Bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng xáo trộn khi BIDV rời Top 3, VPBank rời Top 5 còn Vietcombank tạo khoảng cách quá lớn với phần còn lại.
Báo cáo tài chính những ngân hàng niêm yết vừa công bố hé lộ phần nào bức tranh hoạt động của ngành này trong nửa đầu năm nay. Nếu như bảng xếp hạng lợi nhuận năm 2018 xáo trộn lớn ở nhóm quốc doanh với sự giảm tốc bất ngờ của VietinBank, thì sang nửa đầu năm 2019, sự bất ngờ đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân khi chất lượng tăng trưởng bộc lộ nhiều vấn đề.
Một trong những xáo trộn lớn nhất trong nửa đầu năm nay là việc đổi vị trí giữa VietinBank và VPBank.
Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank, mã CK: CTG) là một trong những nhà băng cuối cùng vừa công bố số liệu hợp nhất bán niên với lợi nhuận trước thuế hơn 5.300 tỷ đồng. Mặc dù chỉ tăng hơn 1% so với cùng kỳ, nhưng kết quả này đủ đưa Vietinbank trở lại top 3 ngân hàng niêm yết có lợi nhuận cao nhất.
Đà giảm tốc bất ngờ cuối năm 2018 khi báo lỗ hơn 850 tỷ đồng trong quý IV, cùng những khó khăn trong vấn đề tăng vốn khiến giới đầu tư đặt nhiều nghi ngờ về triển vọng tăng trưởng của VietinBank. Tuy nhiên trong nửa đầu năm nay, nhà băng này vẫn tăng trưởng lãi thuần trên 12%. Tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm chỉ ở mức khiêm tốn 2,4%, nhưng nếu so sánh với kết quả âm 0,6% trong quý I thì thực tế ngân hàng tăng trưởng tín dụng gần 3% trong ba tháng gần nhất.
Các khoản ngoài lãi có tốc độ tăng cao như dịch vụ và ngoại hối bù lại sự giảm mạnh tại kênh chứng khoán đầu tư và hoạt động khác. Cùng với việc tiết giảm chi phí hoạt động, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của VietinBank tăng hơn 25%. Tuy nhiên, kết quả cuối kỳ không đột biến bởi phần lớn số tăng thêm này được ngân hàng dùng để trích lập dự phòng rủi ro, với số thực tế gần 7.500 tỷ đồng, so với mức trích lập gần 5.000 tỷ cùng kỳ năm 2018.
Cũng giống như VietinBank, lợi nhuận trước thuế bán niên của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã CK: VPB) cũng xấp xỉ cùng kỳ, nhưng việc không tăng trưởng khiến họ rời khỏi top 5 ngân hàng lãi cao nhất.
Trong nửa đầu năm, các mảng hoạt động chính của VPBank tiếp tục đà tăng hai con số. Thu nhập lãi thuần tăng gần 19%, lãi thuần dịch vụ hơn gấp đôi cùng kỳ, góp phần giúp tổng thu nhập tăng hơn 16% so với 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng hơn 28%, trích lập dự phòng tăng gần 19% khiến lợi nhuận của ngân hàng này chỉ xấp xỉ cùng giai đoạn năm trước.
Trong khi VPBank tiếp tục xu hướng đi ngang như năm 2018 thì MB tăng lãi gần 27%, đạt 4.875 tỷ đồng. Con số này thậm chí còn cao hơn BIDV khi lợi nhuận trước thuế bán niên chỉ đạt gần 4.800 tỷ. Kết quả là MB, ngân hàng đứng thứ 5 về lợi nhuận năm 2018, đã đánh bật cả BIDV và VPBank để chen chân vào Top 4.
Giao dịch tại quầy một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú |
Hai vị trí đầu tiên, tương tự như năm trước, thuộc về Vietcombank và Techcombank.
Tuy nhiên, khác với sự áp đảo của ngân hàng tư nhân đầu tiên cán mốc lợi nhuận 10.000 tỷ năm ngoái, lợi nhuận Techcombank nửa đầu năm nay chỉ tăng gần 9%. Nhìn sâu hơn vào kết quả hoạt động của ngân hàng này thì phần lớn tăng trưởng đến từ những thay đổi ở "nợ xấu".
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm hơn 5% nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng là bởi trích lập dự phòng trong nửa đầu năm nay chỉ hơn 239 tỷ, so với mức 1.045 tỷ cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ở phần lợi nhuận khác, ngân hàng vẫn đều đặn thu trên 400 tỷ đồng từ nợ đã xử lý dự phòng rủi ro và doanh thu đột biến từ các công cụ tài chính phái sinh.
Sự chậm lại của ba trong năm ngân hàng Top 5 khiến khoảng cách giữa Vietcombank và phần còn lại tiếp tục giãn cách.
Vietcombank báo lãi trước thuế bán niên hơn 11.300 tỷ đồng, tăng 41%. Lợi nhuận của Vietcombank, thậm chí, còn cao hơn tổng lợi nhuận của hai ngân hàng liền sau là Techcombank và MB.
Trong khi nhiều ngân hàng top đầu có xu hướng chững lại thì các nhà băng ở nhóm sau vẫn tiếp tục tăng trưởng hai con số, phần nào thu hẹp khoảng cách với nhóm dẫn đầu.
Ngân hàng Quốc tế (VIB) bão lãi trước thuế hơn 1.800 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng giai đoạn năm 2018. Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng tăng lãi tương đương VIB và "bám đuổi" sát sao phía sau. Sacombank và LienVietPostBank báo lãi trước thuế lần lượt 1.461 tỷ và 1.117 tỷ đồng, tăng lần lượt 47% và 81%.
Ở nhóm "cận" top đầu, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) cũng cho thấy xu hướng chậm dần khi báo lãi lần lượt 3.622 tỷ và 2.211 tỷ đồng, chỉ tăng 15% và 7,2%.
Duy trì tốc độ tăng hai con số nhưng lợi nhuận ACB có phần tương đồng Techcombank khi chủ yếu nhờ việc giảm trích lập. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của nhà băng này chỉ tăng hơn 3%, trong khi chi phí dự phòng rủi ro giảm gần 80%.
Trong khi đó, HDBank, với mô hình có phần tương đồng với VPBank khi đều sở hữu công ty tài chính trong nhóm đầu, có xu hướng chững lại khi chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro đều tăng.
Minh Sơn
Ngân hàng tăng lãi suất huy động nửa cuối năm
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,6-7,3% một năm, nhích nhẹ 0,1% so với đầu năm, đi kèm ... |
Bảo vệ đối mặt cướp ngân hàng Vietcombank có súng: Sợ nhưng...
Bằng sự dũng cảm của mình, bảo vệ của ngân hàng Vietcombank đã ngăn chặn được hành vi cướp ngân hàng đầy táo tợn của ... |
Lý do ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu
Áp lực gia tăng vốn huy động trung - dài hạn và tăng nền tảng vốn cấp hai khiến nhiều nhà băng đẩy mạnh phát ... |
SHB được vinh danh 4 giải thưởng quốc tế uy tín
Mỗi giải thưởng tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc của SHB trên thị trường, thể hiện sự tin tưởng của khách hàng, cổ ... |