Nghệ An hiện còn thừa khoảng 1.400 giáo viên, chủ yếu bậc THCS, nhưng bậc Tiểu học cũng đang thiếu hàng trăm giáo viên, dẫn đến những bất cập, bối rối trong công tác quản lý.
Nhiều trường Tiểu học ở Nghệ An còn thiếu giáo viên. Ảnh minh họa: Quang Đại
Ông Đậu Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho hay, toàn tỉnh đang thừa 1.400 giáo viên các cấp, trong đó nhiều nhất là THCS.
Theo thống kê, Nghệ An có 47.513 biên chế giáo viên/62.253 biên chế viên chức, trong đó bậc mầm non có 10.900 giáo viên; Tiểu học là 15.600; THCS 13.300 và THPT là 5.800. Trước đó năm 2013, tỉnh Nghệ An thừa 2.500 giáo viên, đến nay đã giảm được 1.100 người.
Tuy nhiên, lại có hiện tượng thừa thiếu cục bộ, một số bộ môn thừa giáo viên, nhưng bậc Tiểu học lại đang thiếu. Vì tổng biên chế đã thừa, nên ngành không thể tuyển thêm, vì không có quỹ lương để trả. Thời gian tới, vẫn tiếp tục rà soát, để giảm thêm.
Tuy nhiên, việc giảm biên đối với những bộ môn thừa hết sức khó khăn, do vướng cơ chế, liên quan đến con người. Giảm biên chủ yếu thông qua nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi. Trước đây, một số địa phương ký hợp đồng tràn lan, dẫn đến tồn đọng quá nhiều, khó giải quyết.
Tại nhiều địa phương, các trường Tiểu học mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nhưng không được phân đủ chỉ tiêu 1,5 giáo viên/lớp để đảm bảo dạy học hai buổi, nhiều trường thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học. Do đó các trường buộc phải hợp đồng giáo viên.
Tuy nhiên, nghịch lý là do chủ trương từ tỉnh không cho hợp đồng, nên các trường phải hợp đồng “chui”, dưới dạng theo vụ việc hoặc thỉnh giảng. Những giáo viên hợp đồng này hết sức thiệt thòi về quyền lợi, tâm lý cũng bị ảnh hưởng.
Mặc dù, việc hợp đồng này không ảnh hưởng tới chủ trương tinh giản biên chế cũng như tăng chi ngân sách (vì nguồn chi trả từ tiền xã hội hóa).
Các cấp quản lý, biết rõ thực trạng nói trên, nhưng không tháo gỡ được, nên “làm ngơ” cho các trường hợp đồng. Còn quyền lợi của những giáo viên này, không được ai quan tâm.
Việc cấm các trường hợp đồng giáo viên là máy móc, không sâu sát thực tế, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của giáo viên, học sinh và gây khó khăn cho nhà trường.
Tuy nhiên, trong trao đổi gần đây, ông Đậu Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An vẫn khẳng định thông điệp: “Dứt khoát không cho hợp đồng”. Lý do mà ông Thanh nêu ra là do trước đây hợp đồng tràn lan, nên sợ khó quản lý (?).
Thưa Bộ trưởng GD-ĐT: Bao giờ giáo viên hết nạn sao chép sáng kiến kinh nghiệm? Tại Hội thảo khoa học do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục và Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức vào sáng 8.12, những ... |
Không đạt chuẩn, giáo viên tiểu học về đâu? Không ít giáo viên chưa đạt chuẩn lo lắng họ phải "ra đường" sau nhiều năm cống hiến vì đã quá tuổi đi học để ... |