Chuyên gia David Gonnet.
"Triết lý đào tạo của Lyon - TP.HCM là nâng cao khả năng thích ứng cho cầu thủ, để dù đá ở môi trường nào, thi đấu ở trường phái bóng đá nào cũng có thể phát huy điểm mạnh.
Một số trung tâm đào tạo chú trọng dạy kỹ thuật cho cầu thủ khi còn trẻ, nhưng chúng tôi dạy chiến thuật nhiều hơn. Các cầu thủ được tập luyện các bài chiến thuật, đối kháng từ rất sớm, điều đó giúp các em sớm hình thành tư duy bóng đá và duy trì xuyên suốt quá trình tập luyện từ trẻ đến khi trưởng thành.
Các cầu thủ trẻ của Lyon - TP.HCM không có thể hình ấn tượng, nhưng tư duy chơi bóng rất tốt", một thành viên Lyon - TP.HCM cho biết.
Đây là lứa cầu thủ đầu tiên được đào tạo hoàn toàn bằng giáo trình của Lyon cách đây 6 năm và chuẩn bị dự giải U17 Quốc gia với tư cách đội U17 TP.HCM.
Giáo trình đào tạo của Lyon - TP.HCM được "nhập khẩu" từ Pháp, với giám đốc kỹ thuật David Gonnet phụ trách chiến lược, giám sát quá trình tập luyện.
Một buổi tập tại Trung tâm Lyon - TP.HCM.
"Trực tiếp huấn luyện cầu thủ là các HLV người Việt Nam. Chuyên gia Gonnet sẽ quan sát, thống kê màn thể hiện của từng cầu thủ rồi gửi về Pháp, báo cáo với ban chuyên môn của CLB Lyon.
Đội Lyon sau đó sẽ phân tích số liệu, tìm hiểu xem cầu thủ cần bổ sung những yếu tố nào, rồi cử thêm chuyên gia sang Việt Nam để hỗ trợ huấn luyện giúp cầu thủ cải thiện những yếu tố đó.
Trong trường hợp đặc biệt, ông Gonnet sẽ trực tiếp dẫn dắt đội bóng, đơn cử như đội U17 TP.HCM tại giải U17 Quốc gia sắp tới", một trợ lý HLV tại Lyon - TP.HCM chia sẻ.
Cơ sở tập luyện của Học viện Lyon - TP.HCM thuộc tổ hợp sân bóng tại Trung tâm TDTT Phú Thọ (Q.11), gồm 2 sân cỏ tự nhiên (giá trị gần 7 tỷ đồng) và 4 sân cỏ nhân tạo. Các đội trẻ tập chiến thuật trên sân cỏ tự nhiên, còn sân cỏ nhân tạo được sử dụng để tập các bài thể lực, hoặc trong trường hợp mặt sân tự nhiên cần bảo dưỡng.
Sân tự nhiên được Trung tâm Lyon - TP.HCM được trồng bằng cỏ Bermuda.
Điều kiện chưa xứng tầm tên tuổi
Trái với cơ sở tập luyện tương đối tốt, cơ sở sinh hoạt, ăn của cầu thủ ở tại sân Thống Nhất lại chưa đáp ứng yêu cầu.
Các cầu thủ Lyon - TP.HCM được chia ở theo từng phòng, mỗi phòng rộng khoảng 30m2 dành cho 4 cầu thủ. Theo ghi nhận của phóng viên VTC News, không gian sinh hoạt của cầu thủ tương đối chật chội so với một số học viện, trung tâm đào tạo bóng đá khác như HAGL, Viettel.
Dãy nhà các cầu thủ ở đã xuống cấp, tường bong tróc thành từng mảng. Thậm chí, có cầu thủ còn bắt được... chuột khi đang ở trong phòng để chuẩn bị lên đường đá giao hữu trước thềm giải U17 Quốc gia.
Phòng ở của các cầu thủ. (Ảnh: Hồng Nam)
Các thành viên đội Lyon - TP.CM dùng bữa trong nhà ăn tại sân Thống Nhất. Bữa ăn được thiết kế, thay đổi theo ngày, đảm bảo có đủ thịt, cá, trứng, sữa.
"Các cầu thủ được đảm bảo ăn 4 bữa mỗi ngày, gồm các bữa sáng, trưa, chiều, tối. Thực đơn được chuyên gia David Gonnet chấm duyệt rồi mới chuyển đến bếp ăn. Những ngày thi đấu, các cầu thủ sẽ được bổ sung nhiều chất hơn", một trợ lý của ông Gonnet cho biết.
