Nghĩ từ việc thu phí vào phố cổ Hội An

Liệu việc thu phí vào Hội An lần này có tạo tiền lệ cho các địa phương khác làm như vậy hay không? Nếu nơi nào cũng làm vậy thì sẽ thế nào?

Vài ngày qua, dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin từ ngày 15/5 tới, mọi du khách trong nước và quốc tế tham quan khu phố cổ Hội An sẽ phải mua vé tham quan tại các quầy vé.

Giá vé tham quan là 120.000 đồng/vé (dành cho khách quốc tế) và 80.000 đồng/vé (dành cho khách nội địa).

Nghĩ từ việc thu phí vào phố cổ Hội An 1

Các công ty du lịch lo lắng phải gồng gánh thêm khoản chi phí không nhỏ cho tour Hội An nếu thành phố này thu phí với mọi khách tham quan phố cổ. Ảnh: Xuân Thu

Sau thông tin trên, lập tức xuất hiện tranh cãi về việc thu phí hay không nên thu phí, nghĩa là ngoài những người phản đối còn có những người ủng hộ.

Theo giải thích của lãnh đạo và ngành chức năng TP Hội An, việc thu phí đã có từ lâu chứ không phải đến bây giờ. Tuy nhiên du khách vào phố cổ thông qua các kiệt, hẻm, khiến việc bán vé bị thất thoát.

Đại khái, việc thu phí vào phố cổ Hội An không phải “đâu cũng chặn đường thu phí”, mà chỉ trong phạm vi vùng lõi khu vực 1, nơi tập trung quần thể di sản ở một số trục đường.

Thế nhưng vì sao nhiều người lại phản đối?

Trước hết, trong số những ý kiến phản đối, có lẽ nhiều nhất là doanh nghiệp lữ hành, du lịch. Họ cho rằng, sẵn sàng trả phí nhưng theo đề án mới, họ sẽ phải trả tiền cho cả những điểm mà du khách của mình không đặt chân tới.

Còn với những người dân bình thường, từ trước đến nay, họ tới phố cổ Hội An chỉ mua vé khi muốn tham quan các di tích. Nhưng theo quy định mới, cứ đến phố cổ, dù không vào tham quan các di tích này thì vẫn phải mua vé.

Ở chiều ngược lại, những người ủng hộ lại cho rằng, phố cổ Hội An hiện quá tải khách du lịch gấp 5 lần so với trước đây. Với một di sản thế giới như Hội An thì việc thu vé không có gì phải bàn cãi.

Thật ra, những người phản đối hay ủng hộ đều có cái lý của mình. Nhưng ở đây cần phải rạch ròi hai điều.

Thứ nhất, việc thu vé có đúng quy định không? Có! Chính quyền Hội An không sai khi thu vé, đó là điều cần phải khẳng định.

Thứ hai, những người dân nằm trong khu vực thu phí sẽ là những chủ thể bị tác động nhiều nhất. Bởi sau này, việc kinh doanh buôn bán thế nào, việc siết chặt bán vé ảnh hưởng đến sinh kế ra sao, họ sẽ là những người thấy được trước hết. Họ có đồng thuận với quyết định của chính quyền không? Chưa thể biết được!

Có một thực tế không thể phủ nhận là, sự có mặt của du khách mang lại nguồn lợi đáng kể cho các dịch vụ tại Hội An. Từ những người bán đồ ăn vặt, cho đến các cửa hàng lưu niệm... đều có thu nhập nhờ khách du lịch.

Việc có thu phí hay không, thu như thế nào, mức phí bao nhiêu... tất nhiên do chính quyền Hội An quyết định. Nhưng nếu từ việc đó mà ảnh hưởng không tốt đối với người dân, nhất là những người sống nhờ kinh doanh dịch vụ du lịch, có lẽ nên cân nhắc.

Hội An có quyền tự hào về di sản của mình, có trách nhiệm giữ gìn và khai thác di sản để phát triển du lịch văn hóa. Nhưng muốn khai thác, tạo nguồn thu, điều quan trọng nhất vẫn là phải tạo ra những sản phẩm du lịch tương xứng, có sức hấp dẫn, gắn liền với các giá trị di sản.

Nhưng với tư cách là một công dân địa phương khác, nhìn trên bình diện quốc gia, tôi lại nghĩ: Liệu việc thu phí vào Hội An lần này có tạo tiền lệ cho các địa phương khác làm như vậy hay không? Nếu nơi nào cũng làm vậy, câu chuyện sẽ thế nào?

https://www.baogiaothong.vn/nghi-tu-viec-thu-phi-vao-pho-co-hoi-an-d587156.html

Nguyễn Hùng Sơn / Giao thông