Ngân hàng tiếp tục "cuộc đua" tăng vốn

Tiếp tục tăng vốn điều lệ, mở rộng dịch vụ, các ngân hàng đang bước vào một "cuộc đua" mới trong năm nay.

Không chỉ các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, mà cả những ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hơn cũng đều có kế hoạch tăng vốn bằng hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ…

Duy trì thị phần

ngan-hang.jpg
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ảnh: Quang Thái

Ráo riết với kế hoạch tăng vốn hơn cả là nhóm ngân hàng Thương mại có vốn nhà nước. Chẳng hạn như đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) dự kiến dùng 23.971 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021, 2022 và giai đoạn 2009-2016 phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phát hành 44,64%, để trả cổ tức, qua đó tăng vốn điều lệ từ 53.700 tỷ đồng lên 77.671 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VietinBank lên phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2024 để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo lãnh đạo VietinBank, năm 2024, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của ngân hàng đạt 24.259 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là gần 15.597 tỷ đồng. Mức chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến ở mức 15.597 tỷ đồng. Ngân hàng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hằng năm trong giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn điều lệ, nhằm nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Còn Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chốt danh sách cổ đông để phát hành hơn 2,76 tỷ cổ phiếu trả cổ tức, tương đương tỷ lệ phát hành 49,5%; nguồn phát hành lấy từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm hơn 27.600 tỷ đồng, từ 55.890 tỷ đồng lên trên 83.500 tỷ đồng. Ngoài kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành hàng tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, ngân hàng này có kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư tổ chức (tương đương 1,3 tỷ USD) trong năm 2025.

Hay với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kế hoạch trả cổ tức là 20% bằng cổ phiếu nhằm tăng thêm vốn điều lệ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao hệ số an toàn vốn. BIDV cũng vừa chào bán thành công 123,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ, trong đó, hơn 38,6 triệu cổ phiếu được phân phối cho nhà đầu tư trong nước, gần 85,2 triệu cổ phiếu thuộc về nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài. Kết thúc đợt phát hành, tổng số cổ phiếu của BIDV tăng lên hơn 7,02 tỷ đơn vị, vốn điều lệ tăng từ 68.975 tỷ đồng lên 70.213 tỷ đồng.

Lý giải cho việc nhóm “big 4” (4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước) nhanh chóng đẩy tốc độ tăng vốn, các chuyên gia cho rằng, trong những năm gần đây, đà cạnh tranh khốc liệt từ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng như sự gia nhập cả các ngân hàng nước ngoài khiến các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước phải khốc liệt tăng vốn để duy trì thị phần cũng như cạnh tranh.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ở mức cao, dẫn đến hệ số an toàn vốn của nhóm này cao hơn nhiều so với nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Hiện, hai ngân hàng có vốn điều lệ cao trên hệ thống là Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) với 79.339 tỷ đồng và Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 70.450 tỷ đồng.

Cải thiện năng lực tài chính

xep-hang.jpg
10 ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất toàn hệ thống năm 2024. Đồ họa: Diendandoanhnghiep.vn

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, kế hoạch tăng vốn cũng được đưa ra khá kỹ lưỡng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 14% và phát hành 7,8 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Khi đó, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn là 14,26%. Toàn bộ vốn tăng thêm sẽ được VIB sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh cấp tín dụng, đầu tư vào tài sản thanh khoản, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mở rộng mạng lưới chi nhánh. Với kế hoạch tăng vốn này, ngân hàng đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 11.020 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 22% so với 2024.

Hay như Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) có phương án trả cổ tức 25% bằng cả tiền mặt và cổ phiếu, trong đó, ACB dự kiến phát hành gần 670 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương 15%. Nếu hoàn thành, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 6.700 tỷ đồng, từ 44.666 tỷ đồng lên 51.366 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện trong quý III-2025. Với cấu phần tiền mặt, ACB sẽ chi ra khoảng 4.466 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10%.

Đại diện các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn đều khẳng định, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các ngân hàng cải thiện năng lực tài chính, nâng cao bộ đệm an toàn vốn, có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, mở rộng hoạt động kinh doanh đồng thời hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng.

https://hanoimoi.vn/ngan-hang-tiep-tuc-cuoc-dua-tang-von-698198.html

Hà Linh / HNM