Bữa ăn của các cầu thủ Lyon - TP.HCM. (Ảnh: Hồng Nam)
Nhìn chung, từ vấn đề sinh hoạt đến ăn uống của cầu thủ, cơ sở vật chất của Lyon - TP.HCM chưa xứng tầm với đẳng cấp của một trung tâm có liên kết đào tạo quốc tế. Ngoài ra, trung tâm chủ yếu sử dụng cơ sở vật chất tại sân Thống Nhất và Phú Thọ.
Đến thời điểm này, Lyon - TP.HCM vẫn chưa có cơ ngơi riêng, mà sử dụng chung với các đội bóng đá khác, thậm chí với các vận động viên môn khác.
Đó là những khó khăn chưa thể giải quyết một sớm một chiều, trong bối cảnh trung tâm chỉ có nguồn ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động cho 80 cầu thủ.
Bài toán đầu ra
Sau 6 năm đào tạo, lứa U17 - sản phẩm mang bản sắc Lyon - TP.HCM đã có những gương mặt được triệu tập lên đội tuyển. Trong đội hình U16 Việt Nam vừa giành ngôi Á quân tại giải U16 Đông Nam Á 2022, Lyon - TP.HCM đóng góp 2 gương mặt là Tuấn Phong và Hữu Trọng.
Trong màu áo U17 và U18 Việt Nam, bóng đá trẻ TPHCM đóng góp 8 gương mặt trong năm 2022 gồm: Trí Thiện, Nguyễn Tân, Anh Quân, Minh Chiến, Dương Đạt, Bá Hưng, Trọng Nhân. Đỉnh cao của Lyon TP.HCM là danh hiệu á quân U17 Quốc gia 2022, nơi thầy trò HLV David Gonnet đã vượt qua nhiều đối thủ mạnh để đi tới chung kết.
Tuy nhiên, Học viện Lyon - TP.HCM đang gặp vấn đề liên quan đến nguồn đầu ra cho các cầu thủ.
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, phụ trách bóng đá học đường của HFF, các đội bóng như CLB Sài Gòn hay CLB TP.HCM vẫn có tư duy "ăn xổi", muốn thành công ngay lập tức mà không chú trọng cầu thủ trẻ. Hệ thống đào tạo của cả hai đội gần như không có.
Nghịch lý ở chỗ: trung tâm đào tạo thì không liên kết được với CLB để tạo đầu ra cho cầu thủ, còn CLB thì không có nơi đào tạo trẻ để tìm người
"Sự thiếu nghiêm túc ở khâu đào tạo trẻ của cả hai đội bóng tại TP.HCM khiến người hâm mộ hoài nghi về tham vọng làm bóng đá của họ. Liệu hai đội này muốn đầu tư nghiêm túc, hay lại như Navibank Sài Gòn và Xuân Thành Sài Gòn trước đây?", ông Xương đặt dấu hỏi.
CLB TP.HCM và Sài Gòn hầu như không có ngôi sao bản địa trong đội hình. (Ảnh: Hồng Nam)
Thực trạng bóng đá trẻ TP.HCM là không có sự gắn kết giữa các trung tâm với CLB, mỗi bên làm một hướng. Chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích thêm: ban đầu Học viện Lyon - TP.HCM đào tạo cầu thủ phục vụ CLB TP.HCM, nhưng sau khi đội lên hạng năm 2017 và được giao cho doanh nghiệp, CLB lại thờ ơ với đào tạo trẻ.
"Trung tâm Lyon - TP.HCM có thỏa thuận đào tạo với các đội bóng như Sài Gòn hay TP.HCM, đơn cử như các cầu thủ trẻ tài năng sẽ được ưu tiên cho các đội này dùng. Tuy nhiên, đó là thỏa thuận miệng, còn chưa có ký kết hợp tác hay trao đổi chính thức bằng các văn bản hay hợp đồng", một đại diện Lyon - TP.HCM chia sẻ.
Giữa một trung tâm được vận hành bằng ngân sách nhà nước và CLB do doanh nghiệp quản lý, dường như vẫn đang tồn tại độ vênh về tư duy và cách sử dụng cầu thủ trẻ.
Điều đó khiến cầu thủ trẻ TP.HCM không có "đất dụng võ" ở V-League, còn các CLB tại đây phải chắp vá lực lượng bằng những cầu thủ từ các địa phương khác. Trong đội hình CLB Sài Gòn và CLB TP.HCM, số cầu thủ địa phương gây được tiếng vang là con số 0 tròn trĩnh.
Các đội bóng - ngay cả ở những nền bóng đá phát triển hàng đầu - cũng phải duy trì nguồn cầu thủ địa phương để thu hút khán giả đến sân và tạo ra bản sắc riêng của CLB. Bản sắc ấy chỉ có thể duy trì nếu các đội đàm phán để tìm được tiếng nói chung với các trung tâm đào tạo, trong đó có Lyon - TP.HCM.